Rảo bước đến điểm trường
Vì cuộc sống khó khăn, nhiều đồng bào DTTS ở xã Quang Trung, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn từ nhỏ đã không được đi học hoặc học hành dở dang. Sau khi xây dựng gia đình họ lại cuốn vào cuộc sống mưu sinh, nên nhiều người không biết chữ. Điều này đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế trong giao tiếp, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.
Trước thực trạng đó, năm 2024 thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp, Trung tâm học tập cộng đồng xã đã tuyên truyền vận động người dân độ tuổi từ 15-60 tuổi chưa biết chữ ra học. Từ ngày 18/3/2024 đã vận động và mở được 1 lớp Giai đoạn 1 tại trung tâm xã với 30 học viên ra học. Từ ngày 08/4/2024 mở được 2 lớp Giai đoạn 2 với 60 học viên tham gia học tập.
Lớp học được các giáo viên trường trường PTDTBT Tiểu học Quang Trung thay nhau đứng lớp. Học viên của lớp là những đồng bào DTTS tham gia học từ 19 - 21 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Thầy giáo Vy Văn Giáp, Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Quang Trung - Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quang Trung cho biết: Quang Trung là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, cách trung tâm huyện 20km, trình độ dân trí còn rất thấp so với mặt bằng chung của huyện.
Nhằm nâng cao chất lượng xóa mù chữ, nhà trường đã lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng dân tộc, nhiệt tình tham gia giảng dạy. Nhờ đó, những học viên lớn tuổi mỗi khi đến trường không còn mặc cảm, tự ti. Tính đến thời điểm hiện tại các lớp vẫn duy trì sĩ số 100%, không có học viên nghỉ hoặc bỏ học.
Cũng theo thầy Vy Văn Giáp, đa số học viên của lớp học đều là lao động chính trong các gia đình, ban ngày phải đi lao động sản xuất. Do vậy, Ban tổ chức lớp học đã bố trí thời gian học từ 19 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Mục tiêu là dạy cho bà con biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hóa và giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Cô giáo Hà Thị Đàm, giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ tại thôn Nà Tèo, xã Quang Trung, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Phương pháp giảng dạy với lớp xóa mù chữ giống phương pháp dạy lớp 1. Tuy nhiên cái khó là các học viên đều đã lớn tuổi cho nên việc tiếp thu không nhanh bằng lớp trẻ. Do đó mình cần có phương pháp truyền đạt linh hoạt để học viên tiếp thu tốt”.
Để lớp học đạt hiệu quả cao, các cô giáo đã nghiên cứu tài liệu phù hợp với học viên và tìm ra phương pháp truyền đạt đơn giản nhất, giải nghĩa từng từ và đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Góp phần nâng cao dân trí xoá nghèo bền vững
Đều đặn chiều tối các ngày trong tuần, lớp học đặc biệt ở thôn Nà Tèo, Mò Mè, Pác Giắm được duy trì. Mặc dù có nhiều mối lo toan trong cuộc sống, nhưng mỗi học viên khi đến lớp đều quyết tâm học chữ để cuộc sống dễ chịu hơn.
Chị Hoàng Thị En, sinh năm 1976, dân tộc Nùng, có địa chỉ tại xóm Nà Cao, thôn Nà Tèo, xã Quang Trung, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Gia đình chị En thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn thế nhưng khi được vận động tham gia lớp học xoá mù chữ, chị En đã gạt bỏ những mặc cảm về tuổi tác và tích cực tham gia lớp học này.
Chị Hoàng Thị En tâm sự: “Khi biết chữ, biết tính toán tôi có thể mang củi, bó rau, củ măng ra chợ bán, tự tính toán để cuộc sống đỡ vất vả hơn, các thầy cô cũng chỉ dạy tận tình vì thế giúp tôi có thêm động lực để tới lớp.
Tương tự như chị En, anh Lộc Văn Lân, sinh năm 1985, người dân tộc Nùng, xóm Nà Cao, thôn Nà Tèo, xã Quang Trung cũng là học viên tích cực của lớp xoá mù chữ.
Anh Lân chia sẻ: không biết chữ rất thiệt thòi, đặc biệt là khi lao động sản xuất, mình không biết đọc tên các loại cây giống, phân bón… Đi học rồi tôi sẽ khắc phục được cái khó của mình để tiếp tục lao động tăng thu nhập cho gia đình.
Thầy Vy Văn Giáp khẳng định: Các học viên tham gia lớp xoá mù chữ rất có ý thức trong học tập, đi học đầy đủ, đến nay sau 3 – 4 tháng mở lớp xóa mù chữ, nhiều học viên đã biết ghép vần, ghép chữ và làm toán rất nhanh.
Như vậy, việc mở lớp xóa mù bước đầu đã mở ra cơ hội cho đồng bào DTTS nơi đây, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xóa nghèo bền vững; đồng thời tạo thuận lợi trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao.
Ý kiến bạn đọc