Chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh phổ thông đã góp phần mang lại kết quả phổ cập ngôn ngữ này hiệu quả.
Theo bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh (EF English) tại các quốc gia không nói tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ năm 2023, Philippines xếp thứ 20, nằm trong nhóm trình độ cao.
Do giảng dạy phổ thông theo chương trình song ngữ nên sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên một số ngành như Sư phạm Toán, Khoa học... cũng vậy.
Philippines yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải thành thạo 4 kỹ năng để có thể linh hoạt tổ chức 3 phương pháp giảng dạy trên giúp học sinh luyện tập. Do đó, đội ngũ này được đào tạo dựa trên 3 phương pháp chính. Một là: Giảng dạy Ngôn ngữ giao tiếp (CLT – Communicative Language Teaching) giúp người học rèn luyện khả năng giao tiếp hiệu quả, phù hợp nhiều tình huống khác nhau.
Hai là: Tiếng Anh chuyên ngành (English for Specific Purposes – ESP), không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về tiếng Anh, mà còn giúp người học phát huy khả năng tự tìm tòi, học hỏi bằng ngôn ngữ này.
Cuối cùng: Giảng dạy Ngôn ngữ thông qua các nhiệm vụ (Task-Based Language Teaching – TBLT) giúp người học thực hành tiếng Anh từ bài tập, nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, giáo viên tiếng Anh được khuyến khích giới thiệu phương pháp giảng dạy ngôn ngữ mới, sáng tạo.
Bên cạnh Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng sử dụng tiếng Anh ở trình độ cao dù đây không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Một trong những lý do khiến người dân Hồng Kông giỏi tiếng Anh là chương trình dạy ngoại ngữ phổ thông luôn được đổi mới, cập nhật. Giáo viên tiếng Anh là người được đào tạo bài bản, toàn diện, có khả năng vận dụng thành thạo 4 kỹ năng.
Chương trình Cử nhân Giáo dục Ngôn ngữ Anh tại Đại học Giáo dục Hồng Kông (EduHK) là chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh hàng đầu tại Hồng Kông. Nhiều sinh viên đánh giá cao chương trình giảng dạy bởi sự đầu tư của trường.
Stephanie Lai Tsz-ying – nữ sinh khoa Ngôn ngữ Anh (EduHK) chia sẻ: “Ngoài cung cấp các khoá học trang bị kỹ năng giảng dạy tiếng Anh, trường tổ chức Chương trình Hoà nhập để sinh viên được học tập và thực tập ở nước ngoài”.
Chương trình Hoà nhập tại EduHK yêu cầu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sống và học tập tại một quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Sinh viên phải sống cùng gia đình địa phương để trau dồi vốn ngôn ngữ, hiểu hơn về văn hóa người nói tiếng Anh.
Chương trình nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ và trau dồi văn hóa, thế giới quan của sinh viên. Bởi lẽ EduHK quan niệm dạy tiếng Anh không chỉ là dạy ngôn ngữ mà còn cả kiến thức văn hóa, lịch sử, nghệ thuật...
Chương trình Hoà nhập là hoạt động liên kết của EduHK với các trường đại học ở nhiều nước nói tiếng Anh. Sau khi hoàn thành, người học sẽ thực tập ở nước ngoài để mở rộng tầm nhìn giảng dạy, trải nghiệm nhiều môi trường học tập khác nhau. Trong quá trình này, sinh viên có thể học hỏi phương pháp giảng dạy đổi mới của các nước.
“Tôi chưa bao giờ đến châu Âu nên Chương trình Hoà nhập giúp tmở rộng tầm mắt. Tôi cũng mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và kết bạn khắp thế giới”, nữ sinh Lai nói.
Một tiết học tiếng Anh tại trường tiểu học Philippines. Ảnh: INT |
Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy tại Nhật Bản từ tiểu học và là môn học bắt buộc trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, thành tích tiếng Anh của học sinh Nhật Bản còn yếu so với nhiều quốc gia đang phát triển khác trong khu vực như Singapore, Philippines, Malaysia...
Trong nhiều thập kỷ trước, chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh theo hướng giảng dạy tập trung vào đọc hiểu, ngữ pháp và từ vựng, ít chú trọng phát triển các kỹ năng giao tiếp. Cách tiếp cận này dẫn đến một bộ phận học sinh có thể viết tốt tiếng Anh nhưng gặp khó khi nói và nghe hiểu.
Nhiều lớp học tiếng Anh ở Nhật Bản vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống như giảng bài, học thuộc, ghi nhớ. Những cách tiếp cận này phù hợp với kỹ năng đọc, viết, ngữ pháp hơn nghe - nói. Hầu hết chương trình học nằm trong sách giáo khoa nên hạn chế khả năng tìm hiểu ngoại ngữ học sinh.
Để cải thiện khả năng tiếng Anh của học sinh, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) có kế hoạch tăng số lượng giáo viên người Nhật dạy tiếng Anh, giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Nhật trên toàn quốc. Các trường học có thể tự đề xuất số lượng nhân sự tuỳ thuộc điều kiện, đặc điểm.
Nhằm tăng nguồn nhân lực trong nước, MEXT cải cách chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh. Từ năm 2023, đề thi tuyển sinh đại học bỏ môn thi Tiếng Anh. Thay vào đó, thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm Tiếng Anh cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ 4 kỹ năng như TEAP, Eiken, TOEFL iBT, IELTS...
Sở dĩ chứng chỉ quốc tế được chấp nhận thay cho bài thi tiếng Anh do vẫn chú trọng vào 2 kỹ năng đọc – viết vì nội dung thi lấy từ chương trình học hiện nay. Còn chứng chỉ quốc tế, ứng viên chứng minh được khả năng đáp ứng đủ 4 kỹ năng trước khi vào học ngành Sư phạm Tiếng Anh. Điều này cho thấy nỗ lực thay đổi chương trình giảng dạy ngoại ngữ từ tập trung vào ngữ pháp sang trau dồi 4 kỹ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết.
Ngoài ra, hằng năm Chính phủ Nhật Bản triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo giáo viên tiếng Anh với các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này. Năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phối hợp các tổ chức giáo dục Nhật Bản triển khai “Sáng kiến tiếng Anh” cho giáo viên tiểu học Nhật Bản. Chương trình nhằm bồi dưỡng giáo viên Nhật Bản các kỹ năng giảng dạy tiếng Anh mới, đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Giáo viên được thực hành xây dựng nhóm tương tác, tổ chức hoạt động học hợp tác, thiết kế giáo án ứng dụng công nghệ... Phương pháp giảng dạy đổi mới sẽ nâng cao kỹ năng tiếp thu tiếng Anh cho trẻ. Chương trình được tổ chức ở nhiều tỉnh/thành tại Nhật Bản, thu hút gần 100 giáo viên/năm.
Bên cạnh đó, MEXT cũng phối hợp với Hội đồng Anh tại Nhật Bản tổ chức dự án Lãnh đạo Giáo dục tiếng Anh (LEEP). Dự án kéo dài 5 năm nhằm cải thiện việc giảng dạy tiếng Anh của giáo viên Nhật Bản. Với những nỗ lực trên, Nhật Bản kỳ vọng cải thiện trình độ ngoại ngữ của học sinh trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Với 2/3 dân số thông thạo tiếng Anh, Philippines trở thành một trong những quốc gia sử dụng tiếng Anh lớn nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS), Philippines xếp thứ 7/163 quốc gia về điểm thi TOEIC năm 2018, là quốc gia châu Á đạt điểm cao nhất.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh (TH)
Ý kiến bạn đọc