Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, từ ngày 22/1, khu vực Hà Nội sẽ xuất hiện rét đậm, rét hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
Chị Phạm Thu Trang - phụ huynh có con học mầm non tại quận Hà Đông chia sẻ: "Do ông bà đều ở xa không thể gửi con nên gần như từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, vợ chồng tôi đều cho cháu đi lớp. Nếu những ngày tới trời rét các trường không nhận trẻ, tôi sẽ không biết gửi con cho ai trông, nếu đưa con đến cơ quan cùng cũng bất tiện".
Tương tự, chị Ngô Thị Bích đang có hai con học Tiểu học và mầm non tại huyện Hoài Đức cũng cho biết, do làm công việc tự do nên hai vợ chồng chị phải tự cắt cử nhau ở nhà trông con những ngày rét.
Trường Tiểu học Văn Khê được trang bị hệ thống mành rèm chắn gió ở hành lang các tầng. |
Cô Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Khê (quận Hà Đông) thông tin, trong sáng 22/1 toàn trường có hơn 40 em nghỉ học. Nhà trường không yêu cầu học sinh đến trường quá sớm. Những trường hợp vì lý do sức khỏe có thể xin nghỉ phép, thầy cô sẽ có kế hoạch học bù sau.
Nhà trường tổ chức sinh hoạt dưới cờ qua hệ thống loa thông phòng. Giờ ra chơi các em sẽ đi vệ sinh xong về lớp học chơi để tránh rét và trơn trượt. Nhà trường trang bị hệ thống mành rèm thông minh cản gió. Ngoài ra, hệ thống cửa sổ, cửa ra vào đầy đủ và hệ thống điều hòa hai chiều nên đảm bảo phòng học ấm.
Trẻ ngủ trưa với đầy đủ chăn ấm, chiếu và thảm trải sàn tại Trường Mầm non An Khánh B. |
Tại Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức), cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng trao đổi, nhà trường tuyên truyền với phụ huynh cách chống rét cho trẻ khi ra đường và giữ ấm cho trẻ.
Giáo viên thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ và tổ chức các hoạt động trong phòng học. Đồng thời, thường xuyên quan tâm phối hợp phụ huynh thực hiện chế độ ăn của trẻ. Thực đơn phù hợp theo mùa cân đối và đảm bảo số lượng, đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Các lớp đảm bảo đủ chăn ấm; trải thảm cho trẻ hoạt động trong ngày và tuyệt đối không để trẻ đi chân không trên sàn nhà. Mỗi lớp đều có nước ấm cho trẻ sử dụng để uống, rửa tay, lau mặt hàng ngày. Cửa lớp luôn đóng tránh gió lùa, không tổ chức cho trẻ hoạt động ngoài hành lang trong thời tiết mưa, gió lạnh.
Trẻ ăn trưa với đầy đủ dinh dưỡng và định lượng. |
"Đặc biệt, giáo viên cũng giáo dục trẻ cách chống rét khi ra đường và các hoạt động ngoài trời nhằm hình thành cho trẻ kỹ năng về chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Trong đó có đeo khẩu trang, găng tay; đội mũ ấm, quàng khăn; đi tất, mặc áo ấm", cô Bùi Thị Vân nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn các nhà trường trực thuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống rét cho học sinh. Trường học thông báo cho phụ huynh chủ động cho con nghỉ học nếu thời tiết dưới 10 độ C đối với cấp mầm non, tiểu học.
"Trường hợp một số gia đình không có điều kiện trông con nên dù dưới 10 độ C, các trường học luôn mở cửa đón học sinh tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đi làm. Sau đó, tùy số lượng học sinh nghỉ học nhiều hay ít để có kế hoạch dạy bù kiến thức cho các em. Những em vì lý do thời tiết đi học muộn trong những ngày này, trường học đều linh hoạt đón vào lớp", bà Hằng trao đổi.
Trẻ mầm non đến lớp trong ngày giá rét không nhất thiết phải mặc đồng phục. |
Cũng theo bà Lệ Hằng, trường học các cấp sẽ chủ động quyết định thời gian vào học, thời gian tan trường. Tuy nhiên, tại địa bàn quận Hà Đông, đa số trường THCS đang vào lớp trong khoảng thời gian từ 7h15 - 7h30 phút; cấp Tiểu học từ 7h45 - 8 giờ và cấp Mầm non đón trẻ từ 7 giờ đến 8h30 phút.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội trong những ngày trời rét đậm, rét hại được phát tại bản tin dự báo thời tiết vào 6h sáng hàng ngày. Học sinh Mầm non, Tiểu học nghỉ học nếu trời rét dưới 10 độ C; học sinh THCS nghỉ học khi trời rét dưới 7 độ C.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc