Chương trình GDPT mới ở Điện Biên: Tất cả đều phải “đổi mới” để phù hợp

Thứ sáu - 17/09/2021 22:48 293 0
GD&TĐ - Nhiều người cho rằng, để thực hiện chương trình GDPT mới hiệu quả đòi hỏi liên tục phải có sự đổi mới, sáng tạo. Các trường vùng cao, biên giới ở Điện Biên cũng đang nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ này.
Chương trình GDPT mới ở Điện Biên: Tất cả đều phải “đổi mới” để phù hợp

Nhà giáo là nòng cốt…

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) có hơn 535 học sinh theo học. Trong đó, có 241 học sinh lớp 1, 2. Thanh Hưng là xã biên giới còn nhiều khó khăn với phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nhận thức của học sinh nơi đây còn nhiều hạn chế. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nhà trường xác định giáo viên là đội ngũ nòng cốt trong tiến trình đổi mới. Ý thức được khó khăn thực tiễn, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo từ nhiều năm trước.

“Chúng tôi luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên để có thể theo kịp được chương trình. Trên cơ sở đó, ưu tiên lựa chọn đội ngũ giáo viên đã có “thương hiệu”, nghĩa là họ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy. Họ tâm huyết với nghề, có chuyên môn tốt. Những người này được tham gia các lớp bồi dưỡng rồi trở về phổ biến để đồng nghiệp áp dụng”, thầy giáo Trần Văn Xuyên chia sẻ.

Chương trình GDPT mới ở Điện Biên: Tất cả đều phải “đổi mới” để phù hợp - Ảnh minh hoạ 2
Thầy Trần Văn Xuyên kiểm tra tình hình học tập của học sinh (Ảnh tư liệu)

Hai năm nay, các thầy cô được tham gia bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT). Thầy cô giáo tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán. Đến nay, các thầy cô đã hoàn thành các nội dung của 3 mô đun bồi dưỡng như Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Theo thầy Xuyên, đi đôi với nỗ lực của giáo viên thì BGH cũng phải tự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, điều hành.

“Tôi cho rằng để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới thì giáo viên phải tự tin làm chủ phương pháp dạy học. Muốn vậy, mỗi giáo viên đều phải thay đổi bản thân, thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa cho biết.

Thay đổi để theo kịp…

Chương trình GDPT mới ở Điện Biên: Tất cả đều phải “đổi mới” để phù hợp - Ảnh minh hoạ 3
Cô Lò Mai Hương giảng bài

Buổi học môn Tiếng Việt theo Chương trình GDPT mới của học sinh lớp 2A2 Trường Tiểu học Thanh Hưng diễn ra trong không khí sôi nổi. Cô giáo Lò Mai Hương đang hướng dẫn học sinh tập đọc và luyện đọc từ khó trong bài “Niềm vui của Bi và Bống”. Tiếng bi bô ngọng nghịu của những đứa trẻ vùng biên vang lên đều đều.

Đọc xong bài, dù kiến thức mới song dưới sự hướng dẫn, gợi ý của cô, các em đã mạnh dạn tương tác về nội dung, nhân vật, sự việc trong bài rồi liên hệ bản thân. Cô Hương giữ vai trò hướng dẫn, khích lệ học sinh tham gia vào hoạt động học tập này.

“Có những thứ như cầu vồng, rồi hũ vàng, mơ ước… học sinh ở đây em thì biết, có em thì không. Vì thế, tôi lại phải liên hệ đến những thứ gần nhất với cuộc sống xung quanh để các em dễ hình dung và liên hệ. Từ đó, hướng các em đến việc biết tạo niềm vui cho mình, tạo niềm vui cho người xung quanh…”, cô Hương chia sẻ.

Chương trình GDPT mới ở Điện Biên: Tất cả đều phải “đổi mới” để phù hợp - Ảnh minh hoạ 4
Một buổi học của học sinh trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Cô Hương cho biết, sau khi được bồi dưỡng mô đun 2 về “Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, cô đã áp dụng và tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu mới.

“Quả thực trước kia chúng tôi khá mơ hồ về dạy học phát triển phẩm chất năng lực. Sau thời gian bồi dưỡng, tự nghiên cứu thì giờ đây tôi đã tự tin và làm chủ được việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học vào từng nội dung giảng dạy. Giai đoạn đầu tuy còn bỡ ngỡ, song với phương pháp mới này, tôi tin là học sinh của mình sẽ tiến bộ. Các em sẽ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, trao đổi nội dung bài học” - cô Hương nói.

Các tiết học của cô giờ đây chủ yếu được tổ chức thành các hoạt động giáo dục để học sinh được nói, được làm, được thực hành nhiều hơn. Từ đó, học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tiễn.

“Vào đầu mỗi tiết học, tôi đều tổ chức các hoạt động tập thể như cho các em hát, chơi trò chơi… Mục đích là tạo hứng khởi để học bài được hiệu quả. Với những em rụt rè, nhút nhát, tôi thường xuyên quan tâm và hướng các em vào bài học nhiều hơn. Khi những em này trả lời chưa đúng, sẽ gọi bạn khác bổ sung. Sau đó, tôi sẽ giúp các em hoàn thiện câu trả lời nếu chưa đầy đủ, chính xác. Qua mỗi lần như vậy, tôi lựa lời phân tích, giảng giải để các em hiểu rõ hơn. Tất cả đều được động viên chứ không phê bình gì cả. Vì thế, học sinh rất hăng hái tham gia phát biểu xây dựng bài”, cô Hương kể.

Chương trình GDPT mới ở Điện Biên: Tất cả đều phải “đổi mới” để phù hợp - Ảnh minh hoạ 5
Học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Mường Ảng tự tin trả lời bài

 

Thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến - Hiệu trưởng trường PTDTBT.THCS Pá Mỳ, (xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé) cho rằng: Với giáo viên, quan trọng là việc thay đổi nhận thức. Mỗi giáo viên phải nắm vững được nguyên tắc, định hướng chung về việc dạy học. Thầy cô tự phải thay đổi, đó là chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Giáo viên cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh.

“Ví dụ như ở địa bàn biên giới như chúng tôi, học sinh có bao giờ biết đến chiếc máy bay nó như thế nào đâu. Vậy nên, khi bài giảng có liên quan thì giáo viên phải vận dụng bằng cách khai thác các hình ảnh qua hệ thống internet hoặc mô hình trực quan thì các em mới hiểu được”, thầy Tuyến chia sẻ.

“Giai đoạn ban đầu ở trường tôi vẫn còn một số giáo viên bỡ ngỡ khi giảng dạy chương trình mới dù đã được tập huấn rồi. Điều này xuất phát từ tư duy ngại thay đổi. Bởi thế, chúng tôi đã sớm có những chỉ đạo kịp thời. Thầy cô không chịu thay đổi thì làm sao có thể theo kịp được chương trình như hiện nay được”, thầy Tuyến nói thêm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập819
  • Hôm nay49,188
  • Tháng hiện tại327,318
  • Tổng lượt truy cập51,683,277
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944