Tết này, gần 140 trẻ mầm non, học sinh tiểu học điểm trường Sài Khao được Báo GD&TĐ trao tặng những món quà ý nghĩa là chăn, áo ấm, đồ dùng học tập...
Nhắc đến Sài Khao, nhiều người liên tưởng đến địa danh xa xôi, cao vời vợi, “sương lấp” được chiến sĩ, nhà thơ Quang Dũng đưa vào trong bài thơ Tây Tiến sáng tác năm 1948.
Mảnh đất Sài Khao cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Khí hậu ở đây vô cùng khắc nghiệt. Mùa Hè nắng đốt cháy da, mùa Đông sương mù bao phủ. Cuộc sống người dân khó khăn và thiếu thốn. Sài Khao cũng được mệnh danh là nơi 2 “không”: Không sóng điện thoại và nguồn nước sạch.
Bản Sài Khao thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Một trong những bản khó khăn nhất của huyện Mường Lát, cách trung tâm xã khoảng 25km. Phía Bắc của bản giáp xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Lối lên Sài Khao là những con dốc quanh co, khúc khuỷu.
Nơi đây có 97 hộ gia đình và hơn 590 nhân khẩu sinh sống quanh các sườn đồi. Tư liệu và phương thức sản xuất chỉ dựa vào nương rẫy và thủ công. Vì vậy, những đứa trẻ ở Sài Khao cũng chịu cảnh thiệt thòi và thiếu thốn mỗi khi đến trường học chữ.
Thầy Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến (huyện Mường Lát) cho hay: “Điểm trường Sài Khao hiện có 79 học sinh tiểu học và 59 trẻ mầm non. Ban giám hiệu hai trường luôn đề cao khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Thế nhưng, thực tình mà nói, “niềm vui” ấy chưa bao giờ được trọn vẹn, bởi mùa Đông về kèm theo cái lạnh như cắt da, cắt thịt khiến học sinh ở Sài Khao phải chịu khổ cực. Nhiều hôm, thấy những đứa trẻ rét run người trong tấm áo mỏng manh, đôi chân trần thâm tím giữa mùa Đông lạnh giá mà thầy, cô giáo không thể cầm lòng”.
Bí thư Hà Văn Ca (phải) cảm ơn nhà báo Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trong buổi trao quà tại điểm trường Sài Khao. |
Cũng theo thầy Hùng, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con đồng bào vùng sâu, xa đặc biệt khó khăn, nên đời sống dần thay đổi. Đặc biệt, hệ thống giao thông lên đỉnh Sài Khao đang được đầu tư xây dựng, bê tông hóa.
Vì vậy, cung đường từ trung tâm thị trấn Mường Lát lên Sài Khao đã rút ngắn, lối đi từ trung tâm xã Mường Lý lên bản cũng thuận tiện hơn. Những khúc cua tay áo, nhiều con dốc dựng đứng, quanh co, khúc khuỷu được hạ độ cao... tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao thương với bên ngoài.
“Mặc dù vậy, mặt bằng chung đời sống của bà con dân bản Sài Khao vẫn vô cùng gian truân, vất vả. Là những người đi “gieo chữ” cho con em đồng bào nơi đây, chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn, thiếu thốn của học sinh khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc của các em”, thầy Hùng tâm sự.
Trẻ ở bản Sài Khao tự tin biểu diễn văn nghệ. |
Thấu hiểu điều kiện khó khăn, vất vả của thầy và trò ở đỉnh Sài Khao, Báo GD&TĐ đã kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay quyên góp những phần quà ý nghĩa để tặng trẻ mầm non, học sinh tiểu học ở hai điểm trường này.
Đoàn thiện nguyện của Báo GD&TĐ đã thay mặt các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm trao các phần quà cho 59 trẻ mầm non và 79 học sinh tiểu học tại bản Sài Khao, gồm: 2 tivi, 10 máy tính bảng; 20 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000 đồng); 140 chiếc áo ấm đồng phục, 140 chăn ấm, 140 đôi dép; 60 chiếc giường lưới; 1 nghìn cuốn vở ô ly, bảng chữ cái và số mẫu tiếng Anh; bút chì gỗ, quyển tô màu, sáp màu, bút máy, giá úp cốc, giá phơi khăn...
Những phần quà thiết thực và ý nghĩa trên có sự chung tay, quyên góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, gồm: Trường THCS&THPT M.V Lômônôxốp, Trường Tiểu học Đống Đa (Hà Nội); Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà; Ngân hàng TMCP Quân đội; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Trường Mầm non Trường Thi B; Trường Tiểu học Đông Thọ (TP Thanh Hóa); Công ty TNHH In và Thiết bị trường học Thanh Hóa; Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh (Thanh Hóa); Giảng viên Phạm Quốc Kiên, Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Cô giáo Dương Thị Kim Thanh (Ý Yên, Nam Định).
Đón nhận những phần quà đầy ý nghĩa nêu trên, thầy Nguyễn Xuân Hùng xúc động chia sẻ: “Thay mặt nhà trường, học sinh lẫn phụ huynh, chúng tôi xin chân thành cảm ơn đoàn thiện nguyện của Báo GD&TĐ cũng như tấm lòng vàng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thầy, cô giáo… trên cả nước đã dành những phần quà ý nghĩa và thiết thực đến với học sinh nghèo ở Sài Khao.
Càng trân trọng và xúc động hơn khi đoàn thiện nguyện của Báo GD&TĐ đã không quản ngại khó khăn, vất vả vượt qua chặng đường gian nan, quanh co, khúc khuỷu để đến với Sài Khao, trao những món quà cho học sinh nghèo khi những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề”.
Cùng tâm trạng với thầy Hùng, cô Phạm Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Tiến cho biết: “Giáo viên và phụ huynh của 59 trẻ ở điểm trường Sài Khao vô cùng phấn khởi vì những món quà mà đoàn thiện nguyện trao tặng.
Chúng tôi trân trọng, tri ân và ghi nhận những “tấm lòng vàng” của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhiều phần quà cho trẻ ở điểm trường Sài Khao. Đây là phần quà ý nghĩa, giá trị và cần thiết cho trẻ em, học sinh ở Sài Khao, để các em được sưởi ấm trong mùa Đông cũng như đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm”.
Cũng theo cô Vân, Trường Mầm non Tây Tiến đang chuẩn bị tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ ở một số điểm lẻ như: Sài Khao, Suối Ún, Trung Thắng, Trung Tiến... nên rất cần sự chung tay của cộng đồng, để mua sắm trang thiết bị, vật dụng phục vụ bán trú.
“Trước mắt, điểm lẻ Sài Khao được đoàn thiện nguyện của Báo GD&TĐ trao tặng 60 chiếc giường lưới, chăn bông, áo ấm, dép, giá phơi khăn, để dép, úp cốc... là nguồn động lực khuyến khích nhà trường quyết tâm tổ chức bán trú cũng như kêu gọi xã hội hóa”, cô Vân bộc bạch.
Tại điểm trường tiểu học Sài Khao, những món quà đoàn thiện nguyện tặng giúp thầy và trò có thêm cơ hội làm quen với thiết bị hiện đại, tổ chức tiết học thông minh. “Điện lưới vừa về, chúng tôi chờ phủ sóng Internet để triển khai giờ học đổi mới sáng tạo. Thầy cô ở điểm bản có thể họp, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không thể về điểm trường chính”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến bộc bạch.
“Sài Khao là bản cao, xa, khó khăn nhất, nhì huyện biên giới Mường Lát. Trẻ mầm non và học sinh tiểu học nơi này ấm lòng hơn rất nhiều khi nhận được món quà đầy ý nghĩa về vật chất, tinh thần. Nhận những món quà này, chúng tôi sẽ chỉ đạo hai trường sử dụng đúng mục đích, giúp trẻ có điều kiện học tập tốt hơn.
Thay mặt lãnh đạo huyện, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, trẻ mầm non và học sinh bản Sài Khao, xin gửi tới Báo GD&TĐ, các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm lời cảm ơn chân thành nhất”, ông Hà Văn Ca - Bí thư Huyện ủy Mường Lát (Thanh Hóa) chia sẻ.
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc