Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và một số chuyên gia.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung đã được đại diện các đơn vị của Bộ, các chuyên gia trao đổi. Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Ban Quản lý các dự án thuộc Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ liên quan đến các quy định và kinh nghiệm về trình tự, thủ tục triển khai lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Về phía cơ sở giáo dục đại học, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là cơ sở thực tiễn, xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó đưa ra dự báo. Bên cạnh đó, cần có các cuộc họp thảo luận với lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm về vấn đề này.
Đề cập đến việc xây dựng “đầu bài” và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trao đổi, “đầu bài” cần thể hiện những tư tưởng chính như bám sát cung - cầu, gắn liền với các vùng kinh tế; chuyển hệ thống giáo dục đại học sang giai đoạn đổi mới sáng tạo; lưu ý nhu cầu tiếp cận đại học của người dân và phân tầng đại học. Quy hoạch mạng lưới tránh tràn lan, nên tập trung một số điểm nhấn, tạo sự khác biệt với giai đoạn trước, nhằm bắt kịp với xu thế phát triển, đạt mục tiêu đề ra.
Gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến trên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn, các bên liên quan cần khẩn trương triển khai, tuân thủ quy trình, quy định và thời hạn được giao. Quá trình thực hiện phải cẩn trọng, bài bản, chắc chắn, khả thi và đảm bảo tính hệ thống.
Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là Quyết định 209) nêu lên 5 yêu cầu sản phẩm quy hoạch, bao gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt quy hoạch; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến; Hệ thống bản đồ, sơ đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đồng thời sẽ thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.
Ngoài ra, Quy hoạch cũng là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, đảm bảo khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới này.
Ngày 17/2/2021, Thủ tướng chính phủ ký ban hành Quyết định số 209. Triển khai Quyết định này được coi là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam.
Là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Quyết định 209, trước đó, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị bài bản cho công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Trong đó, đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học cho quy trình quy hoạch. Cùng với mạng lưới chuyên gia am hiểu. Đây là những thuận lợi ban đầu cho công tác lập quy hoạch.