Cẩn trọng nhưng không nên quá hoang mang
Cụ thể Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dẫn đăng nội dung bài viết của TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam, CHLB Đức; là GV thỉnh giảng của HCMUTE. Nguyên văn bài viết như sau:
Hiện nay một số trường học ở Việt Nam đã tuyên bố cho HS nghỉ tiếp 1 tuần sau Tết. Phụ huynh và trường học bối rối không biết có nên cho học sinh nghỉ học hay không. Hãy so sánh mức độ nguy hiểm của dịch do Virus Corona và dịch cúm thông thường hàng năm để có quyết định phù hợp:
• Cúm Virus hàng năm và nhiễm virus corona đều có nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên về mức độ nguy hiểm thì cúm virus hàng năm giết chết số người nhiều hơn nhiều so với nhiễm virus corona hiện tại.
• Đến sáng 1/2, có 259 người tử vong do chủng virus corona tại Trung Quốc, trong tổng số 11.791 trường hợp nhiễm bệnh.
• So sánh với dịch cúm thông thường: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có ba đến năm triệu ca cúm nặng trên toàn thế giới mỗi năm. Trong số này, có tới 650.000 người chết vì bệnh do virus. Tuy nhiên không có trường học nào đóng cửa cho toàn bộ học sinh nghỉ học do dịch cúm hàng năm.
• Tình hình tại Việt Nam: Chiều 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Tuy nhiên tại Việt Nam với 6 người nhiễm bệnh, hiện tại quy mô dịch bệnh vẫn còn ở mức nhỏ và đang được kiểm soát tốt. Từ những thông tin trên đây có thể thấy rằng việc đóng của trường cho toàn bộ học sinh nghỉ học ở thời điểm hiện tại là không cần thiết.
Theo các thông tư chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trương đóng cửa hệ thống trường học vì dịch virus corona mà tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp. Đây là quyết định phù hợp trong bối cảnh diễn biến hiện tại của dịch bệnh.
Đối với các trường tư thục có thể có những quyết định riêng dựa trên nguyện vọng của phụ huynh. Tuy nhiên phụ huynh cần được thông tin đúng về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh dịch của nhà trường để cùng nhà trường có quyết định phù hợp mà không phải quyết định do quá lo sợ do không có đủ thông tin.
Ở Đức: hơn 3.500 bệnh nhân đã nhiễm virut cúm ở mức phải điều trị tại bệnh viện trong mùa cúm hiện tại. 32 người mắc bệnh cúm đã tử vong. Dịch cúm đặc biệt tồi tệ vào mùa đông 2017/18, khoảng 25.100 người đã chết vì cúm trong mùa cúm 2017/18, ước tính có khoảng chín triệu lượt đến bác sĩ do cúm. Hiện nay Đức có 5 bệnh nhân nhiễm virus corona. Tuy nhiên không có trường học nào đóng cửa cho toàn bộ học sinh nghỉ học do lo ngại virus corona hay do dịch cúm hàng năm.
Dòng trạng thái và một số comment trên FB PGS.TS Đỗ Văn Dũng |
“An toàn là trên hết”
Ngay khi status (dòng trạng thái) của PGS.TS Đỗ Văn Dũng vừa đăng lên thì FB Lanh Nguyen Van@ đã comment (bình luận): An toàn trên hết anh ơi. Cho nghỉ thêm 1 tuần rồi sau đó giảm nghỉ hè 1 tuần thì vẫn ok. Việc HSSV về nhà nghỉ tết rồi tập trung về lại trường học sau kỳ nghỉ sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm do di chuyển, nên việc kéo dài kỳ nghỉ thêm 1 tuần cũng hợp lý. Nó khác với việc SV đang học cho nghỉ 1 tuần..
PGS.TS Đỗ Văn Dũng trả lời FB Lanh Nguyen Van@: Sau 1 tuần SV ở quê càng bị nhiễm nhiều và khi vào trường sẽ lây nhanh. Dự báo đỉnh điểm dịch vào tháng tư. Chỉ những người già yếu và bị bệnh khác mới chết thôi chứ thanh niên sẽ tự khỏi hết. Nếu sợ thì cấm cả người lao động từ các địa phương vào TP.HCM làm ăn vì số này gấp 10 lần SV. Nhà máy công ty cũng là chỗ đông người vậy!
FB Trần Văn Nguyện@ comment: Thực sự là em cũng lo lắng lắm thầy ạ. Vì khi mắc vào bất kỳ cúm gì thì hệ miễn dịch của chúng ta vẫn đóng vai trò chủ đạo để tiêu diệt chúng, y học chỉ có chức năng hỗ trợ! Chứ nếu y học có thuốc diệt con virus thì có lẽ chẳng ai lo ngại cả!
Nghĩ đến những đứa trẻ bị lạm dụng kháng sinh đến suy kiệt cả hệ miễn dịch mà mắc phải cúm, thì hậu quả sẽ khó lường. Theo em nghĩ, đây là yếu tố mà mọi người quan ngại.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng trả lời FB Trần Văn Nguyện@: Vi trùng mới diệt được chứ virus thì chỉ tăng cường sức đề kháng chứ không có thuốc nào diệt được nó đâu em. Người chết đa phần người già và trẻ em do biến chứng.
FB Quoc Nghiem@ chia sẻ: Em thấy có điều gì đó không ổn. Nếu không nguy hiểm như cúm thông thường thì cả hệ thống chính trị của VN phải vào cuộc? Các nước phải hủy toàn bộ các chuyến bay, đóng cửa biên giới, đưa công dân của mình về nước? WHO phải công bố đại dich toàn cầu (sau 2 lần cân nhắc và đích thân Giám đốc đến trực tiếp TQ)?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng trả lời FB Quoc Nghiem@: Vì chưa có vaccine thôi em. Chứ virus cúm thì đều gây bệnh giống nhau. Chỉ những người yếu mới tử vong chứ người khỏe thì tăng cường sức đề kháng là tự khỏi.
FB Hiep Nguyen@ comment: Dạ thầy, em thấy bài phân tích chưa ổn lắm. Bệnh lần này thật sự nghiêm trọng. Thời gian phát bệnh là từ 1 đến 14 ngày, có người một vài ngày là phát bệnh rồi. Con số nhiễm và tử vong trên thế giới liên tục tăng lên. Và con số thực sự thì không ai biết chắc. TP.HCM cũng đang cách ly một số trường hợp chờ xét nghiệm. Em cũng nhớ trường lớp, cũng muốn đi dạy. Nhưng quyết định lùi lại 1 tuần để xem xét tình hình cũng đáng suy nghĩ thầy ạ. Còn nếu bắt đầu thì trường mình có thể tận dụng hệ thống dạy học số, giảm thiểu số giờ lên lớp vẫn có thể đảm bảo chương trình ạ.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng trả lời FB Hiep Nguyen@: Chủ yếu ở Trung Quốc thôi em. Chờ thêm 1 tuần số người nhiễm càng nhiều. Chính TP.HCM là nơi an toàn cho các em khi nhiệt độ mùa này rất cao. Chưa kể là có các bệnh viện tốt hơn nhiều so với các tỉnh và các biện pháp phòng chống cũng tốt hơn. Thời thầy học ở Liên Xô năm nào mà chả bị cúm.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sẽ bắt đầu đi học trở lại sau Tết vào ngày 3/2 (mùng 10 âm lịch). Hiện nhà trường đã bố trí nhân sự, chuẩn bị các trang thiết bị, các quy trình phòng chống dịch cúm corona theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT…