Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì. Tham dự có các thành viên Ban soạn thảo Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0; đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Việt Đức.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Đề án được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì, sản phẩm cần phải bám vào tên Đề án được giao. Từ nay đến năm 2030 cần tập trung đầu tư trọng điểm, cần phải lựa chọn trên nhu cầu phát triển đất nước, năng lực của nhà trường và xu thế chung của thế giới. Trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng cần tập trung vào vấn đề đào tạo đại học, sau đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao 4.0.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu, cần làm rõ thực trạng đào tạo, thế mạnh của các trường. Từ đó, Đề án phải chỉ ra được những yêu cầu cụ thể về đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu,.. để tập trung nguồn lực, không đầu tư dàn trải.
Tại phiên họp, báo cáo xây dựng Đề án do TS Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) trình bày cho thấy: Thực tế, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học sẽ phải đối mặt với yêu cầu mới, đòi hỏi phải cải cách sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học; trường đại học với các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp hiện đại.
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giao việc xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư. Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, là hình thức đầu tư, hỗ trợ ở mức cao hơn, tổng thể hơn nhằm thực hiện hiệu quả định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đạt được kết quả mà mục tiêu, nhiệm vụ của các Chiến lược, Chương trình, Đề án đã phê duyệt đề ra.
Có thể kể đến như lĩnh vực công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng thế hệ sau, công nghệ an ninh mạng thông minh, chíp bán dẫn và thiết kế vi mạch, công nghệ giáo dục); Lĩnh vực vật lý (vật liệu mới, công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến, thông minh); Lĩnh vực công nghệ sinh học (công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ sinh học trong công nghiệp, y sinh); Lĩnh vực năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng Hydrogen).
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã cùng trình bày nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến các yêu cầu: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh trong đào tạo, nghiên cứu về công nghệ ưu tiên 4.0; tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ hợp tác đầu tư với các cơ sở giáo dục đại học để phát triển đào tạo, nghiên cứu về công nghệ ưu tiên 4.0; lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt để tăng tính hiệu quả.
Đề án Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ trong việc hình thành hệ sinh thái các cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, trước mắt lựa chọn một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên 4.0 mà các trường đại học có thế mạnh để đầu tư, phát triển. Trong đó, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0, vai trò dẫn dắt của một số cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh là hạt nhân để kết nối và khai thác nguồn lực trong nước và ngoài nước.
Tác giả bài viết: Hà An
Ý kiến bạn đọc