Bước chân tiếp nối ở bản xa

Thứ ba - 12/01/2021 00:23 253 0
GD&TĐ - Ở vùng rẻo cao Tây Nghệ, giáo viên không tính thời gian cắm bản của mình bằng năm tháng, mà bằng sự đón nhận, để từ người lạ thành người quen, người thân của của học sinh, phụ huynh.
Bước chân tiếp nối ở bản xa

Cũng có những lúc vất vả, chùng lòng trước con dốc đứng, khó khăn, thiếu thốn nơi núi tận sông cùng. Nhưng lại nghĩ, nếu không có cái chữ, những đứa trẻ ở đây rồi sẽ ra sao. Vậy là thầy cô lại đứng dậy, bước chân lên rẫy, tìm “bắt” trò về để trường lớp có đủ thầy trò.

Người của bản

Chạm chân vào bản Huồi Tố - điểm chính của Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An), trời đã tối, sương xuống nặng. Con đường dốc loang loáng bóng đèn pin. Đó là những đứa trẻ đang rủ nhau lên trường học phụ đạo. Tiếng đọc bài, trò chuyện, đùa nghịch náo động cả khoảng không gian tĩnh lặng giữa núi rừng. Ổn định trật tự cho lũ học trò hiếu động, các thầy cô mới quay về dãy nhà tập thể ăn tối.

Mai Sơn cách trung tâm huyện Tương Dương, Nghệ An gần 120km đường bộ. Trước khi có con đường vành đai biên giới phía Tây, để vào được Mai Sơn chỉ có thể ngồi thuyền vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nửa ngày trời. Cũng chính vì cách biệt như vậy, nên đến giờ, cơ sở vật chất trường lớp nơi đây vẫn thiếu thốn, chưa kiên cố hóa đồng bộ. Trừ một số giáo viên bản địa, còn lại hầu hết thầy cô vào Mai Sơn đều ở lại cắm bản dạy học. Gian nhà công vụ tạm bợ, thưng bằng gỗ là nơi ở chính của nhiều giáo viên Mai Sơn hàng chục năm qua. “Mình mới vào đây dạy học thôi”, thầy Nguyễn Đình Tuấn – nói. Mới là bao lâu? – “Khoảng 6 năm”! Thời gian công tác, cắm bản ở vùng biên giới này được đong đếm đầy kỳ lạ như vậy. “Người mới” được tính là dưới 10 năm. Còn “lâu rồi”, có nghĩa là đã 20 - 30 năm, gắn bó gần  quãng đời dạy học nơi rẻo cao.

Năm học này, Trường Tiểu học Mai Sơn đón 8 đứa trẻ Mông từ bản Phá Kháo xuống điểm chính Huồi Tố đi học. Để chuẩn bị nơi ăn chốn ở, phòng ngủ của thầy hiệu phó Nguyễn Thế Quảng được chuyển thành ký túc xá cho 8 đứa trẻ. Thầy, cô giáo, ngoài nhiệm vụ dạy chữ còn đảm nhận thêm công việc của người cha, người mẹ trong gia đình... “Các em học sinh ở Mai Sơn được hưởng chế độ 116 của Chính phủ, mỗi tháng có 15kg và trợ cấp gần 600 nghìn đồng. Thầy cô trồng thêm rau, chăn nuôi... phụ vào nấu cơm cho các em”, thầy Quảng nói.

Từ khi có các cháu, lịch sinh hoạt của thầy cô cũng thay đổi. “Học trò Mông ngủ sớm nhưng dậy cũng rất sớm. Có khi hơn 4 giờ sáng đã thập thò, gõ cửa gọi thầy dậy... tập thể dục”, thầy Quảng kể. Thầy cô phải hướng dẫn các em từ cách chào hỏi, làm quen với sinh hoạt tập thể, giúp thầy cô dọn dẹp vệ sinh chung. Buổi tối, 8 đứa trẻ ở Phá Kháo lên trường tự học cùng với các bạn, với sự quản lý, phụ đạo của thầy cô. Ngoài ôn lại bài trên lớp, ngoài dạy chữ, các em cũng rèn thêm kỹ năng tiếng Việt.

Những người dìu dắt 

Thầy Lữ Văn Phòng có hơn 20 năm dạy học ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An). Chừng ấy thời gian, thầy giáo người Thái đi hết các điểm lẻ của ngôi trường có 100% học sinh người Mông này. Thầy cũng thông thạo ngôn ngữ, hiểu rõ phong tục, tập quán của bà con người Mông. Năm học này, thầy Lữ Văn Phòng quay một vòng về điểm trường Huồi Mới, đóng vai trò là giáo viên 2 phụ trách các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm... và kiêm cả Tổng phụ trách Đội... Không chủ nhiệm lớp, nhưng thầy lại là người gắn bó với 86 học sinh của 5 lớp.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đến nay vẫn nhiều không: Không điện, không giao thông thuận lợi, không sóng liên lạc, không chợ và không cô giáo. Từ khi thành lập đến nay, ngôi trường khoảng 40 năm này chỉ toàn các thầy mới có thể trụ lại cắm bản. Học sinh chỉ biết đến 1 danh từ chỉ giáo viên là “thầy”. Các bản người Mông ở Tri Lễ 4 của đều xa xôi biệt lập. Những người như thầy Phòng khi vào đây là “người lạ”. Để từ lạ thành quen, được học sinh tiếp nhận, thân thiện và yêu thương là cả hành trình dài bằng tâm huyết, nhẫn nại.

Ngân Thị Thanh Nhàn là một trong số ít sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Tiểu học – Trường Đại học Vinh. Với thành tích này, em có nhiều cơ hội làm việc ở vùng trung tâm, thuận lợi. Ngôi trường Nhàn thực tập ở TP Vinh (Nghệ An) cũng đề nghị ký hợp đồng với em sau khi tốt nghiệp. Nhưng cô gái người Thái đã chọn quay trở về mảnh đất Tương Dương nơi em đã sinh ra, lớn lên với nguyện vọng “tới bất cứ nơi khó khăn nào, để được cống hiến sức trẻ”.

Nhận lời giới thiệu tới Trường Tiểu học Mai Sơn, cô giáo trẻ vừa vui mừng vừa có chút lo lắng. Mừng vì dù là giáo viên hợp đồng, nhưng Nhàn đã thực sự được đi dạy như mơ ước từ nhỏ. Lo là bởi vì từ nhỏ đến lớn, em sống ở thị trấn, chưa từng vào ở nơi xa xôi, biên giới như vậy. Nhưng được sự động viên của bố mẹ, cũng là những người làm nghề giáo, Nhàn tự tin hơn, khoác balo lên đường. Đón cô giáo trẻ là chặng đường xa xôi vất vả, và ngôi trường với 5 điểm cách xa nhau.

Năm học đầu tiên, Nhàn được ưu tiên dạy tại điểm trường chính ở bản Huồi Tố, phụ trách lớp 2. Dạy học ở đây khác xa so với hình dung của em khi còn ở giảng đường đại học. Kể cả những kinh nghiệm của 2 đợt thực tập, kiến tập, khi đem về bản lẻ ở vùng sâu vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số, cũng trở nên khập khiễng. “Em có kiến thức chuyên môn vững, nhưng về phương pháp dạy học, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cụ thể, phải học hỏi rất nhiều từ các thầy cô đã có thâm niên ở trường”, Nhàn tâm sự.

Sau một học kỳ đứng lớp, một số bài học kỹ năng mà Nhàn áp dụng được các em hưởng ứng. Cô giáo trẻ phấn khởi: Ban đầu học sinh có sự bỡ ngỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn tiếp cận bài học rất nhanh, mạnh dạn. Giờ đây các em đã tự tin hỏi bài, giao tiếp với cô - đó là thành công đầu tiên của em rồi!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập759
  • Hôm nay33,596
  • Tháng hiện tại311,726
  • Tổng lượt truy cập51,667,685
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944