Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ này là yêu cầu cấp thiết của đất nước, cần cơ chế, chính sách đột phá, nguồn lực đầu tư hiệu quả.
- Bà có thể cho biết một số thông tin về thực trạng đào tạo trình độ đại học khối ngành STEM hiện nay?
- Hiện cả nước có 172 cơ sở đào tạo thuộc 150 đơn vị giáo dục đại học đầu mối đào tạo trình độ đại học các ngành STEM. Tuy nhiên, quy mô đào tạo giữa các cơ sở khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Cụ thể, trong 150 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, 30 cơ sở giáo dục đại học (20%) có quy mô đào tạo lớn hơn 6 nghìn sinh viên STEM và đóng góp gần 75% tổng số sinh viên STEM cả nước.
75 cơ sở giáo dục đại học (50%) có quy mô đào tạo nhỏ hơn một nghìn sinh viên và chỉ đóng góp dưới 5% tổng số sinh viên STEM toàn quốc. Các chương trình chất lượng cao được cơ sở đào tạo quan tâm đầu tư và có sức thu hút tốt đối với sinh viên lĩnh vực STEM. Đặc biệt, các chương trình đào tạo tài năng đã gây dựng được uy tín, chất lượng tốt cho phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam còn thấp. Cụ thể, tính theo dân số, số sinh viên đại học theo học lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu.
Quy mô tuyển mới đại học khối STEM tăng khá trong 3 năm trở lại đây, tuy nhiên chủ yếu do các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực lớn từ công nghiệp như: Máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kiến trúc và xây dựng.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). |
Tỷ lệ sinh viên chọn học khối STEM tương quan mạnh với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng. Theo thống kê tuyển sinh năm 2022, các cơ sở đào tạo đặt tại 2 vùng kinh tế phát triển nhất cả nước là Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ có lượng sinh viên chọn học lĩnh vực STEM vượt trên 50% (50,2% và 58,2%), quy mô tuyển sinh chiếm tới 80% tổng số sinh viên tuyển mới khối STEM cả nước.
Tỷ lệ sinh viên chọn học lĩnh vực STEM tại cơ sở đào tạo thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long đạt xấp xỉ 15%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc xấp xỉ 10%, Tây Nguyên xấp xỉ 2%.
Về đào tạo sau đại học, quy mô đào tạo khối ngành STEM nhỏ so với các nước phát triển, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng quy mô đào tạo trình độ khối ngành STEM cũng như các lĩnh vực. Quy mô đào tạo và tuyển mới sau đại học lĩnh vực STEM có xu hướng giảm một cách đáng lo ngại những năm gần đây, có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực đào tạo.
Năm 2021, tuyển sinh toàn khối STEM chưa đạt được 40% chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và không có lĩnh vực nào tuyển đạt 50% chỉ tiêu. Cũng trong năm 2021, tổng số nghiên cứu sinh tuyển mới ngành STEM vỏn vẹn 309 người. Nếu tính cả tỷ lệ không tốt nghiệp được và giả thiết tất cả người tốt nghiệp tiến sĩ đều về làm giảng viên đại học, thì trung bình hằng năm mỗi cơ sở giáo dục đại học chưa bổ sung được thêm một giảng viên trình độ tiến sĩ khối STEM từ nguồn đào tạo trong nước; chưa nói tới đáp ứng nhu cầu của các viện nghiên cứu, trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ.
Nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là thạc sĩ, tiến sĩ các lĩnh vực STEM thể hiện trình độ phát triển của khoa học - công nghệ và cả nền kinh tế. Đào tạo trình độ sau đại học khối ngành STEM cung ứng nguồn nhân lực thiết yếu cho phát triển các lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu, phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quy mô đào tạo sau đại học thấp, khan hiếm là thực trạng đáng lo ngại đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên Trường ĐH Phenikaa trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC |
- Bà lý giải như thế nào về thực trạng trên?
- Khi trình độ khoa học, công nghệ ở nước ta còn thấp, các ngành sản xuất nặng về khai thác, gia công và lắp ráp, dự án đầu tư chủ yếu dựa trên lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ, thì nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khối STEM sẽ không cao.
Sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ cân nhắc giữa chi phí và cơ hội của việc chọn con đường học tiếp lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, so với đi làm ngay để có thu nhập; nhất là khi thiếu chế độ, chính sách học bổng phù hợp. Những người năng lực tốt có nhiều cơ hội nhận học bổng để đi học tại các trường đại học nước ngoài, nhất là trình độ tiến sĩ.
Việc lựa chọn học tiếp lên trình độ sau đại học cũng phụ thuộc vào đặc điểm lĩnh vực, ngành, mô hình đào tạo. Ví dụ, các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và thống kê có tỷ lệ học sau đại học cao hơn lĩnh vực khác, bởi một phần không nhỏ sinh viên tốt nghiệp những ngành này sẽ theo đuổi công việc giảng dạy hoặc nghiên cứu, việc học lên trình độ cao hơn là cần thiết và được tạo điều kiện.
Trong khi đó, sinh viên ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật được định hướng ngay từ đầu theo ứng dụng, vì vậy số học lên trình độ cao hơn sẽ thấp. Các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin hiện nay cơ hội việc làm khá tốt, hầu hết sinh viên có việc làm trước hoặc ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, vì vậy động lực để học tiếp lên trình độ thạc sĩ không nhiều.
Ngoài yếu tố thị trường lao động và đặc điểm ngành học, quan niệm và sự hiểu biết chưa đầy đủ, đúng đắn của người học nói riêng, xã hội nói chung về vai trò của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đặc điểm và cơ hội phát triển nghề nghiệp của các lĩnh vực STEM trong tương lai cũng là nguyên nhân dẫn tới một số lĩnh vực STEM thiếu sức thu hút người học, nhất là bậc sau đại học.
Bên cạnh đó, đào tạo ngành STEM nói chung và trình độ sau đại học nói riêng thường yêu cầu chi phí lớn. Nếu không có hỗ trợ hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ từ Nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó có thể bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn học phí của người học. Đặc biệt, đào tạo ở trình độ tiến sĩ phải gắn với nghiên cứu. Các trường đại học thường thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ thêm cho nghiên cứu sinh từ nguồn thu hoạt động khoa học - công nghệ mới có khả năng cạnh tranh, tuyển chọn được nghiên cứu sinh năng lực.
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục đại học bị cắt giảm theo lộ trình, nguồn kinh phí khoa học - công nghệ từ Nhà nước cũng không tăng. Do vậy, chỉ số ít cơ sở đào tạo lớn có uy tín, tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu mạnh mới có khả năng thu hút học viên sau đại học, nhất là nghiên cứu sinh các ngành STEM.
Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp công nghệ cao chưa có sự gắn kết đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
Chính sách thu hút người học, người dạy, cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao còn hạn chế. Đối với người học, chưa có chính sách ưu tiên đầu tư ngân sách cấp, bù học phí, cho vay ưu đãi cho sinh viên theo học chương trình đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Nhà nước chưa có chính sách chi trả học bổng cho người học xuất sắc theo học chương trình đào tạo phục vụ phát triển công nghệ cao. Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh, chưa có chính sách hấp dẫn, thu hút đối tượng này tham gia đề tài nghiên cứu khoa học phát triển ngành công nghệ cao…
Giờ học trên giảng đường của sinh viên Trường Đại học Trưng Vương. Ảnh: NTCC |
- Vậy cần những giải pháp gì đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, theo bà?
- Cần nhóm giải pháp tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, làm cơ sở thống nhất trong thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển công nghệ cao do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai.
Trong đó tập trung vào các giải pháp: Hỗ trợ tài chính cho người học; xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; hỗ trợ việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học.
Cần kế thừa kinh nghiệm và những bài học thành công trong lĩnh vực này. Phát huy tối đa lợi thế đào tạo nguồn nhân lực ở cơ sở giáo dục đại học; gắn kết đào tạo với nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt các chương trình đào tạo sau đại học.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển công nghệ cao; tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các bên liên quan cho đào tạo ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao. Thúc đẩy tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư, hợp tác với cơ sở giáo dục đại học để phát triển một số ngành đào tạo, ưu tiên đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ ngang tầm thế giới.
Các ngành, lĩnh vực, địa phương đã và đang xây dựng chương trình, đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Phần lớn đề án này có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nhưng thiếu chính sách chung để thu hút người học vào học, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp tham gia thúc đẩy đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.
Do đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao cần gắn với ngành, lĩnh vực ứng dụng, phù hợp chiến lược phát triển của Nhà nước, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước cho toàn hệ thống thông qua xây dựng các chuẩn mực đào tạo, chính sách hỗ trợ; thúc đẩy người học, các bên liên quan tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc lĩnh vực, ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ sinh học..., Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2024. - Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc