STEM trong trường học: Phá thế 'độc quyền'

Chủ nhật - 21/01/2024 23:39 61 0
Vì thế, học sinh có thể mất nền tảng giáo dục xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhận định trên chưa sát thực tiễn, không phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đa dạng chủ đề Tiết học với chủ đề biển và đảo Việt Nam trong chương trình lớp 9 của cô Võ Thị Bông -...
STEM trong trường học: Phá thế 'độc quyền'

Vì thế, học sinh có thể mất nền tảng giáo dục xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhận định trên chưa sát thực tiễn, không phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đa dạng chủ đề

Tiết học với chủ đề biển và đảo Việt Nam trong chương trình lớp 9 của cô Võ Thị Bông - giáo viên Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cùng một số đồng nghiệp và học sinh đã mang lại những giá trị, kết quả tốt đẹp. Đây là tiết học dạy theo dự án liên môn Lịch sử và Địa lý và định hướng của giáo dục STEM.

Theo đó, học sinh được tự thiết kế mô hình biển, đảo Việt Nam từ vật liệu sẵn có như: Giấy, chai, xốp, bìa cứng, bút màu… Thông qua hoạt động này, học sinh được phát triển kỹ năng làm việc nhóm, rèn khả năng tư duy, tính toán… Ngoài kiến thức của môn Lịch sử và Địa lý, hoạt động đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức của môn Toán, Mỹ thuật… mới có thể xây dựng được mô hình đẹp và chân thật nhất.

“Với nội dung bảo vệ môi trường biển, chúng tôi tổ chức cho học sinh ra thực địa. Các em trực tiếp dọn rác khu vực bãi biển. Với phương pháp này, học sinh được trải nghiệm, tiếp thu kiến thức thực tiễn. Từ đó biết vận dụng vào cuộc sống qua hành động cụ thể để bảo vệ môi trường biển và nơi sinh sống”, cô Võ Thị Bông chia sẻ, đồng thời khẳng định, có thể ứng dụng STEM vào các bài học về giáo dục địa phương, môn Âm nhạc, Mỹ thuật (lĩnh vực nghệ thuật).

Hiện, nhiều người hiểu chưa đúng về giáo dục STEM. Chẳng hạn, có người cho rằng, giáo dục STEM tốn kém, chỉ dạy lập trình và lắp ráp robot. Các em có thể mất nền tảng giáo dục xã hội và nhân văn… Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, cô Võ Thị Bông cho rằng, STEM có nền tảng từ giáo dục khoa học nên các chủ đề đa dạng, từ sinh học, hóa học, vật lý, đến khoa học môi trường... Giáo dục STEM là cách tiếp cận thông qua giáo dục tích hợp và liên ngành. Từ đó, học sinh hình thành tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề... Đây cũng là tư duy cần thiết để các em học tốt; trong đó có các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Cũng theo cô Võ Thị Bông, các chủ đề STEM đa dạng, ít hoặc không tốn kém chi phí. Chẳng hạn, học về môi trường, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trồng cây ở nhà; sau đó quan sát sự phát triển của cây, hoặc tận dụng vật liệu có sẵn trong gia đình như hộp giấy, vỏ chai. Giáo viên cũng có thể tổ chức cho học sinh đi thực địa ngoài đồng ruộng để giới thiệu hướng dẫn các chất đất của địa phương; từ đó lựa chọn cây trồng phù hợp thổ nhưỡng.

Học sinh Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) với dự án giáo dục STEM “Lớp đất và các nhân tố hình thành đất”. Ảnh: NVCC

Học sinh Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) với dự án giáo dục STEM “Lớp đất và các nhân tố hình thành đất”. Ảnh: NVCC

Không cầu kỳ, phức tạp

Đôi khi, mọi người nghĩ dạy STEM là việc lớn lao, cần có phương tiện, cơ sở vật chất vì nó cầu kỳ, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu thực tế. Tuy nhiên, thầy, cô giáo có thể dạy STEM từ những phương tiện, nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí vật liệu tái sử dụng từ rác thải.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, tại Việt Nam, việc giảng dạy STEM cấp tiểu học được nhiều trường triển khai và mang lại hiệu quả. Với Chương trình GDPT 2018, STEM thể hiện rõ trong xu hướng giáo dục tích hợp. Đặc biệt, cấp tiểu học có thể ứng dụng dạy STEM ở môn Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5.

Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khẳng định, giáo dục STEM không “độc quyền” với các môn khoa học tự nhiên, công nghệ mà có thể ứng dụng vào nhiều bộ môn khác như: Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc, Giáo dục địa phương... Tùy theo điều kiện, giáo viên, nhà trường có thể vận dụng tổ chức giáo dục STEM phù hợp thực tiễn. “Giáo dục STEM là gắn lý thuyết với thực tiễn. Làm giáo dục cần áp dụng STEM thì hiệu quả mới thiết thực”, thầy Nguyễn Phúc Lộc trao đổi.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Dạy học, thực hành STEM đơn giản tại trường và tại nhà cấp tiểu học” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, TS Bùi Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, giáo dục STEM không cần quá cầu kỳ và phức tạp. Xuất phát từ những tình huống cụ thể trong cuộc sống, giáo viên có thể liên hệ với bài học, sau đó hướng dẫn học sinh thực hiện dự án; trong đó có sử dụng kiến thức liên môn và không thể thiếu một số môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.

“Chẳng hạn, chủ đề phòng tránh đuối nước. Đây là kỹ năng cần thiết với học sinh”, TS Bùi Thị Thanh Hương viện dẫn và phân tích, giải pháp giúp các em tự bảo vệ mình là: Chế tạo phao cứu sinh bằng vật liệu sẵn có như chai nhựa, túi nilon… Sau đó, các em tính toán, thiết kế để sử dụng những vật liệu đó thành đồ cứu hộ. Khi có thành phẩm, học sinh sẽ vận dụng kiến thức để thuyết trình về cấu tạo, tính ứng dụng mô hình. Giáo viên đánh giá, nhận xét và đưa ra góp ý.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học giáo dục, không chỉ thực hiện tại trường học, giáo viên có thể gợi ý, hướng dẫn phụ huynh thực hiện dự án ứng dụng STEM tại nhà với con em mình từ cấp tiểu học.

Khi thực hiện dự án ứng dụng STEM tại nhà, bố mẹ cùng con tổ chức tại phòng khách, bếp…, ThS Đinh Thu Hồng - chuyên gia giáo dục tại bang Georgia (Hoa Kỳ) gợi ý. Theo đó, bố mẹ cho con thực hiện mô hình làm tên lửa giấy. Thực hiện mô hình này nghĩa là đã hội tụ đầy đủ yếu tố: Science - Khoa học (về lực, chuyển động của tên lửa); Echnology - Công nghệ (video phóng tên lửa); Engineering (cắt, dán, gấp như thế nào); Art - Mỹ thuật (tô màu); Math - Toán (đo lường, hình khối).

Hay trong lúc nấu ăn, bố mẹ cho con trộn salad, tìm hiểu về hợp chất hỗn hợp, thành phần… qua đó, giúp trẻ hình dung về một sản phẩm cần có sự liên hệ kiến thức ở những lĩnh vực nào, ứng dụng ra sao.

Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Cho rằng, STEM theo truyền thống tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, có thể kết hợp các phương pháp STEM như: Phân tích dữ liệu hoặc ứng dụng công nghệ.

Ngoài ra, có thể tăng cường nghiên cứu khoa học xã hội (bao gồm cả nghệ thuật thì được gọi là STEAM). Đây là thuật ngữ viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học. Vì vậy, mặc dù không phù hợp trực tiếp nhưng vẫn có chỗ cho các phương pháp tiếp cận liên ngành. Cách tiếp cận này khuyến khích trải nghiệm học tập toàn diện, kết hợp tính sáng tạo và tư duy phản biện.

Giáo dục STEM bắt nguồn từ nước Mỹ, TS Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dẫn dắt câu chuyện khi cho rằng thuật ngữ này được sử dụng để đề cập đến chính sách phát triển về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học của mỗi quốc gia.

Trong ngữ cảnh giáo dục, đề cập tới STEM là nhấn mạnh đến sự quan tâm của nền giáo dục đối với các lĩnh vực này. Mặt khác, chú trọng dạy học theo tiếp cận tích hợp liên môn, gắn với thực tiễn; từ đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nói cách khác, đó là chú trọng giáo dục STEM trong các môn học ở lĩnh vực khác nhau.

“Có thể hiểu, STEM không độc quyền, mà là nhóm lĩnh vực mang tính tích hợp của các thành phần khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tính tích hợp không độc quyền, có thể tích hợp với lĩnh vực khác, trong đó có khoa học xã hội”, TS Nguyễn Tất Thắng trao đổi và gợi mở giải pháp, cần giáo dục thật tốt cho học sinh từng thành phần của STEM.

Tức là giúp học sinh học tốt các môn học Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Công nghệ. Cùng đó, tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh vận dụng kiến thức môn học kể trên để giải quyết vấn đề thực tiễn có liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học và khoa học xã hội.

Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, phải đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM ở phổ thông. Theo đó, cần giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh về các lĩnh vực STEM và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các em theo học.

Cần nghiên cứu kinh nghiệm và chuẩn mực quốc tế về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM. Qua đó, xây dựng chương trình đào tạo và đầu tư, phát triển công nghệ giáo dục STEM tại Việt Nam ở các cấp học. Đồng thời, cần có giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhanh chóng xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý, chuyên môn; thường xuyên cập nhật, bổ sung học liệu về giáo dục STEM…

Để giáo dục STEM đạt hiệu quả, thầy Nguyễn Phúc Lộc cho rằng, ngoài lựa chọn chủ đề, bài học phù hợp, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh, phụ huynh về giáo dục STEM. Sau đó, thảo luận lấy ý kiến từ nhiều lĩnh vực khác nhau và tiến hành thử nghiệm nhiều lần. Trên cơ sở đó, đánh giá kết quả để có thể áp dụng nhân rộng.

Tác giả bài viết: Hải Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập806
  • Hôm nay56,753
  • Tháng hiện tại334,883
  • Tổng lượt truy cập51,690,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944