Nếu tính chung, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ở địa phương tham gia các chương trình làm quen tiếng Anh đạt 57,3%.
Năm học 2023 – 2024, năm thứ 3 các cơ sở giáo dục mầm non tại TPHCM tổ chức, xây dựng các hoạt động trực tiếp cho trẻ làm quen tiếng Anh. Tính đến tháng 1/2024, có 18 chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo được Bộ GD&ĐT thẩm định và cấp phép. Địa phương này cũng có hơn 50 công ty và 130 trung tâm ngoại ngữ, Anh ngữ phối hợp cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh với thời lượng 2 buổi/tuần, thời gian học từ 25 - 40 phút tùy thuộc độ tuổi.
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM, cho trẻ làm quen tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp trẻ sớm làm quen ngôn ngữ thứ 2. Thông qua học tiếng Anh, trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, hứng thú, không áp lực.
Trẻ được tìm tòi, trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức theo phương châm “chơi mà học, học mà chơi”; lồng ghép tích hợp qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong ngữ cảnh, hoạt động gần gũi, ý nghĩa. Nội dung tiết học được thiết kế, xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo tính khoa học, vừa sức, nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, liên thông giữa độ tuổi, định hướng phát triển năng lực giao tiếp cho trẻ.
Cũng theo bà Điệp, năm học 2023 - 2024, TPHCM có 449 trường mầm non công lập trên tổng số 474 trường cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, chiếm tỷ lệ 94,72%. Số trường ngoài công lập cho trẻ làm quen tiếng Anh là 401/787 trường, tỷ lệ 50,9%. Tỷ lệ này ở các lớp mẫu giáo độc lập tư thục ít hơn nhiều (20,7%). Tính chung tỷ lệ trẻ mẫu giáo ở TPHCM tham gia chương trình làm quen tiếng Anh đạt 57,3%.
“Số trẻ mẫu giáo tham gia chương trình làm quen tiếng Anh tại các trường mầm non cao song số trẻ tham gia tại cơ sở nhóm lớp độc lập thấp do cơ sở vật chất chưa đảm bảo điều kiện tổ chức. Trẻ mẫu giáo ở huyện ngoại thành trong diện hộ cận nghèo không có điều kiện tham gia. Ngoài ra, ở một số cơ sở giáo dục, số lượng trẻ tham gia trong giờ làm quen tiếng Anh đông, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Cùng đó còn tình trạng giáo viên thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm mầm non…”, bà Điệp cho hay.
Ông Nguyễn Bá Lĩnh - chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi (TPHCM) chia sẻ, một bộ phận phụ huynh chưa hiểu đúng về khái niệm “làm quen” theo Thông tư của Bộ GD&ĐT. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến và vô cùng quan trọng. Nhưng dù vậy cũng không nhất thiết phải nhồi nhét ngoại ngữ cho con khi còn nhỏ. Điều này dẫn đến việc chưa đồng bộ trong việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh giữa các đơn vị.
Ngoài ra, do thuê giáo viên nước ngoài và Việt Nam giảng dạy phải xã hội hoá, dựa trên đóng góp của phụ huynh đầu năm học, dẫn đến việc tuyên truyền, triển khai khá bị động. Cùng đó, mức thu học phí cho công tác này hạn chế dẫn đến khó khăn trong hợp đồng với đơn vị cung cấp giáo viên giảng dạy.
Tiết học của trẻ Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM). Ảnh: Lê Công |
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT” do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức tháng 1/2024, các cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục đề xuất cần có giải pháp giúp tăng tỷ lệ trẻ mẫu giáo được làm quen tiếng Anh.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, chỉ hơn 50% trẻ mầm non TPHCM làm quen với tiếng Anh trong trường mầm non cần “suy nghĩ”. Vì vậy TPHCM phải phấn đấu để đạt con số cao hơn thời gian tới. Trẻ mầm non làm quen tiếng Anh là một trong những cách để hình thành kỹ năng giao tiếp, phong cách công dân toàn cầu.
“Trong câu chuyện trẻ làm quen tiếng Anh có trách nhiệm lớn của người làm công tác quản lý Nhà nước. Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT là cơ sở pháp lý nhưng triển khai là sự phối hợp, trách nhiệm của phòng GD&ĐT, trung tâm ngoại ngữ và các trường học”, bà Châu nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, các trung tâm ngoại ngữ cần quan tâm về đội ngũ thầy cô giáo, giúp giáo viên bản ngữ, nước ngoài hiểu về văn hóa người Việt Nam để phù hợp khi giảng dạy cho trẻ. Phòng GD&ĐT phải tăng cường kiểm tra chất lượng, hồ sơ năng lực, đội ngũ giáo viên, chương trình cũng như xây dựng kế hoạch tại địa phương. Cơ sở giáo dục mầm non cần khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến cha mẹ học sinh làm cơ sở thực hiện chương trình.
“Giáo dục phải có sự bình đẳng, công bằng cho các trẻ. Làm sao để tăng tỷ lệ này? Đây là câu hỏi mà tất cả người làm quản lý giáo dục phải suy nghĩ và có giải pháp cho từng địa phương”, bà Lê Thụy Mỵ Châu bày tỏ.
Còn theo ông Nguyễn Bá Lĩnh, thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi sẽ đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, giúp hiểu đúng về từ “làm quen tiếng Anh”, đồng thời khuyến khích phụ huynh cho trẻ tham gia lớp.
Đại diện huyện Củ Chi cũng đưa ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị cung cấp giáo viên Việt Nam, nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng cho giáo viên đạt chuẩn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác cho trẻ làm quen tiếng Anh, xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, linh động đối với các lớp học ngoại khóa… Đồng thời, ông Lĩnh cũng kiến nghị sở GD&ĐT tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn chuyên môn...
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, mức thu tổ chức giảng dạy cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở trường mầm non công lập dao động từ 120 - 480 nghìn đồng/tháng/trẻ. Mức thu bình quân là 320.000 đồng/trẻ/tháng. Riêng với trường mầm non ngoài công lập, mức thu mỗi tháng dao động từ 100 nghìn - 1,5 triệu đồng/trẻ. Mức thu bình quân là 500 nghìn đồng/trẻ/tháng. Ở các nhóm lớp, mức thu dao động từ 80 - 300 nghìn đồng/trẻ/tháng. Mức thu bình quân là 200 nghìn đồng đồng/trẻ/tháng.
Tác giả bài viết: Hồ Phúc
Ý kiến bạn đọc