Dạy Lịch sử phải khơi gợi đam mê qua những câu chuyện xúc động

Thứ năm - 05/05/2022 10:14 168 0
GD&TĐ -Nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử vì quan niệm đây là những môn học thuộc. Thế nên, nhiệm vụ hàng đầu của người thầy là phải khơi gợi ở HS tình yêu, sự đam mê với môn học.
Dạy Lịch sử phải khơi gợi đam mê qua những câu chuyện xúc động

Hiểu để yêu

3 năm đảm nhận bồi dưỡng đội tuyển môn Lịch sử để dự thi học sinh giỏi cấp thành phố khối lớp 9, thầy Nguyễn Văn Quyên, tổ trưởng tổ Sử - Địa, Trường THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có 6 học sinh đạt giải Nhất. Trong số này, có 3 em chọn theo học chuyên Sử ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.  

Thầy Quyên cho biết: “Từ trước đến nay, học thuộc lòng luôn gắn với quan niệm về cách học - thi môn Lịch sử. Khi chúng tôi chọn học sinh vào đội tuyển, nhiều em vẫn hỏi thầy cô giáo về phương pháp học, rằng chỉ cần học thuộc là được. Thế nhưng, sự thật, bản chất của những môn thi khối Khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử không phải chỉ học thuộc lòng”.

Thế nên, theo kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của thầy Quyên, trước khi học sinh nắm được phương pháp học bộ môn, thì nhiệm vụ hàng đầu của người thầy, là phải khơi gợi ở học sinh tình yêu, sự đam mê với lịch sử thông qua những xúc động từ bài giảng, những câu chuyện kể, gắn kết những câu chuyện lịch sử trong cuộc sống hiện tại…

Dạy Lịch sử phải khơi gợi đam mê qua những câu chuyện xúc động - Ảnh minh hoạ 2
Đội tuyển môn Lịch sử của Trường THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ) luôn đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố.

“Không chỉ với những học sinh trong đội tuyển, với những tiết học chính khóa, giáo viên phải làm sao để các em hứng thú với mỗi tiết học, để thấy môn học không quá nặng nề và nắm được những kiến thức cơ bản. Có hiểu, thấy Lịch sử là môn học gần gũi thì học sinh mới yêu được. Đừng để học sinh sợ học Lịch sử, là người thầy đã thành công rồi” – thầy Quyên chia sẻ.

Nhóm giáo viên Lịch sử của Trường THCS Nguyễn Văn Linh sử dụng nhiều phương pháp dạy học như nêu vấn đề, dạy học theo tình huống để khởi động một tiết học. Nhờ vậy, giờ học trở nên cuốn hút hơn. “Đúng là lúc đầu, phần đông học sinh không mặn mà với môn Lịch sử. Nhưng, để học sinh yêu thích môn học thì tự bản thân giáo viên phải cố gắng đầu tư” – thầy Quyên thừa nhận.

Giáo viên cũng phải hướng dẫn cho học sinh phương pháp học bộ môn bởi có hiểu được bài, dễ học… thì học sinh mới có hứng thú và động cơ học tập tốt. Một khi học sinh hào hứng hơn với môn học, thì giáo viên mới có thể có những yêu cầu cao hơn như xâu chuỗi lại những sự kiện, các giai đoạn để nắm cả tiến trình lịch sử hoặc đưa ra vấn đề cho học sinh tìm tài liệu, thảo luận…

"Đốt lên một que diêm"

Khi còn đi dạy, giờ học Lịch sử của thầy giáo Trần Văn Vàng – (Trường THCS Đức Chánh, Mộ Đức, Quảng Ngãi) luôn khiến học sinh thích thú bởi thầy thường lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử hay ca dao, tục ngữ, hò vè, tổ chức trò chơi ô chữ để củng cố kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin với các đoạn phim tư liệu, khai thác tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ.

Thầy giáo Vàng được biết đến với vai trò là người thầy đầu tiên đưa Hoàng Sa vào trường học. Thầy đã dành gần trọn một năm để rong ruổi khắp các bảo tàng từ Quảng Ngãi ra đến Đà Nẵng, ghi chép, tìm hiểu, sao chụp những tư liệu có liên quan đến chủ quyền của Tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Để có thêm nhiều câu chuyện liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, thầy Vàng đã bỏ tiền túi, ăn ở hàng tuần ở Lý Sơn, tìm gặp những hậu duệ của Phạm Hữu Nhật – người phụng mệnh triều đình nhà Nguyễn ra khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa để ghi chép lại những câu chuyện. Có không ít tiết học, cả thầy và trò đều đỏ hoe mắt khi nói về những người lính đã hy sinh trong hai trận hải chiến.

Dạy Lịch sử phải khơi gợi đam mê qua những câu chuyện xúc động - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) tham gia cuộc thi Rung chuông vàng cấp trường.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vừa tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký tổ hợp môn tự chọn khi vào học lớp 10 của học sinh khối lớp 9. Theo đó, 90% học sinh dự định sẽ chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội. Thầy Bùi Ngọc Luận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc lựa chọn môn học, ngoài định hướng nghề nghiệp của học sinh, còn xuất phát từ niềm yêu thích bộ môn do chính giáo viên đem lại”.

Thầy Bùi Ngọc Luận cho hay, từ nhiều năm nay, học sinh khối 12 của trường đạt nhiều thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Theo thầy Luận, xuất phát từ đặc thù của học sinh nhà trường, thường học tốt các môn Khoa học xã hội nên Ban giám hiệu nhà trường đã định hướng đầu tư nhiều hơn cho những bộ môn này.

Theo đó, với thời lượng môn học và dung lượng kiến thức của môn học Lịch sử phải truyền tải như hiện nay, giáo viên cần phải xác định được trọng tâm của mỗi bài, chắt lọc sự kiện để học sinh dễ dàng nắm bắt được. “Không có phương pháp dạy học nào là tích cực mà chỉ có người thầy tích cực sử dụng các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh để tăng hiệu quả của giờ dạy” – thầy Luận nhận xét.

Thầy Nguyễn Văn Quyên cho biết: "Trong dạy học, ngôn ngữ, cảm xúc của người thầy hết sức quan trọng. Giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn Lịch sử, phải đặc biệt chú ý trau dồi và sử dụng lợi thế này. Nếu giáo viên dạy với bầu nhiệt huyết, truyền đạt những nội dung mới mẻ, đem lại nhiều thông tin và cảm xúc thì học sinh cũng cảm nhận và lây lan không khí hào hứng mà thầy giáo đem lại, nhờ vậy tiếp thu bài có hiệu quả. Vậy nên để tổ chức giờ dạy hiệu quả, giáo viên cần phải truyền tải bằng cả tâm huyết của mình mới “truyền lửa” cho học sinh". 

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập320
  • Hôm nay9,299
  • Tháng hiện tại476,054
  • Tổng lượt truy cập51,832,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944