Vượt lên hoàn cảnh
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn là các vấn đề liên quan đến dạy – học trực tuyến. Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn –chia sẻ: dạy - học trực tuyến được cả thế giới đang áp dụng. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong tổ chức dạy – học theo phương thức này.
Nếu với tư cách là hình thức bổ trợ, thì dạy – học đã có từ lâu, nhưng như năm 2021 thì chưa có tiền lệ về cả quy mô và tính chất. Đây là thách thức lớn của ngành Giáo dục.
Nhấn mạnh, dạy – học trực tuyến là việc bắt đắc dĩ để ứng phó với Covid-19, Bộ trưởng – cho hay: Trước đại dịch Covid-19, thầy – trò chuyển sang dạy – học trực tuyến trong điều kiện khó khăn.
Vì thế, trước khi quan tâm đến chất lượng, một trong những vấn đề “nóng” là làm thế nào để học sinh có thiết bị trong tay để học. Việc đó cấp bách hơn trước khi đánh giá các em học được gì. Thậm chí, một số nơi còn phải duy trì cảm giác cho học sinh trong học tập. Đây là thực tế và còn khó khăn.
“Để đánh giá kết quả dạy – học trực tuyến, cần tiếp tục có khảo sát, đánh giá. Nhưng chắc chắn có thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học” –Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, có hai vấn đề cần quan tâm là: việc triển khai dạy - học trực tuyến như thế nào và hiệu quả ra sao?
Bộ GD&ĐT vẫn thường xuyên theo dõi diễn biến việc dạy – học ở các địa phương, trong đó có dạy – học trực tuyến. Toàn ngành đã có hỗ trợ trên 140 nghìn máy tính, điện thoại cho học sinh.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tính đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ đã có văn bản hướng dẫn, củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường. Việc đầu tiên là giúp các em làm quen với môi trường, học cách tự phòng dịch bệnh, sau đó lấy lại tinh thần học tập. Giáo viên chưa kiểm tra khảo sát, đánh giá học sinh ngay sau khi các em trở lại trường.
Ngoài ra, nhà trường, giáo viên cần tiếp tục hỗ trợ các em trong học tập. Không bỏ qua các bài giảng trên truyền hình, dạy học trực tuyến; đồng thời coi đó là công cụ để hỗ trợ thầy -trò. Giáo viên có trách nhiệm đánh giá học sinh để phân nhóm. Vì thế, giải pháp hỗ trợ là phân nhóm và cá thể hoá học sinh rất cần thiết.
Không vì một vài “hạt sạn” mà nghi ngờ một chủ trương lớn
Liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới mà một số đại biểu đề cập đến; Bộ trưởng nhấn mạnh: sách giáo khoa mới là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học.
Bộ đã tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá về hiệu quả sách giáo khoa mới. Qua ý kiến tại hội thảo cho thấy, các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy hứng thú hơn. Với tính “mở” các thầy cô chủ động hơn.
“Như vậy, chủ trương từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, kỹ năng của học sinh là hướng đi đúng. Học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn…
Đây là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm thực hiện con đường đổi mới đã chọn. Không vì một vài “hạt sạn” mà nghi ngờ một chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về giáo dục” – Bộ trưởng trao đổi.
Bộ trưởng cho biết, khi có các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT và Hội đồng chuyên môn đã trao đổi với tác giả, điều chỉnh ngay nội dung trước khi in và trước khi sách đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh quy trình để chất lượng sách giáo khoa ngày tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, để có được bộ sách giáo khoa chất lượng cần có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến,...
“Chúng tôi sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn đối với đội ngũ biên soạn, các tổ chức cá nhân phải đăng ký trước và sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn các thành viên hội đồng. Người biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa và cùng chịu trách nhiệm” – Bộ trưởng nói.
Về dạy học tích hợp, Bộ trưởng trao đổi, đang dạy học các môn này ở lớp 6. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương, hướng dẫn 3 giáo viên sắp xếp dạy học theo logic nội dung, đơn vị nào sắp xếp theo logic sẽ thuận lợi, nhưng đơn vị nào sắp xếp song song 3 môn sẽ có những lúng túng.
Ngoài ra, Bộ đã triển khai, tập huấn cho giáo viên về dạy học tích hợp. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục địa phương và lãnh đạo nhà trường.
Chăm lo đội ngũ nhà giáo
Liên quan đến chế độ, phụ cấp của nhà giáo, Bộ trưởng bày tỏ, chăm lo, giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Bộ trưởng viện dẫn, khi huyện Gia Nghĩa (Đắk Nông) trở thành thành phố, 700 giáo viên mất phụ cấp 50%, Bộ cũng trăn trở nhưng phải theo đúng các quy định.
Bộ đã làm văn bản gửi Bộ Tư pháp, Ủy ban dân tộc và được trả lời là tạm thời thực hiện đúng như quy định. “Chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng điều chỉnh Quyết định 244 cũ, không để thiệt thòi cho giáo viên” –Bộ trưởng nói.
Về chế độ chính sách, qua đợt dịch bùng phát, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát. Trong việc ban hành chính sách, giữa yếu tố chung cả nước, cần chú ý nhiều hơn đến tính đa dạng vùng miền, các văn bản hướng dẫn cần phù hợp với thực tế.
Trong các văn bản cuối tháng 8, đầu tháng 9, Bộ đã ban hành 20 văn bản về phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó cũng nhận thấy cần phải tăng cường khẩn trương, lâu dài về các kỹ năng nhà giáo, năng lực tự học của học sinh cần phát huy hơn nữa.
Hỗ trợ học sinh
Trao đổi về các giải pháp phát triển giáo dục miền núi, Bộ trưởng - chia sẻ, có nhiều giải pháp phải tính đến, trong đó có chính sách hỗ trợ. Thực tế, hiện nay nhiều xã tiến tới nông thôn mới lại mất đi phần hỗ trợ hàng tháng.
Vì vậy, một trong những giải pháp cần xem xét để hỗ trợ nhiều hơn nữa là, đưa các cháu đến trường nhiều hơn và đúng độ tuổi. Bên cạnh đó là các giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò các trường bán trú, dân tộc nội trú. Hệ thống các trường nội trú và bán trú là một trong những giải pháp để đưa các cháu đến trường.
Về nguy cơ bỏ học tái mù chữ vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, cần có những giải pháp trong đó bao gồm tăng cường hệ thống cơ sở vật chất trong đó có các trường bán trú, nội trú, hỗ trợ bữa ăn trưa, khắc phục tình trang thiếu giáo viên,..
Đặc biệt, đối tượng mầm non không thể đi xa, điểm trường nhỏ cần bố trí gần địa bàn cư trú với đối tượng là học sinh mầm non.
Về việc học sinh ở nhà đã lâu, mong muốn đến trường cho an toàn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao đổi trong phiên chất vấn trước đó. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục đã có kế hoạch về việc đưa học sinh trở lại trường an toàn.
Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, vừa định hướng quan điểm. Đối với các đơn vị như: xã phường đang là vùng xanh, thì nên mạnh dạn đưa các cháu trở lại trường. Hiện này, phần nhiều xử lý theo quy mô quận, huyện.
Vì vậy, nếu xã phường thuộc các vùng xanh thì đưa học sinh tới lớp và không phải đợi cả huyện. Bộ trưởng Y tế cũng đã nhắc đến việc tiêm vắc xin cho học sinh, khi đưa học sinh trở lại trường cần có thêm các biện pháp hướng dẫn theo nghị quyết.
Tăng cường tự chủ đại học
Trước câu hỏi, một số cơ sở mở ngành đào tạo nhóm ngành sức khoẻ, Bộ trưởng trao đổi: Theo quy định, việc mở mã ngành sẽ được thực hiện theo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Riêng ngành sức khoẻ và sư phạm sẽ phải theo quy chuẩn, với tiêu chí nghiêm ngặt và phải được thẩm định. Bộ GD&ĐT vẫn đang thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình. Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng thời tiếp tục rà soát và bổ khuyết nếu cần.
Liên quan tới nhiều em điểm thi tốt nghiệp THPT cao vẫn trượt đại học, Bộ trưởng cho biết: có 165 học sinh có điểm cao từ 27 điểm trở lên và cộng điểm ưu tiên nhưng không đỗ nguyện vọng nào.
Đây là những học sinh chủ yếu đăng ký vào trường công an và quân đội, bên cạnh đó cũng có hiện tượng các trường đặt ra chỉ tiêu cao. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục theo Luật nhưng quyền đó cũng phải nằm trong quy định.
Xử lý nghiêm dạy thêm trái quy định
Trước câu hỏi của đại biểu về thực trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến, Bộ trưởng trao đổi: việc dạy thêm học thêm trong điều kiện bình thường đã cần phải ngăn chặn, trong học trực tuyến giữa dịch bệnh thì rất đáng lên án.
Trong Thông tư 09 của Bộ đã quy định số giờ trong dạy - học trực tuyến cho các cấp học và lớp học. Nếu thấy học sinh đi học quá số giờ quy định thì Sở GD&ĐT địa phương cần tổ chức thanh tra xem có hiện tượng này hay không. “Quan điểm của Bộ là tăng cường thanh tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc này” – Bộ trưởng khẳng định.