"Điều ước cho em" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai, thực hiện.
Nguồn động viên to lớn
Chương trình được tổ chức tại Trường Tiểu học Đa Lộc A, huyện Châu Thành. Đây là điểm trường đặc biệt khó khăn, nằm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trường có quy mô 43 lớp, 77 cán bộ giáo viên, 1.204 học sinh, trong đó dân tộc Khmer 884 em.
Trường có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ đều thuộc xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Hiện trường đang thiếu khối phòng chức năng phục vụ cho nhu cầu tối thiểu ở các điểm học lẻ, nên gặp khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Biết được chương trình "Điều ước cho em” đến với học sinh Trà Vinh, lãnh đạo địa phương, thầy cô giáo và các em học sinh rất vui mừng.
“Trường học nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nên thầy cô luôn có ước mơ học sinh đến trường học tập trong điều kiện tốt hơn. Cùng với đó, các thầy cô giáo cũng có điều kiện tốt hơn để dạy học. Chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng Chương trình Điều ước cho em đến với thầy trò nhà trường. Chúng tôi tin rằng, Chương trình này sẽ tạo ra mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay phát triển sự nghiệp GD&ĐT” cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc A chia sẻ.
Có mặt tại Chương trình, thầy Thạch Sa Quên, đại sứ Điều ước cho em tỉnh Trà Vinh cho hay rất vui mừng và xúc động khi Chương trình đã về đến nơi khó khăn nhất của tỉnh.
“Những phần quà ngày hôm nay là nguồn động viên lớn lao. Đây còn là món quà tinh thần góp phần động viên thầy cô giáo và học sinh cố gắng hơn, nỗ lực hơn, đồng thời nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. Là Đại sứ chương trình, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị, cá nhân đồng hành. Rất mong chương trình Điều ước cho em sẽ đến với thật nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp cả nước”, thầy Sa Quên cho biết.
Lan tỏa tinh thần tương thân tương ái
Đến thăm và tặng quà tại Trường Tiểu học Đa Lộc A, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Thời gian qua, Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến sự nghiệp Giáo dục, nhất là giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, điều kiện dạy - học trong các nhà trường từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhu cầu thực tế của thầy - trò thì điều kiện dạy - học vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực của nhà trường, tập thể giáo viên đã bám trường, bám lớp, vượt khó, góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. Thông qua chương trình "Điều ước cho em", Bộ GD&ĐT sẽ huy động nhiều nguồn hỗ trợ đến nơi cần giúp đỡ. Đặc biệt, ngành Giáo dục hiện có kết nối mạng lưới giữa trường với trường; lớp với lớp và giữa học sinh với nhau. Qua đó có thể giúp đỡ, hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo, chia sẻ, động viên trong lúc khó khăn.
Chương trình "Điều ước cho em" hướng đến mục tiêu tập hợp nhu cầu của các trường, đặc biệt là học sinh khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ từ điều kiện đi học đến sách vở, điều kiện bữa ăn… một cách thiết thực.
Bộ trưởng cho biết, thực hiện Chương trình Điều ước cho em tại Trường Tiểu học Đa Lộc A không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn xây dựng tình thương, tình cảm, sự tương trợ giữa các trường, học sinh và giáo viên. Bộ trưởng mong muốn thầy cô giáo tăng cường trao đổi thông tin để hỗ trợ, lan tỏa đến vùng xa hơn, khó hơn.
Một số hình ảnh Chương trình Điều ước cho em tại Trường TH Đa Lộc A: