Cẩn trọng với “bẫy điểm sàn” thấp

Thứ bảy - 21/08/2021 07:07 450 0
GD&TĐ - Nhiều trường đại học công bố ngưỡng điểm sàn xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Ghi nhận cho thấy, không ít trường thông báo nhận hồ sơ từ ngưỡng 15 điểm cho phần lớn ngành đào tạo của mình.
Cẩn trọng với “bẫy điểm sàn” thấp

Điều này khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo thí sinh nếu chủ quan sẽ rất dễ rơi vào “bẫy điểm sàn”. 

Chỉ tiêu còn lại không nhiều nhưng sao điểm sàn lại thấp?

Mùa tuyển sinh năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch của các trường gần như bị đảo lộn. Để tránh sự bị động, nhiều trường đã thay đổi đề án tuyển sinh, gia tăng thêm hình thức xét tuyển khác khiến cho tỉ lệ tổng chỉ tiêu xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT giảm đi.

Thực tế, sau nhiều đợt công bố điểm chuẩn trúng tuyển các phương thức như xét tuyển thẳng, tuyển thẳng có điều kiện chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế, tuyển theo điểm học bạ THPT, điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực…, chỉ tiêu còn lại ở phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường chỉ còn 30 - 60% tổng chỉ tiêu. Vì vậy, việc một số trường vẫn công bố ngưỡng điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển khá thấp 15 - 16 điểm khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời cảnh báo với thí sinh nhất là trước bối cảnh các thí sinh chuẩn bị bước vào thời gian thay đổi và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Không chỉ với các trường tư thục, nhiều trường đại học công lập cũng thông báo mức điểm sàn nhận hồ sơ thấp tương tự. Trong thông báo nhận hồ sơ xét tuyển cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trường ĐH Điện lực đều thông báo mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm (tức trung bình 5 điểm/môn). Trường ĐH Khánh Hòa, ĐH Tây Nguyên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Mỏ - Địa chất… mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển được thông báo cho phần lớn ngành đào tạo từ 15 - 16 điểm.

Trường ĐH Quảng Nam thậm chí nhiều ngành học mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ 12,5 điểm ở một loạt ngành đào tạo như: Công nghệ thông tin, Lịch sử, Việt Nam học, Ngôn Ngữ Anh, Bảo vệ thực vật. Với các mức điểm sàn xét tuyển mà các trường đã công bố, nếu thí sinh có điểm ưu tiên, mức điểm thậm chí còn thấp hơn.

Tất nhiên, theo các chuyên gia, ngưỡng điểm sàn xét tuyển chưa thể nói lên điều gì vì các trường sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp. Nhưng bằng kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, theo ông N.H.T - Phó Hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM, điểm trúng tuyển sẽ chỉ cao hơn 3 cùng lắm 4 điểm so với ngưỡng điểm sàn công bố. Tuy nhiên, cái “bẫy điểm sàn” thấp vẫn cực kỳ phức tạp nếu thí sinh không thận trọng và tỉnh táo.

Cẩn trọng với “bẫy điểm sàn” thấp - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh cùng các chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường ĐH, CĐ.

Thí sinh cần thận trọng

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết: Chắc chắn trước khi công bố mức điểm sàn, Hội đồng xác định điểm sàn các trường phải ngồi lại để phân tích nguồn dữ liệu tổng thể từ phổ điểm từng môn, từng tổ hợp xét tuyển và cả chỉ tiêu vào các ngành khác nhau của tổ hợp khác nhau. Điểm sàn thường được xây dựng trên nguyên tắc chung tối thiểu bao gồm “2 đúng” (quy chế; chất lượng tuyển chọn đầu vào) và “2 bảo đảm” (cơ cấu vùng miền và cơ cấu xã hội; chất lượng tuyển chọn đầu vào cho các trường).

“Trước đây, Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ GD&ĐT tính toán phương án tối ưu để tạo điều kiện cho các trường xét tuyển đưa ra mức sàn phù hợp: Vừa bảo đảm chất lượng, vừa có đủ nguồn tuyển cho nhóm khối ngành…, tức là để hạn chế việc hạ sàn với những tổ hợp có phổ điểm thấp nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, cũng có trường vì quá lo lắng, đã hạ mức sàn quá thấp” - TS Lý nhận định.

Theo TS Trần Đình Lý, khi điểm sàn quá thấp, sẽ có một số kịch bản sau nảy sinh. Sàn thấp và chuẩn cao, tức cách nhau rất xa. Điều này không tốt cho trước hết là thí sinh, có người dùng từ “bẫy”, thậm chí “vét” thí sinh, dẫn đến trường mất niềm tin với thí sinh. Kịch bản thứ 2 là khi điểm sàn thấp và chuẩn cũng thấp. Khi đó, ngành và trường mất uy tín, không bảo đảm về chất lượng.

“Nhóm ngành hot hay ít hot có thể đều nằm trong cùng một trường đào tạo đa ngành. Do đó, các trường cần đặt mức điểm sàn theo nhóm hoặc theo ngành luôn để thí sinh chọn lựa sát hơn và giảm ảo. Tôi rất chia sẻ với trường có ngành khó tuyển, điểm sàn có thể ở mức thấp nhưng xin đừng quá thấp! Chuẩn rất thấp sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, thương hiệu. Đó cũng là cách tự loại mình ra khỏi hệ thống giáo dục có chất lượng” - TS Lý chia sẻ.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) - cho biết: Việc công bố ngưỡng điểm sàn thấp chủ yếu đến từ các trường đại học địa phương, đại học vùng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Với số ít trường công lập hay tư thục tại TPHCM, ngưỡng điểm thấp phần nhiều rơi vào các ngành kén người học. Tuy vậy, điểm sàn thấp không có nghĩa là điểm chuẩn trúng tuyển cũng sẽ không cao.

“Thực tế tuyển sinh vài năm trở lại đây cho thấy rất rõ những diễn biến khó lường về điểm chuẩn trúng tuyển, nhất là với ngành học có sức hút với xã hội. Vì vậy, thí sinh cần thật sự tỉnh táo trước khi điều chỉnh nguyện vọng, cũng như hướng nguyện vọng về các ngành có ngưỡng điểm sàn thấp. Năm ngoái, nhiều ngành điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn đến 4,5 - 5 điểm là không ít. Để tránh đối mặt với rủi ro khi điều chỉnh nguyện vọng, nộp hồ sơ xét tuyển vào trường có mức điểm sàn thấp, tốt nhất thí sinh nên tham khảo nhiều phổ điểm, điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành các trường trong 2 - 3 năm để có hướng điều chỉnh phù hợp nhất” - ThS Sơn nói. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập127
  • Hôm nay10,264
  • Tháng hiện tại477,019
  • Tổng lượt truy cập51,832,978
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944