Đây là tin mừng đối với cán bộ, giáo viên để họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài trong nghề.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có giáo viên. Theo đó, ngoài lương và các khoản phụ cấp đứng lớp, giáo viên được nhận thu nhập tăng thêm tối đa 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ. Đối với các đối tượng nhận thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/tháng.
Cô Nguyễn Thị Hòa - Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TPHCM) vui mừng khi vừa được nhận thu nhập tăng thêm quý 1. “Sau 22 năm công tác, hiện hệ số lương của tôi là 4,69, nhân với mức lương cơ bản và các phụ cấp thì tổng thu nhập vẫn thấp so với nhu cầu sinh hoạt tại TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, với chính sách đặc thù của TP, nếu được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mỗi quý tôi được nhận khoảng 30 triệu thu nhập tăng thêm, còn đạt loại tốt thì khoảng 20 triệu. Điều này giúp giáo viên phần nào thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tôi và nhiều đồng nghiệp rất phấn khởi. Nhờ chính sách này mà giáo viên toàn tâm toàn ý hơn vào việc giảng dạy”, cô Hòa vui vẻ nói.
Tương tự, cô Lê Thị Tuyền - Trường THPT Lê Thánh Tôn (Quận 7, TPHCM) cho hay, nhận thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù của TP đã khuyến khích công nhân viên chức phấn đấu, yên tâm giảng dạy. Đặc biệt, khoản chi này không cào bằng nên tạo động lực cho đội ngũ.
Cô Tuyền mong lương của giáo viên tới đây sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống ở mức trung bình khá, để công chức, viên chức toàn tâm với công việc, không phải bôn ba nghề tay trái, bán hàng online, dạy hợp đồng thêm vài trường để kiếm tiền nuôi con ăn học....
“Bên cạnh chính sách thu nhập tăng thêm, sắp tới thực hiện chính sách lương mới khiến tôi và đồng nghiệp hứng khởi chờ đợi. Tin rằng khi giáo viên có thu nhập ổn định sẽ trách nhiệm hơn với công việc của mình; sống đĩnh đạc, đàng hoàng hơn, đúng với vai trò cao quý lâu nay xã hội trao cho nhà giáo”, cô Tuyền bộc bạch.
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: Hồ Phúc |
Gần 30 năm trong nghề, từ giáo viên đến nay là quản lý, cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cũng như đồng nghiệp luôn mong mỏi nhà giáo sống được bằng nghề.
Cô Thuận trải lòng: “Là trường dân tộc nội trú, ngoài giảng dạy, giáo viên phải chăm lo toàn diện cho học trò, thời gian công sức bỏ ra rất lớn. Vì vậy ngoài lương, cán bộ, giáo viên nhà trường có thêm một số phụ cấp đặc thù. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn phải làm nghề phụ để tăng thêm thu nhập. Do đó, tôi mong mức lương mới có thể cải thiện đời sống giáo viên, để thầy cô yên tâm công tác”.
Hơn 10 năm công tác tại xã biên giới, cô Lò Thị Thỏa - Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Nà Khoang (Sốp Cộp, Sơn La) có mức lương gần 14 triệu đồng. Số tiền này bao gồm phụ cấp công tác vùng biên giới, trông học sinh bán trú và chức vụ tổ trưởng. “Với nhiều người, đây là mức lương tương đối cao. Tuy nhiên, giá cả ngày càng tăng, tôi phải lo toan cho bố mẹ già, con cái học hành nên phải chi tiêu tiết kiệm”, cô Thỏa chia sẻ.
Theo cô Thỏa, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Nà Khoang có 10 điểm trường. Điểm gần nhất cách trung tâm xã 5km, điểm xa nhất cách hơn 20km. Đường đi chủ yếu đường đất, khu vực trung tâm có đường bê tông nhưng đã xuống cấp. Giáo viên phải bảo dưỡng, sửa xe máy liên tục để đảm bảo an toàn.
“Việc đi lại ở vùng cao biên giới khá vất vả, vì vậy nhiều thầy cô ở lại trường 1 tuần mới về thăm nhà. Chưa kể khi mưa lũ, đường trơn, thầy cô phải cắm bản cả tháng. Có thầy cô giáo trẻ tình nguyện cắm bản, xa gia đình, để con nhỏ ở nhà cho bố mẹ nhưng mức lương nhận được cũng chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cuộc sống, nhưng vì tâm huyết với nghề, thương học trò nên chúng tôi vẫn cố gắng bám trường, lớp”, cô Thỏa bộc bạch.
Thầy Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Nà Khoang cũng chia sẻ: Đời sống của nhà giáo còn nhiều gian truân, vất vả, đặc biệt giáo viên dạy ở miền núi, vùng biên giới. Với thầy cô mới công tác trong ngành, mức lương càng thấp, chưa đủ chi tiêu trang trải cuộc sống. Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng cao, biên giới, nhưng so với thực tế công việc vẫn cần đãi ngộ tương xứng để họ yên tâm cống hiến; hiểu rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình với nghề và trò.
Nhiều giáo viên công tác ở vùng biên giới Sốp Cộp chờ lương mới để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Hoàng Hà |
Từ ngày 1/7/2024, lương giáo viên được tính theo chính sách cải cách tiền lương, bao gồm lương cơ bản chiếm 70% tổng lương, phụ cấp 30% và thêm 10% tiền thưởng trích từ quỹ tiền lương của năm. Lương xếp theo vị trí việc làm, còn các khoản phụ cấp gồm ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.
Cô Nguyễn Thị Vân - giáo viên Trường Mầm non Nam Giang (Nam Đàn, Nghệ An) tâm sự, bản thân dạy học ở trường đông trẻ là con em công nhân, vì vậy làm việc mỗi ngày phải đi sớm về muộn. Chưa kể giáo viên mầm non ngoài giáo dục theo chương trình, độ tuổi, còn phải chăm sóc các nhu cầu sinh hoạt khác của trẻ trong thời gian ở trường. Vì vậy, cô Vân hy vọng khi chính sách cải cách tiền lương được thực thi, giáo viên mầm non sẽ được xếp vào nhóm nghề độc hại, có phụ cấp tương xứng.
Từ thực tế công việc, cô Nguyễn Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Giang và nhiều đồng nghiệp mong có chính sách hỗ trợ, tăng phụ cấp để có thêm động lực cống hiến, gắn bó lâu dài với nghề.
“Tôi cho rằng, việc đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là phù hợp, bởi nhiều nhiệm vụ như hiện nay, giáo viên mầm non áp lực cả về thời gian và công việc. Chế độ lương tương xứng sẽ giữ chân được giáo viên, giúp họ yên tâm công tác lâu dài”, cô Hoa nói.
Áp dụng mức lương mới sẽ tạo động lực cho đội ngũ, đặc biệt là giáo viên trẻ gắn bó với nghề là điều đáng mừng. Tuy nhiên cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) bày tỏ mong muốn sau khi áp dụng mức lương mới, các Bộ, ban, ngành cần quan tâm đề xuất để nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.
Lý giải thêm về đề xuất này, cô Trần Thị Hợi cho hay, những giáo viên lâu năm, thời gian mới vào nghề mức lương còn rất thấp. “Thời chúng tôi mới ra trường (năm 1989), với bằng Trung cấp sư phạm, lương chỉ 25.000 đồng/tháng. Yêu cầu về chuẩn trình độ chuyên môn lúc đó đối với giáo viên tiểu học là bằng trung cấp sư phạm trở lên.
Sau 34 năm công tác, dù đã đi học nâng chuẩn theo yêu cầu Luật Giáo dục 2019, nhưng khi xếp bậc lương mới và quy đổi bậc lương theo vị trí việc làm cũng chỉ được xếp bậc 4 hoặc 5. Từ nay đến khi nghỉ hưu theo chế độ, chúng tôi không đủ thời gian để được hưởng bậc lương kịch khung. Vì vậy nếu không tính phụ cấp thâm niên, giáo viên lâu năm sẽ rất thiệt thòi”, cô Hợi nói.
Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đề đạt nguyện vọng, chính sách tiền lương mới có chế độ tương xứng, phù hợp để cán bộ, nhà giáo yên tâm công tác, dành thời gian, tâm huyết tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn để cống hiến lâu dài.
Cùng đó, cân nhắc giữ chế độ phụ cấp thâm niên để ghi nhận những cống hiến, đóng góp và gắn bó với nghề của giáo viên lâu năm, không để họ thiệt thòi vì đội ngũ này có vai trò, công sức trong giai đoạn khó khăn của ngành Giáo dục trước đây.
Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên
Ý kiến bạn đọc