Trước cơ hội hấp dẫn của thị trường nhân lực vi mạch bán dẫn, năm 2024, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng mở mới chuyên ngành Điện tử viễn thông, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng mở mới 2 chuyên ngành: Công nghệ ô-tô điện, Thiết kế vi mạch và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, nhà trường cũng đang trong quá trình hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và Vi mạch bán dẫn.
Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tuyển sinh mới với 4 mã ngành/chuyên ngành đào tạo gồm Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin.
Giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) hướng dẫn sinh viên thiết kế hệ thống điều khiển thông minh. |
Để chuẩn bị tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn, trên cơ sở nền tảng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có sẵn, các trường đại học đã đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại.
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng Phòng thực hành Thiết kế vi mạch sẵn sàng cho công tác đào tạo chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024. Phòng thực hành được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính được cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp (Cadence).
Trước mắt, phòng sẽ được sử dụng cho các khoá đào tạo ngắn hạn Thiết kế vật lý vi mạch bán dẫn (VLSI) dự kiến khai giảng vào cuối tháng 2/2024 và phục vụ đào tạo cho sinh viên các ngành gần có liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đang trong quá trình hoàn thiện dự án đầu tư vốn ODA xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và hệ thống Internet vạn vật (IoT) với hệ thống máy chủ, phần mềm bản quyền cho đào tạo thiết kế vi mạch, các thiết bị đo kiểm thử chip bán dẫn; hệ thống phần cứng các nền tảng IoT thế hệ mới.
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện chương trình "Gặp gỡ Đà Nẵng" (Meet Da Nang 2024), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, với sự hỗ trợ của các công ty hàng đầu như Intel, Synopsys, thành phố sẽ xúc tiến thành lập Trung tâm Hiệu năng đào tạo nhân lực cho hai ngành công nghệ cao là Chip bán dẫn và AI.
Trên cơ sở này, thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, đồng hành với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi sinh viên học các ngành công nghệ cao mới mở hiện có nhu cầu nhân lực lớn. Đồng thời đồng thời tăng cường kết nối với chính quyền, các doanh nghiệp đối tác như Bang Oregon (Hoa Kỳ) có các ĐH hàng đầu trong đào tạo Vi mạch/Chip bán dẫn phối hợp với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng xúc tiến, triển khai đào tạo nhân lực các ngành mũi nhọn này.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng nhận định: “Vi mạch là ngành học dự kiến có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn trong thời gian sắp tới và sinh viên học ngành này sẽ có cơ hội nhận được các chính sách như học bổng từ doanh nghiệp…”.
Tuy nhiên, theo như nhận xét của PGS.TS Phan Cao Thọ đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi người làm việc bên cạnh kiến thức chuyên môn sâu rộng thì phải có niềm yêu thích đặc biệt với công việc thiết kế chi tiết, luôn có tinh thần ham học hỏi, cập nhật kiến thức, xu hướng công nghệ. Ngoài ra, phải có kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả. Có trình độ ngoại ngữ để tiếp thu được kiến thức, công nghệ và làm việc trong môi trường quốc tế. Chính vì vậy, đầu vào tuyển sinh cần tuyển được các em thí sinh có nền tảng toán học, vật lý, ngoại ngữ,…
Ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam chia sẻ những yêu cầu tuyển dụng Kỹ sư thiết kế vi mạch với sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Bảo Anh, hiện là Giám đốc Kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, tiếng Anh là yêu cầu đầu tiên và ở vị trí cao nhất của các tiêu chuẩn đối với một kỹ sư vi mạch.
“Hầu hết tài liệu chuyên ngành này đều là tiếng Anh, quá trình làm việc giao tiếp với chuyên gia, cũng sử dụng tiếng Anh. Tiếng Anh có đủ số lượng từ chuyên ngành vi mạch – bán dẫn, nhiều từ không thể diễn đạt bằng tiếng Việt chúng ta. Đó là lý do phải học, phải thực hành ngôn ngữ và luôn trau dồi vốn từ chuyên môn. Tiếng Anh chính là keyword của lĩnh vực vi mạch bán dẫn”, Trưởng Văn phòng đại diện Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Bảo Anh, kỹ sư vi mạch phải am tường quy trình thiết kế vi mạch, rất vững kiến thức về MOSFET – tức phần lõi của mạch tích hợp (IC). Ngành Vi mạch – Bán dẫn thay đổi công nghệ rất nhanh, người làm việc trong ngành phải thường xuyên tự học, học hỏi không ngừng, phải tự nghiên cứu để theo kịp xu thế. Vấn đề ở đây là cách học, kỹ năng tự học theo một phương pháp để nâng cao được kiến thức.
Ý kiến bạn đọc