Cho đến nay, những hỗ trợ của USAID đối với giáo dục Việt Nam tập trung ở giáo dục đại học. Một số dự án mà cơ quan này hỗ trợ có thể kể đến: Dự án BUILD-IT trong lĩnh vực giáo dục đại học do Trường Đại học Arizona State thực hiện giai đoạn 2015-2020 để hỗ trợ đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp và đổi mới quản trị đại học trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật, công nghệ. BUILD-IT là sự tiếp nối Chương trình Hợp tác giáo dục đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) do Trường Đại học Arizona State thực hiện.
Cùng với đó là Dự án nâng cao chất lượng đào tạo y tế ở một số trường đại học Y của Việt Nam, thực hiện trong giai đoạn 2016-2022; Dự án tăng cường năng lực giáo dục đại học cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng...
Tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể là quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về giáo dục đại học, bà Ann Marie Yastishock nhấn mạnh hai nội dung chính USAID quan tâm trong kế hoạch với giáo dục Việt Nam, đó là: Hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phát huy thế mạnh, năng lực vốn có và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn, đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ nói chung, USAID nói riêng đối với giáo dục - đào tạo Việt Nam.
Cảm ơn đánh giá tích cực của bà Ann Marie Yastishock với giáo dục đại học Việt Nam, Bộ trưởng đồng thời cho rằng giáo dục đại học Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm và cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.
Trong những vấn đề trao đổi, Bộ trưởng nhấn mạnh đến Dự án tăng cường năng lực giáo dục đại học cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng; đồng thời đưa ra 3 vấn đề ưu tiên.
Theo đó, vấn đề cần sự ưu tiên hàng đầu là trợ giúp cho các nhà khoa học để cải thiện phương pháp dạy học, nghiên cứu; trong đó có việc tài trợ các nhà khoa học làm việc trong những nhóm nghiên cứu chung với các nhà khoa học Hoa Kỳ. Bộ trưởng cho rằng, đây là “con đường rất ngắn” để các nhà khoa học Việt Nam nâng cao năng lực. Cùng với đó, tổ chức các khóa học để huấn luyện các kỹ năng về kiểm tra, đánh giá cho các giảng viên đại học Việt Nam.
Vấn đề ưu tiên thứ 2 được Bộ trưởng đề cập là nâng cao năng lực quản trị nội bộ của nhà quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học; từ đó thúc đẩy quá trình tự chủ đại học của Việt Nam một cách đầy đủ.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của các hoạt động bảo đảm chất lượng và tăng cường năng lực của các trung tâm kiểm định; coi gia tăng năng lực của các trung tâm kiểm định là công cụ quản lý quan trọng để thực hiện tốt quản lý nhà nước với các trường đại học thực hiện tự chủ.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trao đổi, đàm phán với USAID về Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục đại học và nghiên cứu. Trong buổi làm việc, cả hai bên đều thể hiện nỗ lực để Bản ghi nhớ này sớm ký kết; từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và USAID trong tương lai.