“Cô giáo xóa mù” ở bản Xà Thề Phìn

Thứ tư - 11/11/2020 19:51 334 0
GD&TĐ - Học xong chương trình THCS, Nguyễn Thị Huệ tình nguyện viết đơn xin đi dạy xóa mù. Do ít người nên học sinh tuổi nào cô cũng nhận. Cô còn vận động phụ huynh học sinh, những người chưa biết chữ tham gia học cùng.
“Cô giáo xóa mù” ở bản Xà Thề Phìn

Hiện cô Huệ là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học (Tiểu học) Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên). Người giáo viên thầm lặng ấy đã cống hiến 20 năm tuổi trẻ để bám bản, bám trường, gieo chữ trên mảnh đất miền biên viễn xa xôi này. 

Xin làm cô giáo ở tuổi “trăng rằm”

Là người con của vùng đất Điện Biên, cô gái trẻ Nguyễn Thị Huệ sau khi học xong chương trình THCS đã tình nguyện viết đơn xin đi dạy xóa mù ở xã Phìn Hồ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ được phân công về bản Xà Thề Phìn. Chặng đường gieo con chữ đến từng em nhỏ miền rẻo cao bắt đầu từ đó.

Nhớ lại những ngày gian khó, cô giáo Nguyễn Thị Huệ cho hay, ngày đầu khi mới lên đây, mỗi điểm trường chỉ có 1 lớp ghép do một thầy hoặc một cô giáo phụ trách. Lớp học chỉ là những nhà tạm được làm từ tre, nứa, mái gianh không điện, không đường, không nước sinh hoạt. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày đa phần phải dựa vào người dân bản xứ. Muốn ra đến trung tâm xã cũng phải đi bộ trèo đèo, lội suối mất nửa ngày.

Ðể lớp có trò, cô giáo trẻ phải đến từng nhà, vận động phụ huynh học sinh đưa con em mình đến lớp. Lớp học còn vắng bóng học sinh nên các em ở tuổi nào cô cũng nhận. Thậm chí cô Huệ còn vận động phụ huynh học sinh, những người chưa biết chữ tham gia học tập cùng con em mình. Một lớp học nhỏ nhưng có tới 10 - 15 học sinh là công sức của nhiều ngày tháng cô Huệ đến từng nhà vận động các em nhỏ và phụ huynh chưa biết chữ phổ thông đến học.

Liên tục trong 2 năm đầu tiên, cô Huệ vừa dạy chữ cho các em học sinh, vừa xóa mù cho bố mẹ các em, giúp hàng chục người dân ở bản Xà Thề Phìn biết đọc, biết viết.

Năm 2000, khi chương trình dạy xóa mù kết thúc, với lòng khát khao đưa con chữ đến với nhiều học trò để tiếp lửa tri thức cho các em, cô Huệ quyết tâm học tập, ôn luyện để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng.

Thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, năm 2003 cô Huệ tiếp tục dành những năm tháng tuổi trẻ, nhiệt huyết để công tác tại Trường Tiểu học Mường Toong số 3, huyện Mường Nhé, sau chia tách thành Trường Tiểu học Na Cô Sa (huyện Mường Nhé, nay là Trường Tiểu học Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Ðiện Biên).

Những “cuộc chiến” trên đường đến lớp

“Cô giáo xóa mù” ở bản Xà Thề Phìn - Ảnh minh hoạ 2
Cô Huệ luôn dành những tình cảm chân thành nhất cho trẻ nhỏ vùng cao.

Điểm trường mới đã tiếp sức cho cô giáo trẻ niềm đam mê và tình yêu nghề. Cô cho biết, Điện Biên với đặc thù là tỉnh miền núi có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác. Vì vậy, các trường học thường phải đóng ở các bản vùng cao. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, mà giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ theo đường mòn và lội suối.

Vào mùa khô, việc đi lại của các cô giáo tương đối thuận lợi. Nhưng vào những ngày có mưa, để vượt qua con đường lầy lội trơn trượt sẽ là một “cuộc chiến”.

Nhớ nhất là những ngày giữa tháng 7/2007, khi trở lại điểm trường để dạy hè, mùa mưa nước suối dâng cao, muốn vượt suối phải lấy áo mưa bọc ba lô làm phao, người biết bơi dắt người không biết bơi. Trong lần đó, vì không biết bơi nên cô Huệ bị ngã trôi hết quần áo, sách vở. Cũng may là có thầy giáo đi cùng cứu được người…

Tại đây, không chỉ cơ sở vật chất phòng lớp học còn thiếu thốn, mà nhà ở công vụ của giáo viên cũng còn tạm bợ.

Cũng vì thế mà mỗi khi vào điểm bản, ngoài quần áo, sách, đồ dùng giảng dạy, thực phẩm dự trữ cho từ 1 - 3 tuần (cá khô, lạc, trứng, muối, nước mắm, mì chính…) các thầy cô giáo vùng cao còn có thêm những gói kẹo làm quà cho học sinh, để vận động các em đến lớp chuyên cần.

Bên cạnh đó, các thầy cô còn tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu hàng ngày nhằm bảo đảm sức khỏe.

“Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bám trường, bám lớp để mang con chữ đến với các em vùng cao”, cô Huệ tâm sự.

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của những người gieo chữ trên mảnh đất đầy sương gió. Cho đến nay, dù điều kiện dạy và học đã được cải thiện phần nào song vẫn còn nhiều gian khó. Ðường vẫn còn xa và nhận thức của đồng bào vùng cao về chuyện học hành vẫn cần nhiều hơn nỗ lực hi sinh thầm lặng của những người gieo chữ.

Ở tuổi 40, nếu như bao người khác, nhẽ ra đã có một gia đình nhỏ, cùng chồng và các con chia sẻ vui buồn. Nhưng cô Huệ vẫn chưa có được điều đó. Cá nhân cô vẫn chỉ mãi đắm đuối với một mong ước, đó là làm sao để trẻ vùng cao có được “con chữ”, các em có được hành trang kiến thức đủ lớn để tương lai tươi sáng hơn. Cô làm vậy bởi với cô, Na Cô Sa là quê hương thứ hai. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ lớn lên là niềm hạnh phúc của cô.

“Mặc dù khó khăn, vất vả, nhưng học sinh luôn là động lực để chúng tôi cố gắng. Bởi, các em rất thân thiện, có nhiều tình cảm với các thầy cô”, cô Huệ bộc bạch.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1047 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944