Tháo gỡ khó khăn
Trong thời đại toàn cầu hoá với khoa học và công nghệ là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, các nhà trường cần chuẩn bị cho HSSV những năng lực cốt lõi để trở thành công dân toàn cầu, trong đó đặc biệt là năng lực tự học và sáng tạo, khả năng thích ứng và tinh thần khởi nghiệp, dấn thân.
PGS Hoàng Minh Sơn phân tích, học không chỉ để hiểu và biết làm với những thứ đang có sẵn, mà còn cần biết làm ra cái mới, những thứ có ích cho nhiều người, cho cộng đồng và xã hội. Ngược lại, cách học tốt nhất cũng chính là tập làm ra cái mới, bởi qua đó người học được nghiên cứu, trải nghiệm, rèn luyện tư duy sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, hướng tới tạo giá trị cho cộng đồng.
Trong bối cảnh tự chủ đại học, để xây dựng một môi trường học thuật định hướng nghiên cứu nói chung và tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hiệu quả nói riêng, PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, vai trò của Nhà nước và hợp tác doanh nhiệp là rất lớn.
Vì vậy, cần xây dựng cơ chế gắn kết hữu cơ một cách bền chặt giữa: Nhà nước - Nhà trường – Nhà doanh nghiệp/Nhà đầu tư – Nhà khoa học. Vì thế, các trường đại học rất mong được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện bằng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi, giúp các trường tháo gỡ khó khăn và phát huy được những tiềm năng sẵn có.
Sinh viên Đại học Huế nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho cây xanh. Ảnh: INT |
Giải pháp để phát triển
Về việc hình thành đội ngũ cán bộ hỗ trợ trong các cơ sở đào tạo hiện nay được các trường bố trí nhưng trình độ của đội ngũ này còn nhiều hạn chế, dẫn đến công tác tham mưu triển khai hoạt động cho lãnh đạo các cơ sở đào tạo chưa đạt kỳ vọng. Công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ còn chưa được thường xuyên, liên tục và số lượng cán bộ của các trường chưa đủ như tỉ lệ (đối với cán bộ chuyên trách tỉ lệ là 1 cán bộ/1.000 sinh viên; kiêm nhiệm 1 cán bộ/500 sinh viên).
Nội dung chương trình đào tạo về khởi nghiệp chưa thống nhất, chưa có khung chương trình đào tạo về khởi nghiệp (E&I) cho các cơ sở đào tạo và cho các chuyên ngành đào tạo. Hiện có 50% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. Có khoảng 20 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV.
Tuy nhiên mô hình không gian chung mới chỉ ở dạng: Thư viện mở chưa đúng với mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp (Co-working space). Một số trường đại học lớn đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên các phòng thí nghiệm chuyên biệt cho khởi nghiệp còn rất ít, hạn chế và việc khai thác chưa thực sự hiệu quả.
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, bên cạnh nhiều trường đã nhận thức được đây là cơ hội để phát triển, cũng có một số trường chưa chuyển biến nhanh, cho đây là phong trào. Có một số trường dừng lại ở phong trào, chưa tạo được không gian để thầy cô và học trò làm việc với doanh nghiệp ở góc độ sáng tạo.
Bộ trưởng lưu ý: Tới đây, cần coi khởi nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nhà trường. Đây là con đường thuận lợi để các nhà trường gắn với doanh nghiệp tốt và cũng là giải pháp rất hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo. Với các thầy, cô giáo, đây không chỉ là hoạt động có tính chất phong trào mà trở thành hoạt động gắn với nghiên cứu của mình để kết nối với doanh nghiệp, doanh nhân.