Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dự buổi lễ.
Ngày 10/4/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 1099/QĐ-BGDĐT công nhận PGS.TS Phạm Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục -ĐHQG Hà Nội, giữ chức vụ Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2020-2025.
Gửi lời chúc mừng đến PGS.TS Phạm Văn Thuần; khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Học viện quản lý giáo dục; ghi nhận đóng góp Học viện trong bề dày lịch sử gần 50 năm qua cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Ngành Giáo dục - đào tạo đang trong quá trình đổi mới, phát triển, cả giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên. Quá trình này, nhà giáo là lực lượng quan trọng có tính chất quyết định.
Nhắc tới nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ GD&ĐT là quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ tinh thần quản lý lấy con người làm gốc, thông qua con người và được thực hiện bởi con người. Để thực hiện được đổi mới giáo dục - đào tạo thông qua nhân tố con người, việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ quản lý giáo dục là khâu đặc biệt quan trọng.
Đây là nội dung Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều năm qua; Học viện Quản lý giáo dục cũng được giao trách nhiệm quan trọng này. Hiện nay, khi sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo đang trong đà triển khai, phát triển, trách nhiệm, sứ mệnh của Học viện Quản lý giáo dục ngày càng quan trọng và nặng nề. Cùng với thử thách, Học viện cũng có cơ hội to lớn để phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. |
Khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn sát cánh cùng lãnh đạo Học viện, trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn tập thể Học viện Quản lý giáo dục, từ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Công đoàn trường, các tổ chức đoàn thể… tiếp tục đoàn kết, thống nhất. Con đường đoàn kết, thống nhất không gì bằng là sự công khai, minh bạch, phát huy trí tuệ tập thể, thành tâm, thực ý, phối hợp, đúng vai thuộc bài trong công việc.
"Mong rằng thời gian tới vị thế của Học viện ngày càng được khẳng định, lan tỏa. Học viện Quản lý giáo dục phải thực sự là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực quản lý giáo dục, từ chất lượng đào tạo và những đóng góp trong đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục", Bộ trưởng nhắn gửi.
Bày tỏ vui mừng và vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tin tưởng giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhiệm kỳ 2020-2025, PGS.TS Phạm Văn Thuần chia sẻ: Trong những năm qua, Học viện Quản lý Giáo dục đã đạt những thành tựu đáng kể trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu, tư vấn chính sách. Dù vậy, những khó khăn nội tại cũng như thách thức từ đòi hỏi của đổi mới giáo dục còn nặng nề phía trước.
Tuy nhiên, Học viện cũng đứng trước thời cơ, cơ hội rất lớn. Có chức năng nghiên cứu, tham mưu, triển khai về khoa học quản lý GD-ĐT; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của ngành; là đơn vị chuyển giao các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Đảng, Nhà nước trực tiếp tới đội ngũ cán bộ quản lý, các cơ sở giáo dục trong toàn quốc, Học viện là một thiết chế giáo dục đặc biệt trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tặng hoa chúc mừng tân Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục |
Tiếp thu và nhận thức rõ nhiệm vụ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao gửi, PGS.TS Phạm Văn Thuần cam kết sẽ hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao; góp sức cùng tập thể Học viện tiếp tục hiện thực hóa sứ mệnh của Học viện, duy trì ổn định và xây dựng tập thể nhà trường đồng thuận, sẻ chia, xả thân vì công việc chung, phát triển Học viện theo tinh thần đổi mới giáo dục Việt Nam. Sự thống nhất, đoàn kết và sẻ chia là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo nên văn hoá tổ chức của Học viện, để triển khai thực hiện thành công các hoạt động của nhà trường.
Trong thời gian tới, PGS.TS Phạm Văn Thuần cho biết sẽ cùng tập thể tập trung đẩy mạnh xây dựng Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, hướng tới tầm khu vực; là trung tâm đào luyện lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà giáo cho ngành Giáo dục.
Đồng thời, Học viện tham mưu hiệu quả với Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý Ngành, như đánh giá và hoàn thiện chính sách giáo dục, quản lý hệ thống, đổi mới chương trình giáo dục trong các cấp học của toàn bộ hệ thống.
Tiếp tục phát huy những nền tảng đã được gây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo sau đại học về khoa học giáo dục nói chung, khoa học quản lý giáo dục nói riêng.
PGS.TS Phạm Văn Thuần phát biểu nhận nhiệm vụ. |
Phát triển chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với thế mạnh của Học viện, tạo ra một cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng. Thiết kế chương trình đào tạo mới nhắm vào nhu cầu phát triển kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21, như quản lý sự thay đổi, đổi mới và sáng tạo, chuyển đổi số. Phát triển các chương trình bồi dưỡng, đào tạo liên tục theo xu hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý giáo dục trong bối cảnh công nghệ 4.0 và chuyển đổi số.
Cùng với đó, quy hoạch, phát triển đội ngũ đồng bộ về cơ cấu, nâng cao về chất lượng. Ban hành chính sách thu hút, tạo môi trường làm việc hiện đại mang tính học thuật để có thể tuyển dụng giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên môn cao, có kinh nghiệm quản lý. Chú ý phát triển tạo nguồn đội ngũ giảng viên trẻ, tiềm năng của Học viện, hướng tới chuẩn bị và đào tạo thế hệ lãnh đạo tiếp theo cho các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục trong cả nước.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách trong các lĩnh vực mà Học viện có thế mạnh. Xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học giáo dục, khoa học quản lý giáo dục, tham vấn học đường..., nhất là mảng chính sách giáo dục và khoa học quản lý giáo dục dựa trên bằng chứng. Đánh giá tác động của các chính sách và chương trình đào tạo để điều chỉnh cho phù hợp, nhằm tăng cường hiệu quả tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý của Ngành, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục.
Chú trọng phát triển hợp tác với đối tác trong nước, quốc tế. Mở rộng mối quan hệ hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các Sở/Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trong trao đổi học thuật, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với một số trường đại học, học viện các nước trong khu vực, thế giới để triển khai một số chương trình bồi dưỡng tiên tiến, chương trình đào tạo liên kết.
Học viện cũng sẽ xây dựng cộng đồng học tập mạnh mẽ; lan truyền tinh thần tự học và học tập cùng nhau và học suốt đời. Hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục và tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ II, kiểm định một số chương trình đào tạo. Xây dựng “văn hóa tổ chức” nhà trường đại học hướng tới chất lượng, hiệu quả công việc, tính chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động...
Với cam kết trách nhiệm xã hội cao nhất và kết quả đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua, năm 2024, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức tuyển sinh 5 chương trình đào tạo đại học, gồm: Tâm lý học giáo dục, Quản lý giáo dục, Kinh tế, Quản trị văn phòng, Ngôn ngữ Anh. Hai phương thức được sử dụng là xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và theo kết quả học tập THPT (học bạ THPT). Công tác xét tuyển thẳng thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú
Ý kiến bạn đọc