Ngày 12/7, tại Vĩnh Phúc, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên dạy học lồng ghép nội dung Giáo dục quốc phòng và An ninh (GDQPAN) trong trường tiểu học, THCS năm 2024.
Đối tượng tham gia tập huấn đợt này gồm 219 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, THCS đại diện cho 31 sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Tại buổi tập huấn, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh về nội dung Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới của Bộ Chính trị (khoá X).
Theo đó, “Giáo dục Quốc phòng, An ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, việc phổ cập và tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, phải được chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, kết hợp giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung có trọng điểm, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, lịch sử, truyền thống dân tộc, lòng tự tôn dân tộc, ý thức sống và làm việc theo pháp luật, trong đó xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân".
Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh nhận định, trong những năm qua công tác GDQPAN cho học sinh tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước đã dần đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Học sinh, sinh viên đã được trang bị tốt về tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, có những kỹ năng quân sự cần thiết, có ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kết quả đó đã thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ GDQPAN. Đặc biệt là vai trò quyết định và trực tiếp của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 08/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung GDQPAN trong trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Việc lồng ghép nội dung GDQPAN được thực hiện thông qua các môn học, hoạt động giáo dục. Qua đó, góp phần bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc về lực lượng vũ trang nhân dân và ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
“Tại đợt tập huấn lần này, đề nghị các báo cáo viên phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, báo cáo tốt các nội dung theo chuyên đề được phân công. Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia lớp tập huấn chấp hành nghiêm các quy định của Ban Tổ chức; lĩnh hội đầy đủ các nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh mà báo cáo viên truyền tải; sau khi về đơn vị, tổ chức tập huấn lại cho các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên của đơn vị mình”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh lưu ý tại hội nghị.
Tại buổi tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên đến từ 31 cơ sở giáo dục đã dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm, đặc thù địa phương trong việc thực hiện lồng ghép nội dung GDQPAN của từng môn học và nhà trường.
Giáo viên đến từ tỉnh Hà Giang cho biết: Việc lồng ghép nội dung GDQPAN đã được thực hiện không chỉ ở cấp tiểu học, THCS mà còn được thực hiện ở cấp Mầm non.
Nội dung lồng ghép được thể hiện qua những câu hỏi, bức tranh về chủ đề quê hương, đất nước, biển đảo… từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc của học sinh. Ở vùng sâu vùng xa, những nội dung lồng ghép còn có thêm nội dung về bảo vệ biên giới…
“Qua buổi tập huấn, chúng tôi thấy được tầm quan trọng của việc dạy lồng ghép GDQPAN, hiểu hơn về vai trò của giáo viên trong hoạt động này. Từ đó, có thêm kiến thức, phương pháp để triển khai phù hợp với từng môn học, lớp học và cơ sở vật chất của nhà trường cũng như địa phương mình công tác”, học viên chia sẻ tại lớp tập huấn.
Tác giả bài viết: Long Anh - Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc