Tha thiết với nghề
Những ngày còn cắp sách đến trường, hình ảnh các thầy, cô cao cả và gần gũi, luôn tận tụy với học sinh đã in đậm vào tâm trí, khiến cho cô học trò nhỏ Trần Thị Thùy nuôi ước mơ sau này được trở thành cô giáo. “Ngay từ thời còn đi học, tôi đã mơ ước được đứng trên bục giảng trong tà áo dài thướt tha để truyền đạt kiến thức tới các em học sinh”, cô giáo Thùy vui vẻ mở đầu câu chuyện về nghề “gõ đầu trẻ” của mình.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cô giáo trẻ Trần Thị Thùy về công tác tại Trường Tiểu học Long Thạnh Mỹ (Quận 9), kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội. “Mang bầu nhiệt huyết ‘Yêu nghề - mến trẻ’, tôi say sưa với những bài giảng của mình, tham gia mọi công tác không hề mệt mỏi: Vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa làm Tổng phụ trách Đội,… trong lúc mới ra trường còn nhiều khó khăn trong cuộc sống” - cô Thùy nhớ lại.
Khó khăn đó là nhà cách trường đến 7km, chồng là bộ đội thường xuyên xa nhà, con lại còn nhỏ. Tuy nhiên, với lý tưởng “trồng người”, cô khắc phục những trở ngại, vẫn bám lớp để đến với những học trò của mình. Năm 2007, cô chuyển về Trường TH Đinh Tiên Hoàng, sau 6 năm gắn bó với Trường TH Long Thạnh Mỹ.
Được chuyển về dạy gần nhà chưa được bao lâu, bất hạnh ập đến với cô. Đứa con thứ hai ra đời chẳng may bị bại não bẩm sinh, cô phải thường xuyên ở bệnh viện cùng con. Rồi cô buộc phải nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc con. Dù nghỉ việc, nhưng hình ảnh học trò và các trang giáo án vẫn luôn trong tâm trí cô. Được sự động viên của đồng nghiệp, cô lấy lại tinh thần, vượt qua rào cản tâm lý và trở lại bục giảng cho đến nay.
Nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả
Trải qua 17 năm dạy học, cô giáo Thùy đã để lại trong đồng nghiệp, học sinh hình ảnh một nhà giáo tận tâm với trò, trách nhiệm với nghề. Ngay từ đầu năm học, cô chủ động gặp giáo viên dạy các em năm trước và phụ huynh nhằm tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách và đặc điểm học sinh để có hướng giáo dục phù hợp. Trong giảng dạy, cô luôn có những sáng kiến mang lại hiệu quả cao, khiến học trò ngày càng tự tin, tiến bộ trong học tập, sinh hoạt ngoại khóa. Đặc biệt là sáng kiến về “Một số biện pháp xây dựng lớp học thân thiện, tích cực” hiện đang được cô áp dụng tại trường.
Chia sẻ về sáng kiến của mình, cô Thùy nói: “Giáo viên là người trực tiếp quản lí, giáo dục học sinh nên việc hình thành mối quan hệ thân thiện với các em là hết sức cần thiết vì giáo viên có gần gũi, thể hiện sự yêu thương chăm sóc thì học sinh mới thật sự an tâm, cởi mở và chia sẻ những suy nghĩ, vướng mắc hằng ngày trong học tập và sinh hoạt.
Lời nói, cử chỉ và ánh mắt thân thiện là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của thầy cô đối với học sinh. Do đó, giáo viên phải có giọng nói rõ ràng, sử dụng âm điệu phù hợp, lời nói phải chứa đựng sự cảm thông khi học sinh mắc lỗi, phải nhiệt tình khi khen ngợi học sinh có hành động tốt, tránh chê bai, trách móc học sinh. Giáo viên nên gần gũi, khuyến khích động viên và giúp đỡ học sinh, tạo cơ hội cho các em phát biểu ý kiến, có như vậy học sinh mới tin tưởng, mạnh dạn trao đổi với giáo viên”.
Qua vận dụng sáng kiến của cô ở lớp, đa số học sinh đều có ý thức trong học tập và sinh hoạt, tích cực, chủ động hơn trong việc tiếp nhận tri thức, biết tự phân công, kiểm tra, nhắc nhở nhau hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Học sinh mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp, biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ.
Trong 2 năm học vừa qua, học sinh lớp cô đạt thành tích cao trong học tập và tham gia tích cực nhiều phong trào của nhà trường. Qua đó, cô cũng đạt nhiều thành tích như: Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận (năm học 2015 -2016; 2017- 2018); Danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2016; Danh hiệu Trái tim người thầy,…