- Thưa ông! Trước khi nhiều tỉnh, thành cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch do virus corona gây ra, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về việc cho phép học sinh nghỉ học để phòng chống dịch viêm phổi này. Điều đó cho thấy, Bộ GD&ĐT khá thận trọng và cân nhắc khi cho học sinh nghỉ?
Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trước diễn biến tình hình dịch bệnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan; cần chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất, bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người, trong đó có giáo viên, học sinh, sinh viên. Do đó, Bộ GD&ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch hành động của ngành Giáo dục về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020.
PGS. TS Nguyễn Xuân Thành. |
Trong kế hoạch của Bộ GD&ĐT đưa ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là: Thứ nhất, theo dõi, quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học.
Thứ 2: Phối hợp với ngành Y tế xây dựng chương trình hành động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên và cha mẹ học sinh về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch nCoV và dịch bệnh mà đông xuân.
Thứ 3, triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện vệ sinh học đường, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.
Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT cũng nêu 4 nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện mục tiêu trên, như nhiệm vụ truyền thông; nhiệm vụ chỉ đạo điều hành; nhiệm vụ phối hợp liên ngành với tất cả các đơn vị để thực hiện kế hoạch; đặc biệt, tăng cường khâu đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trong các cơ sở giáo dục…
Ngay trong điều hành, chỉ đạo, Bộ GD&ĐT cũng xác định rõ 3 tình huống: Tình huống chưa ghi nhận trường hợp dịch bệnh trong trường học cũng phải tính đến việc làm thế nào để phòng chống dịch bệnh; trường hợp xuất hiện trường hợp dịch bệnh xâm nhập vào trường học thì phải thực hiện thế nào; trường hợp dịch bệnh lây lan trong trường học thì phải ứng xử ra sao…
Có thể nói, đây là lần đầu tiên xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, lây lan nhanh, trong khi kỹ năng phòng tránh của trẻ em còn hạn chế. Bên cạnh đó, các trường học vừa qua kỳ nghỉ Tết nên môi trường trường học cần phải được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Rồi tính chất phức tạp của người nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến bãi…
Nên tôi cho rằng, việc cho học sinh nghỉ vào thời điểm đang triển khai các biện pháp phòng tránh và khống chế dịch là cần thiết, để các trường lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh trường lớp, chuẩn bị tất cả những điều kiện trang thiết bị y tế cần thiết, để chuẩn bị tốt nhất đón học sinh trở lại trường học. Khi quay trở lại trường học, các em cũng đã được chuẩn bị các kĩ năng cần thiết để bảo vệ mình và những người xung quanh.
Theo quy định, việc cho học sinh nghỉ học thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện triển khai Chỉ thị số 05, 06 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh nCoV, đồng thời báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng có chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện việc có thể cho học sinh nghỉ học, đáp ứng yêu cầu công tác phòng dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn cho các thầy cô giáo, học sinh.
Giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học online khi học sinh được nghỉ học. |
- Hiện hầu hết các tỉnh, thành đều học sinh tạm thời nghỉ học để phòng dịch, trong đó đó có nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ một tuần (từ 3-9/2). Khối các trường ĐH cũng rất nhiều trường điều chỉnh lịch trở lại trường sau Tết muộn hơn kế hoạch. Việc nghỉ học như vậy, theo ông sẽ kéo theo những khó khăn hay tác động gì? Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường hỗ trợ, quản lý học sinh, sinh viên như thế nào trong thời gian tạm nghỉ?
Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018 đã được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Quyết định Số 2071/QĐ-BGDĐT. Căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, các nhà trường, địa phương cũng xây dựng kế hoạch thời gian năm học của mình cho phù hợp.
Bởi vậy, khi học sinh phải nghỉ học trong một khoảng thời gian vì dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch chung này. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các địa phương về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học thì phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.
Bên cạnh đó, trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này để bố trí học bù.
Khi cho học sinh nghỉ học ở nhà, trong kế hoạch cũng như văn bản của Bộ GD&ĐT đều hướng dẫn, yêu cầu địa phương, nhà trường có kế hoạch, quản lý, hỗ trợ học sinh trong thời gian nghỉ.
Các cán bộ, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành xây dựng kế hoạch dạy học online khi học sinh được nghỉ học. |
- Hầu hết các địa phương đều có kế hoạch cho học sinh nghỉ hết tuần này. Nhưng trường hợp tuần sau tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn tiếp theo như thế nào? Ngành có kế hoạch dài hơi nào trong tình huống này?
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch do virus corona, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không còn phải tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Chúng ta không mong, nhưng nếu bất khả kháng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì UBND các tỉnh theo thẩm quyền phải chủ động theo dõi tình hình, thực hiện chỉ đạo của Trung ương để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học lại.
Trường hợp vẫn tiếp tục nghỉ, Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến tình huống này. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết. Hiện nay quy định 31/5 là kết thúc năm học, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6. Trong tình huống bất khả kháng khác nữa thì Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để bảo đảm thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cho các em học sinh.
- Xin cảm ơn PGS!