Gõ từ khóa tìm kiếm “tai nghe siêu nhỏ”, “tai nghe đi thi” “camera ngụy trang”, “camera siêu nhỏ”... trên Google, các sàn thương mại điện tử hay hội, nhóm trên mạng xã hội, dễ dàng tìm được hàng trăm sản phẩm đủ kiểu dáng.
Theo quảng cáo của một người bán hàng, tai nghe siêu nhỏ có kiểu dáng nhỏ gọn, được sử dụng cho việc gian lận thi cử hoặc một số nghiệp vụ an ninh cần nghe gọi đàm thoại 2 chiều bí mật. Đây là thiết bị hoạt động độc lập, dễ dàng giấu kín vì nhỏ gọn.
Giới thiệu thêm về sản phẩm, người bán hàng cho biết được thiết kế giống như thẻ ATM để cho sim điện thoại vào kèm một tai nghe đàm thoại 2 chiều, cuộc gọi sẽ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến. Vì quá nhỏ nên người bên cạnh không thể biết ai đang sử dụng tai nghe.
Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Thành phố Hà Nội cho biết: Cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều thiết bị nhỏ, tinh vi, bí mật, dễ che giấu và khó phát hiện.
Với thiết bị ghi hình ngụy trang, đặc điểm dễ dàng cất giấu trong người hoặc tại nơi thí sinh ngồi thông qua những vật dụng được phép mang vào. Đặc điểm của các loại thiết bị này là có sim, tai nghe nhỏ và camera siêu nhỏ. Từ camera này có thể chụp đề thi chuyển ra ngoài. Thiết bị này có sim để bên ngoài gọi điện vào thì có thể tương tác với thí sinh trong phòng thi.
Với tai nghe siêu nhỏ và một thiết bị lắp thẻ sim có thể nhận cuộc gọi từ bên ngoài. Thiết bị này được ngụy trang dưới nhiều đồ vật, như giấu trong trang phục thí sinh, quấn quanh cổ áo, khâu chìm bên trong lớp áo... Sim điện thoại lắp đặt trong thiết bị. Thí sinh gắn tai nghe hạt đậu vào lỗ tai sát màng nhĩ trước khi vào phòng thi.
Sử dụng các thiết bị này cho việc gian lận thi cử, thí sinh đọc đề qua micro hoặc từ camera siêu nhỏ chụp gửi ra ngoài. Sau đó, bên ngoài hướng dẫn qua tai nghe siêu nhỏ hoặc màn hình chiếu nội dung văn bản. Tai nghe siêu nhỏ thường có kích thước 6 - 10 mm, pin 2 mm trong tai nghe.
Ngoài ra còn có các thiết bị khác hỗ trợ nhận cuộc gọi ngụy trang dưới dạng thẻ ATM, bút viết, máy tính. Thượng tá Ngô Xuân Hải cho rằng, theo quy chế thí sinh không được mang máy tính có thẻ sim hoặc sóng điện thoại vào phòng thi nhưng nếu không được kiểm tra kỹ thì khó phát hiện.
Ông Hải cũng cảnh báo một loại thiết bị mới xuất hiện gần đây là vòng và nhẫn đeo tay. Với loại này khi nhận được nội dung không có màn hình phát ra nên sẽ chiếu ra nơi khác. Ví dụ vòng đeo tay có thể chiếu vào lòng bàn tay; khi thí sinh che bàn tay làm bài thì vòng chiếu vào lòng bàn tay đủ nội dung để thí sinh chép bài.
Thiết bị tai nghe siêu nhỏ được chào bán trên mạng. Ảnh: Vân Anh |
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã phối hợp các đơn vị của Bộ Công an tập huấn, quán triệt kỹ lưỡng để nhận diện thiết bị gian lận công nghệ cao. Tinh thần là phòng ngừa không để xảy ra việc lợi dụng công nghệ cao phục vụ gian lận trong kỳ thi.
Theo ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã mang lại kết quả tích cực. Đề thi được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm công bằng, phát huy sáng tạo của người học, nhờ đó đã hạn chế những gian lận trong quá trình làm bài thi.
Việc tổ chức kỳ thi được triển khai chặt chẽ, kết hợp với công cụ hỗ trợ giám sát như lắp đặt camera an ninh ở phòng thi và chấm thi, phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được hoàn thiện theo hướng tăng cường bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.
Trước khi kỳ thi diễn ra, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ, tổ chức các hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi, đề nghị thủ trưởng các đơn vị, trường học quan tâm công tác tập huấn, phổ biến quy chế thi cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nắm rõ. Từ đó nâng cao trách nhiệm, hạn chế trường hợp vi phạm và gian lận thi cử.
Ông Nghiêm Văn Bình - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, áp lực của giáo viên mỗi đợt coi thi chính là những thiết bị gian lận công nghệ cao vì đây là thứ khó nắm bắt, công nghệ ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Với số lượng học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp mỗi năm hơn 100 nghìn em, sở GD&ĐT đều chuẩn bị chu đáo các nội dung và rà soát thật kỹ mọi mặt, dự báo được các tình huống phát sinh, tránh bị động bất ngờ, đồng thời triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối các khâu.
Hằng năm, sở tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác coi thi với sự tham dự của tất cả lãnh đạo điểm thi. Tại đây, Công an thành phố Hà Nội đã cập nhật thông tin về công tác phòng, chống gian lận trong thi cử, cách nhận diện một số thiết bị công nghệ cao thường được thí sinh sử dụng.
Một trong những khó khăn của ngành Giáo dục là kiểm tra, phát hiện thiết bị thu phát hiện đại không được phép mang vào phòng thi. Để đối phó vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, sở đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về cách nhận diện những thiết bị gian lận thi cử, tập huấn cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ coi thi.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngành GD-ĐT phối hợp với công an lên kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi; hướng dẫn thành viên điểm thi kiểm tra, rà soát để kịp thời ngăn chặn việc mang các vật dụng không được phép vào phòng, khu vực thi; bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý tình huống liên quan đến việc sử dụng thiết bị công nghệ làm lộ, lọt đề thi.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin: Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay được bổ sung điểm mới, những vật thí sinh bị cấm mang vào phòng thi gồm:
Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Quy định này nhằm khắc phục vấn đề vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi liên quan đến thiết bị công nghệ cao cấm mang vào phòng thi của năm 2023.
Tác giả bài viết: Lan Anh
Ý kiến bạn đọc