Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn về giáo dục và đào tạo mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao phó, một trong những công tác mà Bộ phải làm tốt là công tác tài chính, quản lý đầu tư công, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất.
Công tác này cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn, tổng thể của ngành để có phương hướng, kế hoạch và giải pháp phù hợp. Trong kế hoạch từ 5 đến 10 năm tới, nếu muốn nền giáo dục và đào tạo thực sự phát triển, chúng ta cần phải có những chuyển biến quan trọng trong chính hoạt động quản lý, điều hành và triển khai mảng công tác này.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gia tăng phân cấp, phân quyền trong bộ máy tổ chức, chúng ta cần tiến hành rà soát đồng bộ công tác rà soát tổ chức và bộ máy tài chính để có những điều chỉnh phù hợp theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền đảm bảo theo đúng luật và đúng quy định, gia tăng quyền hạn gắn liền với gia tăng trách nhiệm, gia tăng tốc độ và gia tăng chất lượng công việc.
Trong bối cảnh ngân sách dành cho ngành còn hạn hẹp, chúng ta phải gia tăng đầu tư cho giáo dục bằng nhiều cách khác nhau như: thuyết phục Chính phủ, các ban, bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp, có ưu tiên đầu tư cùng với các nguồn lực huy động từ nguồn xã hội hóa trong nước và quốc tế.
Kế hoạch đầu tư tài chính của ngành phải đảm bảo trúng, đúng mục tiêu và phải có trọng tâm, trọng điểm nhằm gia tăng giá trị sử dụng, tính lan tỏa tới nhiều cấp đơn vị khác nhau.
Yêu cầu cơ bản trong công tác giải ngân là phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng quy định của ngành và phù hợp với các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đồng thời tăng cường các yếu tố đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Để tháo gỡ các khó khăn lớn trong mảng công tác này, lãnh đạo Bộ sẽ có các cuộc làm việc chuyên đề với các bộ, ngành liên quan và các địa phương về các chuyên đề phù hợp.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, những năm qua, công tác giải ngân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác này càng được nhận thức rõ hơn về vai trò và ý nghĩa.
Một mặt, chúng ta tăng cường hiệu quả vốn đầu tư công, đưa các chương trình, dự án hoàn thành vào sử dụng để không lãng phí; mặt khác góp phần tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm và nhiều vấn đề khác, nhất là trong bối cảnh dịch Covid – 19.
Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã trực tiếp chỉ đạo, có nghị quyết thành lập tổ công tác trong lĩnh vực này. Đồng thời, có những chế tài xử lý, xem xét, đánh giá thi đua về công tác giải ngân.
Cho rằng, nhu cầu đầu tư cho giáo dục thì lớn, nhưng khó thu hút hơn so với một số lĩnh vực khác; Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, tình hình mới, rất cần có tư duy, cách làm và hành động mới. Trước mắt, có thể đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đề xuất Chính phủ đầu tư thích đáng cho GD-ĐT và bàn thảo các giải pháp để chủ động thu hút đầu tư. Khi đã có nguồn lực đầu tư rồi, cần thực hiện phương châm 10 chữ: trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát, kịp thời và hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu công tác giải ngân năm 2021, Thứ trưởng lưu ý, ngoài việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhưng cần gắn với trách nhiệm giải trình. Thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho các đơn vị cơ sở theo đúng thẩm quyền và quy định.
Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, đồng thời nêu cao tinh thần hợp tác, chủ động báo cáo cho lãnh đạo Bộ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn (nếu có).