Vào nghề từ năm 2010, chị Bùi Thị Hạnh – nhân viên bếp ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hiện hưởng lương bậc 5 với hệ số 2.37. Mỗi tháng chị Hạnh nhận được 3,8 triệu đồng tiền lương sau khi trừ bảo hiểm.
Chị Bùi Thị Hạnh bắt đầu làm nhân viên bếp cho một trường mầm non tại huyện Phú Xuyên với mức lương khởi điểm khoảng 750.000 đồng/tháng. Đến nay, ngoài lương chị không được thêm phụ cấp gì. Công việc của đội ngũ nhân viên nhà bếp vất vả không thua kém các bộ phận khác. Mỗi sáng, đội ngũ đến từ sớm để tham gia giao nhận thực phẩm tại bếp rồi sơ chế, chế biến, phân chia thực phẩm tới các lớp cho khoảng 500 trẻ. Chị Hạnh còn hỗ trợ trẻ ăn trưa cùng giáo viên trên lớp, sau đó dọn dẹp và chuẩn bị ca chiều.
“Thấu hiểu nỗi niềm đội ngũ nhân viên bếp, lãnh đạo nhà trường đã thống nhất với các bộ phận hỗ trợ khoảng 300.000 đồng/tháng từ nguồn bán trú để có thêm thu nhập. Nhưng về lâu dài, chúng tôi vẫn mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để nhân viên bếp được hưởng phụ cấp độc hại. Vào nghề 13 năm với lương chưa tới 4 triệu đồng/tháng, tôi phải làm thêm nhiều nghề từ cấy thuê đến đan lát thủ công mây tre đan. Tôi còn nhận hàng về nhà tranh thủ làm từ 5 giờ sáng đến khoảng 7 giờ; từ 17 giờ đến khoảng 0 giờ mới nghỉ”, chị Hạnh chia sẻ.
Gia đình có hai con đang tuổi ăn tuổi học, chị Hạnh phải cố gắng làm thêm đủ công việc cộng với thu nhập lái xe taxi của chồng và tằn tiện chi tiêu mới tạm đủ sống. Tại trường chị Hạnh công tác, năm vừa qua đã có 3 nhân viên bếp dù yêu nghề nhưng không thể trụ lại bởi lương quá thấp. Trong khi bộ phận y tế học đường được Bộ GD&ĐT đề xuất với Bộ Nội vụ sẽ xếp vào nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung; còn nhân viên bếp vẫn ở vị trí phục vụ, hỗ trợ khiến nhiều nhân viên bếp tâm tư.
Tương tự, chị Ngô Thị Thảo - nhân viên nuôi dưỡng tại một trường học huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vào ngành năm 2011 với hệ số lương 1.65. Nhà cách trường hơn 10km, chị vẫn bám trụ cho tới nay cùng hy vọng sẽ được lãnh đạo các cấp quan tâm đến chế độ lương. Sau 13 năm công tác, mức lương của chị hiện hưởng là bậc 7 với hệ số 2.73, lương thực nhận là gần 4,4 triệu đồng/tháng và không có phụ cấp. Với đồng lương ít ỏi này, chị gặp nhiều khó khăn do không thể trang trải đủ cuộc sống. Chị Thảo phải tranh thủ làm may, bán hàng, làm cỗ thuê, phụ hồ vào những ngày cuối tuần hay sau giờ tan sở nên không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.
Cô Bùi Thị Hạnh – nhân viên bếp ở huyện Phú Xuyên tranh thủ nhận đồ mây tre đan về nhà làm thêm. Ảnh: NVCC |
Gắn bó hơn 10 năm với nghề nấu ăn tại một trường mầm non ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Xuân cho biết, công việc khá vất vả, độc hại, nguy hiểm do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, các loại thiết bị nhiều tiếng ồn. Các chị phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian cho trẻ ăn tại trường đúng giờ giấc quy định. Với khối nhà trẻ ăn 3 bữa/ngày; trẻ mẫu giáo ăn 2 bữa/ngày. Ở một số trường có điểm lẻ, quá trình vận chuyển thức ăn từ khu trung tâm sang điểm lẻ cũng tiềm ẩn nguy hiểm không lường trước. Dù vất vả song đồng lương nhận được chưa tương xứng với đóng góp cho giáo dục mầm non.
“Ngoài công việc chuyên môn, nhân viên bếp còn tích cực tham gia các phong trào của trường, ngành đề ra. Mong lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm đến chế độ tiền lương để chúng tôi được hưởng phụ cấp độc hại, thâm niên, hưởng lương theo bằng cấp, xét thăng hạng. Từ đó, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Đến nay khi áp dụng mức lương cơ sở mới và chuyển sang dạng lao động hợp đồng theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2022, mức thu nhập của chị em tăng thêm 300.000 đồng. Nếu ai mới vào nghề, dù áp dụng lương mới cũng chỉ tăng hơn 100.000 đồng, không đủ để trang trải nhu cầu cơ bản”, chị Xuân trải lòng.
Ngày 29/12/2023, Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4169/SNV-XDCQ về việc trả lời kiến nghị của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non trên địa bàn. Theo đó, vị trí nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn cho trẻ tại các trường mầm non được quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ hướng dẫn về định mức biên chế sự nghiệp trong cơ sở giáo dục mầm non công lập, sau này là Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Hiện nay, danh mục vị trí việc làm “nhân viên nấu ăn” thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ đặc thù theo ngành và lĩnh vực được quy định tại phụ lục số V ban hành kèm Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ; số lượng người làm việc được quy định tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ GD&ĐT.
Ghi nhận những ý kiến tâm tư của đội ngũ nhân viên nấu ăn tại trường mầm non, Sở Nội vụ Hà Nội trong thời gian tới phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội, các cơ quan chuyên môn tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét việc nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên nấu ăn.
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc triển khai việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (tháng 12/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, gửi văn bản về Bộ Nội vụ để tổng hợp, hướng dẫn, bảo đảm thống nhất việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc