Đặc biệt trong bối cảnh tự chủ, các trường phải cạnh tranh và “chắt chiu” từng ứng viên tham gia xét tuyển.
Từ cuối năm 2023 và đầu năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã “khởi động” mùa tuyển sinh bằng việc tung ra nhiều ngành mới theo hướng đón đầu xu thế. Đáng chú ý, các trường thông báo tuyển sinh một số ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp chíp bán dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Cũng có trường mở ngành liên quan đến lĩnh vực game, đô thị thông minh...
Mở ngành không phải câu chuyện mới nhưng là vấn đề thời cuộc trước mỗi mùa tuyển sinh. Âu cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, rộng hơn là hội nhập quốc tế. Qua đó cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học đã “thức thời” khi bắt nhịp xu hướng phát triển của thị trường lao động, thậm chí “đi trước, đón đầu”.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi sự phát triển của xã hội và khoa học - công nghệ làm cho các ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn. Hoặc có ngành nghề cũ nhưng cách làm, phương pháp mới… nên việc đào tạo thay đổi theo xu thế này.
Tuy nhiên, dư luận cũng từng đặt câu hỏi: Ồ ạt mở ngành mới liệu chất lượng đào tạo có “mới”? Cơ chế giám sát thế nào? Vẫn biết, mở ngành mới đều được các cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu thị trường lao động và người học. Song, không phải ngẫu nhiên dư luận lại băn khoăn đặt câu hỏi như trên, bởi thực tế từng có cơ sở giáo dục đại học tuyên bố mở ngành nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”.
Cũng có trường đại học “tung chiêu” quảng cáo và mở ra những ngành “hot” nhằm thu hút thí sinh, nhưng thực chất không như những gì thông báo, hoặc cam kết. Dư luận từng lên tiếng phản ánh một số cơ sở đào tạo tuyển sinh theo kiểu “bất chấp” hoặc “vơ bèo vạt tép”.
Từ thực tiễn khách quan và nhu cầu, trách nhiệm xã hội, thiết nghĩ, trước khi mở ngành, các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu, điều tra, đánh giá tác động xã hội về lĩnh vực đó. Đặc biệt, các trường cần chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, điều kiện cần và đủ, để khi “bắt tay” vào tuyển sinh, đào tạo không bị “bắt bài”; trên hết là tạo được lòng tin với người học, phụ huynh, rộng hơn là dư luận xã hội đồng thuận.
Các cơ sở đào tạo cũng tránh mập mờ, “nợ” tiêu chí, tiêu chuẩn khi mở ngành nhưng vẫn tuyển sinh ồ ạt dẫn đến hệ lụy khôn lường. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát và kiểm định tốt, nếu không sẽ có nhiều trường mở ngành mới nhưng thực chất không đảm bảo chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Khi đó, nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, gây lãng phí…
Theo quy định, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tuyển sinh, mở ngành đào tạo, nhưng tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Bởi vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường giám sát, kiểm tra mục tiêu đào tạo để tránh tình trạng các trường mở ngành bừa bãi. Nói như PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mở ngành nhiều hay ít không quan trọng, vấn đề đặt ra là đáp ứng được yêu cầu của thị trường; đó mới là cần thiết.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc