Công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu khu vực Đông Nam Á

Thứ sáu - 24/05/2024 05:42 160 0
GD&TĐ - Sự kiện công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu 2023 cho khu vực Đông Nam Á diễn ra chiều 24/5, tại Hà Nội.
Công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu khu vực Đông Nam Á

Với chủ đề "Công nghệ trong giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào?", sự kiện do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; TS. Manos Antoninis, Chủ nhiệm Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu; đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GD&ĐT và bộ, ngành khác có liên quan; các cơ quan quản lý giáo dục địa phương; SEAMEO; các nhà giáo, nhà khoa học…

Công nghệ đang thay đổi cách thức tổ chức giáo dục

Ấn phẩm khu vực thuộc Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO và Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO) đã chỉ ra rằng, công nghệ đang thay đổi cách thức tổ chức giáo dục ở Đông Nam Á.

Báo cáo cũng ghi nhận việc tăng cường tiếp cận học tập của người học ở vùng sâu, vùng xa và trong các trường hợp khẩn cấp nhờ công nghệ; song đồng thời cảnh báo đó không phải là một giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức lớn trong giáo dục.

Ở cấp độ khu vực, Đông Nam Á đã đặt ưu tiên cao cho công cuộc cải cách công nghệ vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có khoảng 400 triệu người dùng Internet trong khu vực; năm 2020, có khoảng 40 triệu người truy cập mạng Internet lần đầu.

Với gần 3 triệu lượt người đăng ký, Indonesia, Philippine và Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng số người học mới cao nhất ở Coursera, một nền tảng học trực tuyến mở quy mô lớn, năm 2021.

Hiện tại, xét trung bình, 9 trên 10 nhà trường ở Việt Nam được kết nối Internet, và các mục tiêu cấp quốc gia đã được đặt ra là đạt 100% kết nối trong nhà trường đến năm 2025.

Song, có khoảng trống còn tồn tại để tất cả người học đều hưởng lợi từ toàn bộ tiềm năng của công nghệ. Hiện tại có khoảng 3 học sinh trên một máy tính. Vẫn còn tồn tại khoảng cách giàu nghèo đáng kể trong tiếp cận: 95% trẻ em là con em các hộ giàu nhất được hưởng lợi từ Internet tại nhà so với chỉ 18% ở những con em con nhà nghèo nhất - mức chênh lệnh lớn nhất ở Đông Nam Á.

Trong đại dịch Covid-19, khả năng học sinh từ các hộ nghèo nhất được học từ xa ít hơn 34% so với học sinh từ các hộ giàu nhất. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn cũng rất đáng chú ý: khoảng chênh lệch là 23 điểm phần trăm giữa tỷ lệ phụ nữ thành thị và nông thôn có kỹ năng công nghệ thông tin.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu.
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu.

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker nhận định: đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ trong giáo dục, làm sáng tỏ những lợi ích mà công nghệ mang lại, cũng như những thách thức, hạn chế của nó.

Một thách thức quan trọng là làm thế nào để giải quyết vấn đề "khoảng cách số" dai dẳng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Mặc dù công nghệ đã được chứng minh là hữu ích để đảm bảo tính liên tục của giáo dục ngay cả trong thời kỳ đại dịch, nhưng các câu hỏi về mức độ và cách thức công nghệ tác động đến việc học cũng đáng được nghiên cứu và tìm hiểu thêm.

Đông Nam Á đặc biệt ưu tiên công cuộc cải cách công nghệ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Như đã nêu trong Báo cáo, hiện có khoảng 400 triệu người dùng Internet trong khu vực; tiềm năng của công nghệ số trong việc chuyển đổi giáo dục đã được công nhận rõ ràng và các khoản đầu tư đáng kể đang được thực hiện và sẽ tiếp tục được thực hiện.

Một mặt Báo cáo ghi nhận tiềm năng của công nghệ và chia sẻ các sáng kiến thú vị và sáng tạo trong khu vực. Mặt khác, Báo cáo cũng xem xét nghiêm túc việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục thông qua các góc độ phù hợp, công bằng, khả năng nhân rộng và tính bền vững.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, đây là cơ hội rất kịp thời để suy ngẫm về mối quan hệ khăng khít, phức tạp giữa giáo dục và công nghệ.

Suy cho cùng, công nghệ sẽ chỉ có thể mang lại lợi ích cho tất cả người học, bất kể hoàn cảnh hay địa vị của họ, nếu nó có thể đảm bảo tính hòa nhập, công bằng, phù hợp và bền vững.

Điều này đúng với cả công tác hoạch định chính sách lẫn việc thực hiện trên thực tế. Để đạt được mục tiêu này, mỗi người trong chúng ta từ các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội, khu vực tư nhân, và các đối tác phát triển đều có vai trò quan trọng”, ông Jonathan Baker chia sẻ.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đưa công nghệ vào giáo dục

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhận định: Công nghệ không chỉ mở ra những cánh cửa mới, mang lại cơ hội to lớn để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, mà còn giúp chúng ta vượt qua những rào cản về khoảng cách địa lý, ngôn ngữ và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Điều này càng được nhận thấy rõ trong giai đoạn phải đối mặt với dịch Covid-19, khi công nghệ giúp các nhà trường duy trì việc dạy-học trong bối cảnh hạn chế đến trường.

Chính phủ Việt Nam, Bộ GD&ĐT trong quá trình hoạch định chính sách luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục, từ những chính sách quốc gia toàn diện, nhất quán, đến những đề án cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, để thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển bền vững 4 của Liên Hợp Quốc.

Cụ thể Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" năm 2020; sau đó Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đưa công nghệ vào giáo dục, triển khai nhiều chương trình giảng dạy trực tuyến, học tập từ xa, ứng dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

Theo Thứ trưởng, công nghệ sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta tổ chức hoạt động giáo dục, dạy - học. Đặc biệt, một số năm gần đây, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, giáo dục càng thay đổi nhanh chóng. Chưa bao giờ nhân loại có cơ hội to lớn như vậy trong việc xây dựng lên một xã hội học tập và học tập suốt đời

Cùng với những lợi ích không thể phủ nhận của công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng chỉ ra những thách thức phải đối mặt. Những thách thức đó không chỉ dừng lại ở nguồn lực đầu tư vào hạ tầng công nghệ, mà còn là năng lực sử dụng công nghệ của các hệ thống quản lý, vận hành trong các cơ sở giáo dục các cấp.

Thách thức về đảm bảo tính công bằng và bình đẳng trong tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền, giữa các nhóm đối tượng khác nhau là vấn đề cần được lưu tâm. Hoạch định các chính sách và chiến lược chú trọng nhiều đến các nhóm đối tượng yếu thế như trẻ dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật luôn là một trong các ưu tiên hàng đầu.

“Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu 2023 với chủ đề "Công nghệ trong giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào?" của UNESCO thực sự là một ấn phẩm giá trị, cung cấp nguồn thông tin về thành tựu giáo dục các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đồng thời nêu ra thách thức về tiếp cận và bảo đảm công bằng công nghệ.

Báo cáo cũng đặt ra câu hỏi cho chính các nhà giáo dục chúng ta về: mục đích của sử dụng công nghệ, tại sao phải sử dụng chúng và sử dụng chúng như thế nào để đảm bảo một nền giáo dục công bằng và có chất lượng, không bỏ ai lại phía sau”.

Thứ trưởng đánh giá và hoan nghênh vai trò tham gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khi thực hiện một trong 9 nghiên cứu điển hình quốc gia làm chất liệu đầu vào quan trọng cho báo cáo khu vực. Nhóm chủ nhiệm Báo cáo đã có những phân tích, nhận định khách quan, độc lập để đưa ra một sản phẩm công phu nhằm có những khuyến nghị dựa trên minh chứng cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Sự kiện công bố hôm nay là cơ hội quý báu để chúng ta cùng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những chiến lược, giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của công nghệ trong giáo dục và đào tạo, với sự tham gia tất cả các bên liên quan, từ những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, thầy cô giáo và các tổ chức xã hội.

Tôi tin rằng, với sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực, chúng ta sẽ tìm ra những hướng đi mới, sáng tạo, hiệu quả hơn để công nghệ thực sự trở thành công cụ hữu ích và công bằng cho mọi đối tượng trong lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng, qua sự kiện này chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đồng giáo dục mạnh mẽ, đoàn kết, cùng thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua công nghệ chúng ta chắc chắn sẽ có những sáng kiến và những chương trình hành động sáng tạo để thực hiện điều này", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định.

Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu là ấn phẩm độc lập hàng năm được UNESCO biên soạn và xuất bản. Được biên soạn bởi nhóm Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu, cùng hợp tác với Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Báo cáo bao gồm 11 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập757
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm756
  • Hôm nay34,604
  • Tháng hiện tại312,734
  • Tổng lượt truy cập51,668,693
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944