Sau khi nắm bắt tình hình GD&ĐT của tỉnh Quảng Nam, báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam về công tác sắp xếp lại trường, điểm trưởng, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu bày tỏ vui mừng trước những kết quả, nỗ lực của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, cơ sở giáo dục; triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, công tác chuẩn bị điều kiện để chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới.
Đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục Quảng Nam trình bày ý kiến kiến nghị với Đoàn công tác Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Quảng Nam có địa bàn rộng, có đến 9 huyện miền núi, nhưng đến nay ngành GD&ĐT vẫn giữ được nề nếp, hoạt động. Nhất là hoạt động giáo dục tại các huyện miền núi khó khăn như Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn…đội ngũ giáo viên có nhiều hoạt động, việc làm giúp đỡ học sinh, tạo niềm tin, sự gắn kết giữa nhà trường với con em học sinh, nhân dân địa phương.
Khác với nhiều đơn vị trong cả nước, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có nhiều giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nên chất lượng đội ngũ giáo viên cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Công tác thanh kiểm tra các hoạt động giáo dục, thanh kiểm tra chất lượng giáo dục, công tác truyền thông giáo dục được thực hiện tốt. Cho nên tình hình giáo dục tỉnh Quảng Nam rất êm ả, đạt nhiều kết quả tốt.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) 5 tuổi của tỉnh Quảng Nam. Những kết quả của chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tỉnh Quảng Nam đã góp phần nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam.
“Điểm sáng của giáo dục tỉnh Quảng Nam trong PCGDMN 5 tuổi cũng là điểm sáng của giáo dục Việt Nam. Kết quả này cũng thể hiện là sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, ngành GD&&ĐT cả nước đối với phát triển GDMN”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ về những hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho ngành GD&ĐT địa phương |
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc mà ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đang đối mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: Trong những vấn đề khó khăn chung của giáo dục đất nước, thì ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam gặp phải nhiều khó khăn hơn.
Cụ thể như: đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu và đâu đó vẫn còn yếu. Nhất là đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu quá lớn. Trong khi đó cuộc sống, công việc của đội ngũ giáo viên mầm non còn nhiều vất vả, thiệt thòi, điều kiện dạy học thiếu thốn. Điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở các trường miền núi, dân tộc còn thiếu.
Trao đổi về công tác quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý tỉnh Quảng Nam cần phải thận trọng trong quá trình thực hiện. Không nên vì mục tiêu làm theo tiến độ kế hoạch đề ra theo quy định mà phải thực hiện sắp xếp, dồn dịch trường lớp một cách bền vững.
Chia sẻ về những định hướng lớn sắp tới Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nội dung chương trình sách giáo khoa được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nội dung đi từ chương trình tổng thể đến từng chương trình môn học. Việc xây dựng sách giáo khoa dựa trên cơ sở yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đào tạo giáo viên sẽ được quan tâm, chú trọng. Theo đó, chương trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sẽ được Bộ GD&ĐT ban hành sớm nhằm giúp các Sở GD&ĐT chủ động thực hiện.
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng yêu cầu trên cơ sở bài thi tham khảo, quy chế, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cần kịp thời hướng dẫn các đơn vị trường học, thầy cô giáo bám sát nội dung để thực hiện. Không được chủ quan để xảy ra các sai sót.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn tiếp thu ý kiến kiến nghị và chia sẻ những khó khăn với ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị ngành GD&ĐT Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm đến đạo đức nhà giáo, tư tưởng, lối sống học sinh. Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều nghị định, chỉ thị, thông tư quy định đạo đức, phẩm chất nhà giáo, tư tưởng đạo đức lối sống cho học sinh.
Tuy nhiên, văn bản ban hành thì nhiều nhưng việc triển khai thực hiện thì chủ quan, không bám các nội dung dung văn bản chỉ đạo mà làm theo kinh nghiệm. Việc biểu dương, tôn vinh những nhà giáo có nhiều đóng góp, nhiều cống hiến, có nhiều việc làm tích cực trong giúp đỡ học sinh cũng không được quan tâm đúng mức.
Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT địa phương cần tăng cường chia sẻ, tăng cường phát hiện, tôn vinh những nhà giáo có nhiều hoạt động, thành tích tiêu biểu. Nhưng đồng thời cũng phải đấu tranh với những hành vi không chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo. Chú trọng xây dựng, nâng cao văn hóa trong trường học.