Từ thực tiễn 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở trung học, thầy cô chia sẻ những kết quả cụ thể, thuyết phục khi đối sánh hai cách đánh giá; đồng thời đưa giải pháp thực hiện hiệu quả hơn đánh giá học sinh theo chương trình mới.
Thầy cô tổ Hóa - Sinh, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) cho biết: Theo Chương trình GDPT 2006, việc khen thưởng được áp dụng với học sinh tiên tiến (học lực và hạnh kiểm khá), học sinh giỏi (hạnh kiểm tốt, học lực giỏi). Tình trạng “lạm phát” khen thưởng diễn ra ở không ít trường; có lớp 100% học sinh giỏi.
Quy định đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 khắc phục được tình trạng này; việc đánh giá học sinh toàn diện, thực chất hơn. Số lượng học sinh được khen thưởng giảm bởi yêu cầu cao hơn (đạt học sinh giỏi cần có 6 môn trên 8,0 và không có môn nào dưới 6,5; các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt).
Có cùng nhận định, cô Trương Thị Cẩm Thuý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), thông tin: Năm học 2023 - 2024, toàn trường có 85 học sinh (lớp 10, 11) được khen thưởng, trong đó 6 học sinh xuất sắc, 79 học sinh giỏi. Riêng lớp 11, số được khen thưởng là 46 học sinh; trong khi đó, học sinh lớp 11 học theo Chương trình GDPT 2006 (năm học 2022 - 2023) có đến 120 em được khen thưởng.
Ngoài số học sinh được khen thưởng giảm, cô Trương Thị Cẩm Thúy đánh giá cao quy định mới vì sự đa dạng, linh hoạt trong đánh giá; không còn nặng nề về kiến thức; không phân biệt môn chính - phụ khi chỉ tính điểm trung bình theo từng môn học; không cộng điểm các môn; không đưa điều kiện với môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.
Tại Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), thực hiện Chương trình GDPT 2018, tỷ lệ học sinh được khen thưởng (xuất sắc, giỏi) đạt gần 30%; trong khi đó, số khen thưởng (giỏi, tiên tiến) theo Chương trình GDPT 2006 thường đạt hơn 40%.
Chia sẻ điều này, thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Hân nhận định, quy định đánh giá theo chương trình mới giúp học sinh học đều các môn, không phân biệt môn chính, phụ nên thuận lợi hơn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Yêu cầu cần đạt để được khen thưởng đòi hỏi người học phải phấn đấu nhiều hơn, đầu tư đồng đều các môn học.
Cách đánh giá đa dạng, linh hoạt tạo sự phấn đấu trong học sinh nhưng không ganh đua vì không dựa vào điểm trung bình môn xếp cao thấp; tất cả học sinh có cơ hội phấn đấu và đạt mức theo năng lực, quy định chung.
Là giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh), thầy Nguyễn Phương Bắc cũng nhận định cách đánh giá theo chương trình mới đa dạng, linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho giáo viên thoải mái thiết kế tiết học theo nhiều hình thức, từ đó thực hiện đánh giá học sinh hiệu quả, phù hợp nhiều đối tượng.
Việc này cũng góp phần làm cho hoạt động học mềm mại, uyển chuyển, kích thích sự sáng tạo của thầy và trò; tạo cơ hội để học sinh phát huy tối đa phẩm chất, năng lực trong học tập. Số học sinh được khen thưởng ít đi vì yêu cầu cao hơn so với quy định đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2006.
“Tôi nhận thấy khi triển khai cách đánh giá mới, học sinh không còn cảm giác lo lắng trước mỗi giờ học, sợ bị kiểm tra bài cũ… Thay vào đó, các em thoải mái đón chờ tiết học, thích thú khi tham gia hoạt động học tập; đặc biệt là thực hành trong giờ học Ngữ văn”, thầy Nguyễn Phương Bắc chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Dù triển khai quy định đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 tạo chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khó khăn nhất định. Từ thực tiễn Trường THPT Tháp Mười, thầy Trần Văn Hân cho biết, tình trạng giáo viên bị động, chưa thực sự đa dạng hình thức đánh giá để phát huy tốt nhất vai trò người học còn không ít. Một số dạng thức câu hỏi mới (theo đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025), nhất là dạng trắc nghiệm đúng - sai, sự chuẩn bị của giáo viên chưa tốt.
Khắc phục điều này, theo thầy Hân, cán bộ quản lý và giáo viên cần được bồi dưỡng, tập huấn thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhiều, hiệu quả hơn; nhất là tập huấn về đánh giá học sinh đáp ứng định hướng thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Đồng thời, cần linh hoạt, đa dạng hình thức đánh giá kết quả học tập nhằm thúc đẩy sự cố gắng, phát huy hết năng lực, phẩm chất mỗi người học. Chú trọng phần nhận xét, giúp học sinh phát huy được thế mạnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế để có định hướng phát triển phù hợp.
Thừa nhận khó khăn khi triển khai quy định đánh giá học sinh theo chương trình mới, tuy nhiên thầy Nguyễn Phương Bắc nhận định không ít khó khăn trong số đó đã được khắc phục sau 3 năm triển khai. Cụ thể, học sinh đã quen với cấu trúc bài học trong sách giáo khoa, phương pháp học tập mới và cấu trúc dạng đề kiểm tra.
Các em cũng giảm việc học thụ động, phát huy năng lực sáng tạo và làm việc hợp tác, có kỹ năng khai thác nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa. Hiện tượng người học sợ kiểm tra miệng, bài cũ giảm do phương pháp kiểm tra, đánh giá thường xuyên của giáo viên linh hoạt, hấp dẫn và đa dạng hơn.
Dù vậy vẫn cần tiếp tục khắc phục. Ví dụ, việc học và kiểm tra môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý còn khó khăn với học sinh. Thiết bị, đồ dùng học tập chưa đầy đủ nên một số hoạt động, môn học, học sinh chưa có điều kiện thực hành, phát huy hết khả năng khám phá tri thức, chủ yếu dùng lại ở việc tìm hiểu lý thuyết…
“Để phát huy hiệu quả hơn quy định đánh giá theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên cần nghiên cứu kỹ Thông tư 22/2021 của Bộ GD&ĐT; đánh giá học sinh đảm bảo tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.
Thầy cô cố gắng sử dụng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật, công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đánh giá thường xuyên thực hiện nhiều lần vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của người học, không so sánh học sinh với nhau”, thầy Nguyễn Phương Bắc đưa lưu ý.
Đánh giá rèn luyện hạnh kiểm theo Chương trình GDPT 2018 không bị khống chế bởi kết quả học tập. Quy định này có ưu điểm lớn trong công nhận rèn luyện đạo đức học sinh. Nhiều học sinh kết quả học tập không cao nhưng ngoan ngoãn, tích cực tham gia các hoạt động, có lối sống đạo đức tốt được ghi nhận, khen ngợi. Từ đó, các em có động lực rèn luyện, học tập tốt hơn. - Cô Nguyễn Thu Hằng - Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội)
Tác giả bài viết: Hải Bình
Ý kiến bạn đọc