Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Vụ trưởng các vụ thuộc Bộ GD&ĐT; ông Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đại diện Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cùng các đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khái quát quá trình xây dựng, phát triển của Đại học Thái Nguyên với nhiều điểm nổi bật như: Đại học Thái Nguyên hiện có trên 900 giảng viên trình độ tiến sĩ (trong đó có 8 giáo sư, 154 phó giáo sư).
Quy mô đào tạo của Đại học khoảng trên 70.000 người/năm.
Đại học Thái Nguyên đang tổ chức đào tạo hơn 350 ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học, các ngành đào tạo bao trùm hầu hết các lĩnh vực.
Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Thái Nguyên tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở gắn với mô hình quản trị đại học tiên tiến để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2035, Đại học Thái Nguyên nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, đảm bảo được hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển, việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cùng hạ tầng đồng bộ cho Đại học Thái Nguyên là nhu cầu hết sức cần thiết, cấp bách.
Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tăng cường quỹ đất cho Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên để phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết và mang tính then chốt.
Đại học Thái Nguyên được phê duyệt quy hoạch trên diện tích là 436,5ha, các trường, đơn vị được xây dựng với hệ thống giảng đường, phòng làm việc, khu thực nghiệm, thư viện, ký túc xá... đủ điều kiện để đào tạo có chất lượng. Cơ sở vật chất và tài chính của Đại học là nguồn lực chung, được khai thác, sử dụng có kết quả để phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.
Kể từ khi thành lập, Đại học Thái Nguyên được thực hiện 2 dự án giải phóng mặt bằng: Dự án Quy hoạch tổng thể và đầu tư bước I Đại học Thái Nguyên theo Quyết định số 600/TTg ngày 1/8/1997 của Thủ tướng phê duyệt và dự án Bồi thường, hỗ trợ tái định cư để xây dựng Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2007 - 2010 theo Quyết định số 5939/QĐ-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, dự án bồi thường giải phóng (GPMB) mặt bằng xây dựng Đại học Thái Nguyên giai đoạn 1 và 2 liên tục gặp khó khăn như: Nguồn vốn cấp dàn trải trong thời gian dài dẫn đến dự án không được giải quyết triệt để và đồng bộ. Việc không có nguồn kinh phí kịp thời để chi trả khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB đã dẫn đến công tác GPMB của dự án rất phức tạp.
Một số đơn vị thành viên mới thành lập, nguồn thu chưa ổn định nên việc bố trí vốn đối ứng còn khó khăn. Trong thời gian đang diễn ra công tác GPMB có sự thay đổi về số lượng nhân khẩu dẫn đến việc tách hộ, tình trạng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vẫn diễn ra thường xuyên, phức tạp, nhu cầu về chỗ ở và sinh hoạt, tiêu dùng của người dân trong khu vực GPMB ngày càng tăng…
Tại buổi làm việc, Đại học Thái Nguyên đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng hạ tầng cần thiết làm cơ sở trình Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên bố trí vốn cho Dự án Đại học Thái Nguyên để tập trung đầu tư thực hiện Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu theo kế hoạch.
Đại học Thái Nguyên cũng mong muốn tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo xây dựng quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết cho Đại học Thái Nguyên cũng như các trường thành viên, hỗ trợ tái định cư cho các hộ còn vướng mắc và các hộ mới phát sinh khi thực hiện dự án để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân, cũng như có những giải pháp tối ưu để hỗ trợ, lập phương án bồi thường, để kịp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp để hỗ trợ Đại học Thái Nguyên trong công tác GPMB, hỗ trợ bố trí tái định cư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh - Việt Hùng cảm ơn Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT cũng như Đại học Thái Nguyên đã có những trao đổi thẳng thắn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu TP Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, dành quỹ đất sạch để hỗ trợ Bộ GD&ĐT cũng như Đại học Thái Nguyên trong công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xin ý kiến của Thủ tướng về nội dung này.
"Tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn luôn đồng hành, hỗ trợ Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên", ông Trịnh Việt Hùng nói.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và cho biết, thẩm quyền Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến của Thủ tướng, cũng như chỉ đạo Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên thành lập tổ công tác, bộ phận chuyên môn để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, triển khai dự án đúng theo quy hoạch.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn tỉnh Thái Nguyên và các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục có sự đồng hành, hỗ trợ Đại học Thái Nguyên nói riêng và Bộ GD&ĐT nói chung để triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Ý kiến bạn đọc