Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Thủ trưởng, lãnh đạo, Trưởng ban/phòng tài chính - kế toán, Kế toán trưởng/phụ trách kế toán, tài chính các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Năm 2023, phương án phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GD&ĐT được thực hiện theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Trong điều kiện kinh phí giảm mạnh so với năm 2022 nhưng Bộ đã cố gắng tiết kiệm, cơ bản phân bổ, quản lý, điều hành đảm bảo các khoản chi chế độ chính sách lương, cũng như đáp ứng các nhiệm vụ quan trọng khác trong năm của Bộ GD&ĐT; đồng thời rà soát để tiết giảm được một số khoản chi chưa thật sự cần thiết, đề xuất phương án điều chỉnh kinh phí để tránh lãng phí, bổ sung chi chế độ chính sách cho người học, các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GDĐT trong năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, nêu những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong năm 2024.
Dự toán chi thường xuyên năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT có tăng so với năm 2023, nhưng chủ yếu là tăng kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Để việc triển khai thực hiện dự toán Ngân sách năm 2024 đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc khắc phục, chấm dứt tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách chi thường xuyên có xu hướng giảm nhưng nhu cầu ngày càng lớn; do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng ngân sách đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế trong công tác thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GD&ĐT những năm qua, Thứ trưởng lưu ý Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng các quy định về ngân sách, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện kỷ cương về tài chính. Trong đó, cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; rà soát cắt giảm các nhiệm vụ không hiệu quả.
Đồng thời, thường xuyên, kịp thời rà soát ban hành quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, xây dựng kế hoạch tập trung chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, tích cực chuẩn bị xây dựng kế hoạch nhiệm vụ đầu tư công giai đoạn tiếp theo…
Tác giả bài viết: Lan Anh
Ý kiến bạn đọc