Chuyên gia chia sẻ giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến ở thanh thiếu niên

Thứ năm - 28/04/2022 05:52 936 0
GD&TĐ - Muốn thanh thiếu niên nuôi dưỡng, phát huy khát vọng cống hiến, cần tìm kiếm, áp dụng giải pháp phù hợp với bản thân họ và tương thích với đòi hỏi, mong đợi của xã hội.
Chuyên gia chia sẻ giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến ở thanh thiếu niên

Giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên trong bối cảnh hiện nay được GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Giáo dục lòng yêu nước, ý thức và niềm tự hào dân tộc

Giáo dục lòng yêu nước, ý thức và niềm tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết, truyền thống đạo đức, văn hoá Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc là giải pháp đầu tiên, cơ bản và lâu dài được GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Giải pháp này nhằm làm cho thanh thiếu niên hiểu biết sâu sắc cội nguồn, biết quý trọng truyền thống, hiểu quá khứ lịch sử; từ đó hình thành tình cảm yêu nước, thương người, biết ơn công lao của các bậc tiền bối, tự giác ngộ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, có thái độ và hành động đúng đắn trong cuộc sống, chuẩn bị vào đời lập thân, lập nghiệp sao cho xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất của lịch sử Việt Nam, giá trị Việt Nam và bản lĩnh Việt Nam.

Giáo dục lòng yêu nước phải bắt đầu từ tuổi còn nhỏ, qua những trang sử, những truyền thuyết và huyền thoại, qua những sự kiện và nhân vật, những biến cố trong thời gian, không gian lịch sử đậm chất sử thi, anh hùng, bi tráng.

“Tri thức đo lường hiểu biết. Tình cảm làm nên tâm hồn và đạo đức. Niềm tin và đức tin dẫn dắt sự lựa chọn giá trị, lý tưởng sống. Hành động là thước đo sự biểu hiện giá trị, độ trưởng thành nhân cách của mỗi người”. Chia sẻ điều này, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, phải làm cho mỗi đứa trẻ biết xúc động, biết quan tâm, biết bày tỏ lòng biết ơn trước những gì làm nên quê hương, lịch sử, tình nghĩa con người. Giáo dục và thực hành “sự tử tế”, bắt đầu từ những năm tháng đầu đời là sự chuẩn bị căn bản nhất của con người. Đó là điều thiện lớn nhất, có sức mạnh đề kháng cái ác, cái xấu, cái phi nhân tính.

Trong giáo dục, phải thấy hết giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của môn Lịch sử, phải coi đó là nền tảng của giáo dục đạo đức, bổn phận, nghĩa vụ trách nhiệm chính trị và xã hội cho mỗi học sinh để lớn lên họ có lương tâm và biết trọng danh dự, phẩm giá, không biến dạng lệch lạc thành kẻ vô ơn, sự vô cảm trong tâm hồn.

Bác Hồ đặc biệt chú trọng giáo dục lịch sử. Người nhấn mạnh, phải coi trọng các môn học về tinh thần (những môn Khoa học nhân văn, Văn học, Lịch sử, Đạo đức, Giáo dục công dân,…).

Muốn có ý thức, khát vọng cống hiến, theo GS Hoàng Chí Bảo, phải biết đầu tư tình cảm đạo đức, từ thái độ trách nhiệm và nỗ lực vươn tới sáng tạo và có tài năng. Phải thực hiện hoạt động giáo dục này cả trong, ngoài nhà trường, tiếp nối liên tục bằng giáo dục của xã hội, trong môi trường xã hội lành mạnh, môi trường đạo đức và văn hoá.

Phải tìm tòi để đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục sao cho có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục nhất đối với thanh thiếu niên. Các tài năng, bản lĩnh sư phạm của nhà giáo phải có sức “truyền lửa”, “truyền cảm hứng”, “chạm” vào trái tim, tâm hồn trẻ thơ, “đánh thức” tiềm năng thông minh, sáng tạo trong trí tuệ của các em, dẫn dắt các em biết tự mình nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước.

Bồi dưỡng lý tưởng Cách mạng từ lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, dân tộc

Giải pháp tiếp theo được GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ là bồi dưỡng lý tưởng, giác ngộ lý tưởng Cách mạng từ lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, từ đó giáo dục lẽ sống, lựa chọn giá trị sống. Đó vừa là chính trị, vừa là khoa học và đạo đức.

Tổng hợp các tác động đó, tạo thành văn hoá, từng bước hình thành động cơ, mục đích sống, rèn luyện ý chí và thử thách bằng hành động, lòng trung thành, dũng cảm, hy sinh cũng như nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách từ sức mạnh của lý tưởng và thôi thúc khát vọng cống hiến, biến thành hành động cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân.

“Giải pháp này đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với thanh niên, của tổ chức Đoàn và Hội, qua hoạt động trải nghiệm phong phú và đa dạng trong thực tiễn phong trào thanh niên” - GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh và cho rằng, giáo dục lý tưởng, bồi tưỡng tình cảm cách mạng cho thanh niên để thúc đẩy khát vọng cống hiến của thanh niên đòi hỏi sự quan tâm, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong xã hội, sự quan tâm đầy trách nhiệm của các nhà giáo dục, của Đảng, của Đoàn.

Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải coi đây là trọng trách lịch sử của mình. Phải đặc biệt chú trọng phương pháp giáo dục, tận dụng tối đa các hình thức văn hoá, nghệ thuật có sức biểu cảm mạnh mẽ để bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của thanh thiếu niên.

Chuyên gia chia sẻ giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến ở thanh thiếu niên - Ảnh minh hoạ 2
Ảnh minh họa/ITN

Lan tỏa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Giải pháp thứ 3, theo GS Hoàng Chí Bảo là tạo ra sức ảnh hưởng to lớn, lan toả rộng rãi và hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, bền bỉ trong thanh niên “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nỗ lực của Đảng là đặt vấn đề học tập và làm theo Bác thành một nhu cầu văn hoá ở mỗi người, mỗi tổ chức, hướng vào việc tự rèn luyện, tự phát triển, tự giác tự nguyện. Nỗ lực của ngành Tuyên giáo là tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp sao cho tạo ra chất lượng, hiệu quả thực chất, tác dụng thiết thực, thân thuộc, từ nâng cao hiểu biết và bồi dưỡng tình cảm mà tạo ra động lực mạnh mẽ trong hành động.

Nỗ lực của ngành Giáo dục là đưa nội dung học tập, làm theo Bác vào giảng dạy chính khoá ở các nhà trường, các cấp học, các ngành học, từ mầm non cho tới tiểu học, trung học. Ở bậc đại học đã giảng dạy môn khoa học“Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ở bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) đào tạo các trí thức khoa học, các chuyên gia về Khoa học Hồ Chí Minh (“Hồ Chí Minh học”).

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phải coi đây là giải pháp chiến lược để xây dựng tổ chức, phát triển phong trào, động lực thúc đẩy của Đoàn - Hội - Đội thực hiện khát vọng cống hiến của tuổi trẻ cả nước.

Cần tận dụng triệt để những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ trong giáo dục thiếu niên, nhi đồng, với “Năm điều khuyên” (1946) và “Năm điều dạy” (1961) và ý nghĩa của việc Bác bổ sung 5 điều này vào dịp Bác viết và sửa di chúc (1965 - 1969) làm cho tất cả các nhà trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học với đội ngũ giáo viên thấm nhuần sâu sắc để thực hành tốt nhất những chỉ dẫn của Bác.

Với thanh niên, đó là những danh ngôn mà Bác dành cho tuổi trẻ, mỗi cán bộ đoàn viên, thanh niên cần phải thấu hiểu, coi đó là cẩm nang, là những chỉ dẫn hành động, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống, để thực hiện khát vọng cống hiến.

Đặc biệt, để hướng vào khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, cần giáo dục, tuyên truyền, tuổi trẻ cả nước để noi theo, làm theo ý chí, nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh, hoài bão, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người, bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân, chỉ có một điều ham: ham học - ham làm - ham tiến bộ, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân.

Phải sớm đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ báo cáo viên trẻ tuổi, có đức, có tài, có sức truyền bá tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh vào đông đảo thế hệ trẻ nước ta.

Có chính sách nhằm thúc đẩy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ

GS Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, cần khuyến khích, cổ vũ các tài năng trẻ; duy trì, nuôi dưỡng phong trào tuổi trẻ sáng tạo. Phải phát hiện kịp thời các nhân tài trẻ ở trong mọi lĩnh vực, nhất là trong khoa học và nghệ thuật; coi đó là tài nguyên phát triển đất nước. Tạo môi trường và dư luận xã hội để làm cho nhân tài trẻ xuất hiện và có đất dụng võ, giúp họ thực hiện khát vọng cống hiến. Đây cũng là giải pháp phát triển, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng ta đã đề ra.

Có chính sách nhằm thúc đẩy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, tạo cơ hội và điều kiện cho thế hệ trẻ thực hiện khát vọng cống hiến.

Cuối cùng, theo GS Hoàng Chí Bảo, phải đề cao và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, của cán bộ Đoàn, của người lớn, của những người có ảnh hưởng tới thế hệ trẻ (các trí thức chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà quản lý,…). Thực hiện lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị và ý nghĩa hơn hàng trăm bản diễn văn, tuyên truyền”. Đó là những tấm gương văn hoá, nhân cách. Văn hóa có sức hấp dẫn lớn, thúc đẩy tuổi trẻ nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng cống hiến.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Thế Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,022
  • Hôm nay32,822
  • Tháng hiện tại310,952
  • Tổng lượt truy cập51,666,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944