Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) từng bước chuyển mình. Chia sẻ điều này, ông Hà Văn Ca - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết huyện sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư cho giáo dục nhằm xóa dần khoảng cách với miền xuôi.
- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn Mường Lát phát triển ra sao, thưa ông?
- Trong bối cảnh huyện còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho đổi mới GD-ĐT hạn hẹp, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước, ban ngành Trung ương và tỉnh... đặc biệt, sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD-ĐT huyện Mường Lát đã có những bước phát triển mạnh mẽ:
Ông Hà Văn Ca. |
Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản hoàn thiện, quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Toàn huyện hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ em 5 tuổi. Duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Tính đến tháng 12/2023, huyện Mường Lát có 33 trường, một trung tâm GDTX - GDNN. Trong đó, bậc mầm non có 10 trường; cấp tiểu học 11 trường; THCS 9 trường (4 trường phổ thông dân tộc bán trú, 1 trường dân tộc nội trú); một trường phổ thông có nhiều cấp học và một trường THPT.
Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn ngày càng được quan tâm, nâng cao. Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tiến hành đồng bộ, thu nhiều kết quả khích lệ. Năm học 2023 - 2024 có 2 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Hằng năm, ngành Giáo dục huyện đạt nhiều thành tích cao tại các cuộc thi như: Thi viết thư UPU quốc tế; Hội thi học sinh giỏi các môn thể dục, thể thao; Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh...
Số lượng học sinh đỗ vào các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh tăng. Năm học 2022 - 2023, có 35 em đỗ vào trường PTDT nội trú tỉnh, trong đó 1 em đứng thứ 3 toàn trường (với số điểm đạt 42,08). Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, chất lượng chuẩn hoá, đạt nhiều thành tích trong các hội thi giáo viên giỏi cấp huyện/tỉnh.
Cơ sở vật chất các nhà trường trong những năm qua được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Tình trạng phòng học tạm, tranh tre nứa lá không còn. Tỷ lệ kiên cố hoá trường, lớp học đạt 65%; trường chuẩn quốc gia 36,3% (12/33 trường), tăng 10 trường so với năm 2013...
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh ngày càng đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội được tăng cường. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh triển khai rộng khắp toàn ngành Giáo dục.
Giờ ăn cơm bán trú của học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, huyện Mường Lát. Ảnh: NTCC |
- Là địa phương có nhiều bản cao, xa, hẻo lánh khó khăn, giao thông cách trở đã ảnh hưởng đến việc phát triển giáo dục. Huyện có kế hoạch gì để thu dần khoảng cách với miền xuôi?
- Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới với địa hình đồi núi chia cắt phức tạp. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người sinh sống rải rác, trình độ nhận thức thấp, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em...
Bên cạnh đó, huyện còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thiếu... Đây là những rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến phát triển giáo dục; cũng là những thách thức lớn để ngành Giáo dục Mường Lát có thể thu hẹp khoảng cách với các huyện miền xuôi.
Để giải quyết được điều đó, thời gian tới huyện Mường Lát xác định làm tốt một số nhiệm vụ: Tổ chức triển khai hiệu quả Đề án số 06-ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát về “Nâng cao chất lượng GD&ĐT huyện Mường Lát, giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn định hướng đến năm 2045”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách của Nhà nước, ngành GD-ĐT để thay đổi thói quen, cách suy nghĩ, tính trông chờ, ỷ lại của người dân. Xây dựng các mô hình góc học tập, gia đình hiếu học, dòng họ học tập, gia đình văn hoá... để khơi dậy, khích lệ phong trào học tập trong nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính quyền. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với phát triển giáo dục.
Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đủ về số lượng, đồng bộ cơ cấu, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Có chính sách đặc thù ưu tiên với nhà giáo để thu hút, tạo điều kiện cho giáo viên an tâm công tác, cống hiến. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục. Tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém của ngành. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tạo động lực thi đua dạy tốt học tốt.
Tranh thủ sự đầu tư của Trung ương và tỉnh qua các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp học, mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học, đảm bảo tốt nhu cầu giảng dạy, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tập trung công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở GD-ĐT. Tăng cường tỷ lệ trẻ ăn bán trú bậc mầm non. Tiếp tục mở rộng mô hình trường PTDT bán trú tiểu học và THCS. Dồn ghép đưa học sinh điểm trường lẻ (từ lớp 3) về khu chính, để tăng cường tiếng Việt, dạy học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đại trà...
Đẩy mạnh phổ cập trẻ mẫu giáo, củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, xóa mù chữ. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển GD-ĐT.
- Để phát triển giáo dục ở vùng sâu, cao, xa, hẻo lánh, nơi chủ yếu đồng bào người Mông, Dao, Khơ Mú sinh sống, huyện sẽ đầu tư, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thế nào, thưa ông?
- Huyện tiếp tục tranh thủ các chương trình dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển huyện Mường Lát giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho huyện. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh...
Bên cạnh đầu tư các chương trình dự án của Trung ương, tỉnh, huyện cũng tăng cường công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án do huyện làm chủ đầu tư, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia.
Những năm qua, trên địa bàn huyện có nhiều nhà hảo tâm, đơn vị, cá nhân, tổ chức ủng hộ nhân dân cả vật chất lẫn tinh thần. Sắp tới, huyện đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các nhà hảo tâm biết đến, tiếp tục quan tâm, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Mường Lát xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, kêu gọi nhân dân trong huyện phát động phong trào hiến đất xây trường, góp ngày công xây dựng trường lớp; công khai minh bạch các công trình xã hội hoá, tôn vinh tổ chức, đơn vị cá nhân trong công tác xã hội hoá giáo dục.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Lý, huyện Mường Lát trong giờ tan lớp. Ảnh: NTCC |
- Sài Khao - nơi cao, xa, khó khăn nhất vừa có điện lưới quốc gia nhưng đường giao thông, sóng điện thoại, Internet... vẫn khó khăn, thiếu thốn là rào cản để phát triển kinh tế, giáo dục, đặc biệt là dạy tin học, tiếng Anh và STEM… Đề án số 06-ĐA/HU tập trung đến vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Không riêng Sài Khao, hiện Mường Lát còn nhiều bản khó khăn. Do đó, Huyện ủy đã ban hành một số kế hoạch, đề án để chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ chính sách Nhà nước.
Chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức mở lớp xoá, tái mù chữ, nâng cao trình độ dân trí người dân. Huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống viễn thông, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế xã hội, du lịch, góp phần chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Việc dạy Tin học, tiếng Anh tại các trường, điểm trường ở bản khó được chú trọng. Các trường đã đầu tư máy vi tính, đài cassette, tivi để tổ chức dạy học.
Chương trình GDPT 2018 tổ chức dạy bắt buộc các môn Tin học, Tiếng Anh đối với học sinh từ lớp 3 trở lên. Như vậy, việc dồn ghép, đưa học sinh lớp 3 về khu chính hoặc các điểm gần nhau tập trung sẽ giải quyết được việc dạy tin học, ngoại ngữ, đề án đã cập nhật nội dung này.
- Năng lực số của cán bộ quản lý, giáo viên có vai trò quan trọng để giáo dục “chuyển mình”, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Định hướng của huyện giai đoạn tới là gì, để “xóa mù công nghệ” ở các vùng đặc biệt khó khăn?
- Bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, con người cũng là khâu then chốt, quyết định hiệu quả và thành công, GD-ĐT cũng vậy. Trong Chương trình GDPT 2018, không chỉ đòi hỏi người thầy nâng tầm cao mới, mà còn truyền đạt kiến thức, định hướng, khơi gợi, khám phá để người học chiếm lĩnh, biến tri thức của thầy, nhân loại thành của mình.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành Giáo dục đã và đang phần nào đáp ứng việc dạy và học. Đặc biệt, thực hiện Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi thầy, cô phải sử dụng thành thạo phương tiện công nghệ áp dụng vào quá trình giảng dạy ở các khâu. Tuy nhiên, có một số thầy, cô giáo còn rụt rè, e ngại, chưa nắm được kỹ năng cần thiết.
Trước tình trạng này, huyện chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường công tác tập huấn, sinh hoạt chuyên môn. Trong giảng dạy bắt buộc phải sử dụng thiết bị, công nghệ như: Sử dụng ứng dụng phần mềm trong dạy môn Ngoại ngữ, PowerPoint trình chiếu… trong tập huấn; huy động các nhà hảo tâm, nguồn kinh phí của huyện kết hợp với nhà trường đầu tư mua sắm trang bị máy tính, máy chiếu, tivi, các phần mềm ký số, quản lý sổ điểm, giáo án điện tử...
Cùng đó, huyện tạo điều kiện để nhà giáo học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn bị điều kiện cần thiết thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Thế Lượng (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc