Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, tác động sâu rộng tới các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân. Đây là Nghị quyết toàn diện, nhiều đột phá trong việc chấn hưng nền giáo dục, được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.
PGS.TS Lê Huy Hoàng. |
Năm 2023, Trung ương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là hoạt động quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn; đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền; kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm đẩy nhanh tiến độ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Nếu nói về thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, trước hết cần khẳng định sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” từng bước được thực hiện. Thể chế, chính sách phát triển GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện. Công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường có chuyển biến tích cực theo hướng phân cấp, quyền; tăng cường tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng bài bản, bám sát tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 29-NQ/TW, tiếp cận xu hướng tiến bộ của thế giới về phát triển chương trình GDPT. Sách giáo khoa được tổ chức biên soạn theo phương thức xã hội hóa, nâng cao chất lượng; tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho nhà trường, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chất lượng GDPT cả đại trà và mũi nhọn không ngừng nâng cao.
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt, đóng góp tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Đổi mới giáo dục đại học với trọng tâm là thúc đẩy tự chủ đã tạo ra động lực phát triển mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học; chất lượng đào tạo từng bước nâng lên; nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh; một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất khu vực châu Á và thế giới.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới giáo dục trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhất là quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”. Tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết Đại hội XIII; thích ứng với bối cảnh, yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Ảnh minh họa: Xuân Phú |
Cần ưu tiên phát triển giáo dục trên một số lĩnh vực: Giáo dục mầm non với trọng tâm là phát triển, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; Giáo dục đại học với trọng tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nhất là nguồn nhân lực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Giáo dục thường xuyên với trọng tâm là mở rộng và bảo đảm cơ hội học tập cho mọi người, khuyến khích học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Cùng đó, hết sức coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục làm người và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ. Gắn GD-ĐT với xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Triển khai thực chất mối quan hệ giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới giáo dục gia đình, phát huy cao độ vai trò của gia đình, dòng họ trong giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống cho học sinh, sinh viên.
Ông Nguyễn Tân. |
2024 là năm quan trọng đối với thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây là năm đầu của chặng hai, năm chuẩn bị cho về đích của giai đoạn 5 năm đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, cũng là năm quyết định lớn trong đánh giá kết quả đổi mới. Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ sở để ngành Giáo dục và cả hệ thống chính trị có những chỉ đạo, điều chỉnh hợp lý, chuẩn bị cho hoàn thành giai đoạn quan trọng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (2020 - 2025).
Ngành Giáo dục tiếp tục phát huy những kết quả đạt được qua 3 năm đổi mới; khắc phục khó khăn, bất cập mang tính kỹ thuật trong thời gian đầu thực hiện, từ thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa đến tập huấn và bố trí giáo viên, tổ chức kế hoạch giáo dục nhà trường và dạy học các môn học mới… Kiên trì mục tiêu đổi mới với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ; chú trọng tập trung chiều sâu đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá.
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, học sinh, đúng như yêu cầu cốt lõi của chương trình; giảm áp lực kiến thức hàn lâm, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng cho học sinh. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số vào quản lý và tổ chức dạy - học, quản trị nhà trường. Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm truyền thông nâng cao nhận thức trong toàn ngành về mục tiêu, yêu cầu đổi mới. Mỗi thầy cô, tổ bộ môn, nhà trường thực sự đổi mới, cảm nhận được sự đổi mới tạo ra hiệu quả của quá trình đổi mới.
Năm 2024, chúng ta cần tiếp tục chú trọng các điều kiện bảo đảm, như: Quy hoạch mạng lưới gắn liền với bố trí, bảo đảm quỹ đất cho giáo dục; điều kiện cơ sở vật chất; đáp ứng về đội ngũ (cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu); các chính sách tạo động lực làm việc cho nhà giáo; phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, đảm bảo an toàn trường học; sự thống nhất có chất lượng trong thực hiện cơ chế phân cấp quản lý giáo dục các cấp… Nếu giải quyết tích cực, thấu đáo, quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, triệt để những vấn đề trên, tất yếu sẽ khắc phục tốt các rào cản chỉ ra trong Kết luận giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Thế Sơn. |
Tiếp nối những nỗ lực nhằm phát triển, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo đã thực hiện trước đó, năm 2023 tiếp tục cho thấy nhiều dấu ấn trong công tác này. Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng - giúp thu nhập của giáo viên được cải thiện, qua đó phần nào đảm bảo cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.
Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, năm 2024 các địa phương tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông. Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chỉ còn hình thức xét thăng hạng giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhà giáo.
Cũng trong năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập làm căn cứ để các địa phương xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm để tiến tới thực hiện chính sách tiền lương mới trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, nhân viên nhằm khắc phục những hạn chế trước đó, tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, trong năm qua, Bắc Ninh thực hiện đầy đủ các chính sách cho nhà giáo. Trong đó, có thể kể đến như: Phê duyệt phương án và bổ nhiệm, xếp lương cho 12.200 giáo viên đủ điều kiện ở các cấp học mầm non, phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; xây dựng Đề án xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho 1.009 giáo viên trên tổng số 2.028 giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II.
Bắc Ninh đồng thời tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu trên cơ sở số biên chế được giao; chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo; đặc biệt ưu tiên hỗ trợ, động viên kịp thời đối với đội ngũ nhà giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh.
Những vấn đề liên quan đến chính sách nhà giáo cần quan tâm trong năm 2024, tôi cho rằng, thứ nhất, về chiến lược lâu dài trong phát triển đội ngũ, mong Quốc hội sớm thông qua Luật Nhà giáo, tạo hành lang pháp lý cho nhà giáo phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng.
Thứ hai, về chính sách cụ thể đối với nhà giáo, năm 2024 sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới, để nhà giáo sống được với nghề và yên tâm công tác, rất mong muốn Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quan tâm, tính toán việc xếp bảng lương mới cho nhà giáo phù hợp, đảm bảo “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” như tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan ban hành chế độ phụ cấp đặc thù cho viên chức ở một số vị trí việc làm trong ngành Giáo dục (thiết bị, thí nghiệm; giáo vụ; tư vấn học sinh; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; thư viện; chuyên viên quản trị công sở; kế toán; nhân viên thủ quỹ; văn thư…).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà. |
Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, giúp học sinh khối 11 năm học 2023 - 2024 có thời gian chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018; đồng thời định hướng lựa chọn ngành nghề và chuẩn bị các điều kiện tiếp tục vào đại học. Việc ban hành phương án thi kịp thời giúp các trường phổ thông chủ động hơn trong tư vấn học sinh lựa chọn tổ hợp các môn học theo Chương trình GDPT mới.
Theo phương án Bộ GD&ĐT công bố, thí sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án này được đông đảo phụ huynh, học sinh và xã hội đồng tình. Xét về mục tiêu, cấu trúc, Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng phân hóa dần ở các lớp trên. Đến cấp THPT phát triển các kỹ năng, kiến thức cần thiết, đạt được hiểu biết chung về nghề nghiệp định hướng trong tương lai.
Do đó, giảm môn thi là cần thiết để học sinh phát huy sở trường, dành nhiều thời gian tập trung cho những môn mà bản thân có thế mạnh để định hướng nghề nghiệp. Cùng với việc giảm bớt áp lực cho nhiều phía, phương án này có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng dạy - học trong trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục qua kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thay đổi rõ nhất trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là Ngoại ngữ từ môn thi bắt buộc chuyển thành tự chọn. Tôi cho rằng, thay đổi này phù hợp với mục tiêu và cấu trúc Chương trình GDPT mới theo hướng phân hóa dần ở các lớp trên, đến cấp THPT đạt được hiểu biết chung về nghề nghiệp định hướng trong tương lai.
Khi học sinh đã định hướng được nghề nghiệp thì song song đó sẽ xác định mục tiêu, sự cần thiết của việc học ngoại ngữ để chuẩn bị vào đại học, hay chuẩn bị cho môi trường lao động sau tốt nghiệp THPT. Do đó, dù có là môn thi bắt buộc hay không, nhà trường vẫn phải hoàn thành mục tiêu dạy, học môn Tiếng Anh; chưa nói đây là xu thế tất yếu của sự phát triển, học sinh đủ hiểu biết để nhận thức điều này.
Năm 2025 là năm cuối kết thúc Chương trình GDPT 2006 chuyển sang Chương trình GDPT 2018. Việc triển khai thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có ý nghĩa rất lớn; được xem là dấu mốc để khẳng định kết quả quá trình đổi mới giáo dục, làm tiền đề tiếp tục đổi mới kỳ thi tiếp theo nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung.
Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tôi cho rằng, các trường đại học cần sớm công bố phương án tuyển sinh theo định hướng này, giúp học sinh lựa chọn môn học ở THPT phù hợp với định hướng nghề nghiệp, từ đó có sự chuẩn bị và kế hoạch học tập phù hợp. Song song đó, giúp trường phổ thông có phương án sắp xếp tổ hợp môn, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn, tránh xáo trộn do các em thay đổi tổ hợp.
Với xét tốt nghiệp, để được xét công nhận, ngoài điểm bài thi, còn sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Do đó, quá trình thực hiện cần khách quan, công bằng, đúng mục tiêu và yêu cầu trong đánh giá học sinh. Về nội dung này, đề nghị Bộ GD&ĐT chú trọng việc phân tích, đánh giá độ lệch điểm của các bài thi tốt nghiệp THPT so với kết quả quá trình học tập; chỉ đạo các giải pháp quản lý nhằm cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.
Đối với địa phương, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, trước mắt tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, cộng đồng. Đồng thời, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để tiếp cận phương án thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm từ sau năm 2030. Chuẩn bị đội ngũ và các điều kiện để tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
GD-ĐT cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với tác động sâu rộng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự phát triển đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Giáo dục cần tiên phong trong chuyển đổi số; sớm phát triển giáo dục số, thông minh, cá nhân hóa; giáo dục gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc