Theo đó, giáo viên là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc đối tượng áp dụng và chịu ảnh hưởng của quy định tại Công văn 64. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là tỷ lệ phần trăm viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Chẳng hạn, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, Công văn 64 quy định: Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.
Quy định về tỷ lệ như trên khiến nhiều giáo viên không khỏi tâm tư vì cho rằng, nếu đáp ứng các điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định là chưa đủ; mà còn bị “ràng buộc” bởi nhiều tiêu chí, điều kiện khác.
Theo nguyên tắc xét thăng hạng giáo viên được quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 7/12/2023), muốn tham dự xét thăng hạng giáo viên phải được cơ sở giáo dục cử đi. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào địa phương có tổ chức đợt xét thăng hạng hay không. Cùng với các quy định nêu trên, có thêm “giới hạn” tỷ lệ phần trăm khiến cơ hội thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên càng thêm hạn hẹp.
Nhiều người băn khoăn, quy định trên, vô hình trung có thể làm “lọt” mất giáo viên giỏi, thâm niên dạy học, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tiêu chí nhưng chưa được thăng hạng. Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng: Có bộ môn không có giáo viên nào được xét thăng hạng, có bộ môn 2/3 hồ sơ được duyệt.
Có giáo viên gần 20 năm đứng trên bục giảng, với nhiều đóng góp như: Giáo viên giỏi bộ môn cấp cụm, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi và đoạt giải cao... Thế nhưng hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp vẫn bị loại vì chỉ có 50% số giáo viên mỗi môn được xét.
Thiết nghĩ, ngay từ địa phương, cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tế để phân bổ tỷ lệ phù hợp, đúng quy định. Vẫn biết, khi văn bản chính sách được phát hành thì cơ quan Nhà nước đã tính toán, khảo sát thực tế; thậm chí “lường trước, tính sau” những vấn đề có thể nảy sinh trong thực tiễn.
Thế nhưng, không một văn bản nào bao quát tất cả tình huống đã, đang và có thể xảy ra. Vì thế, trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ sở giáo dục, địa phương cần phản ánh để kịp thời tháo gỡ.
Thứ nữa, dù văn bản được phát hành và có hiệu lực nhưng không có nghĩa bất biến. Do đó, nếu thấy quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, giáo viên, nhà trường, địa phương có thể phản ánh, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thậm chí thay thế.
Hiện, có ý kiến cho rằng, để công bằng cho tất cả giáo viên, nên chăng quy định theo hướng “mở”: Những ai đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn thì có thể tham dự xét thăng hạng do cấp trên tổ chức và lấy điểm chuẩn từ cao đến thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc