Học sinh, nhất là lứa tuổi tiểu học bước vào các khóa học thêm văn hóa trước chương trình, năng khiếu, kỹ năng… với mật độ dày đặc.
Trong vai phụ huynh tìm chỗ gửi con học thêm 3 tháng hè sắp tới, chúng tôi được 1 trung tâm tại quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) giới thiệu về dịch vụ bán trú, lịch học, điều kiện sinh hoạt... Theo đó, buổi sáng, học sinh học Toán, tiếng Việt, luyện viết. Chiều dành cho các nội dung như tô màu, vẽ tranh, nhảy... theo lịch học đan xen từng ngày. Từ 16 giờ trở đi, học sinh chơi tự do trong khuôn viên trung tâm chờ ba mẹ đón.
Thời gian chờ, ba mẹ có thể đăng ký lớp năng khiếu cho con như nhảy, vẽ. Theo nhân viên tư vấn, đứng lớp dạy hè là các giáo viên dạy ở trường tiểu học thuộc quận trung tâm Đà Nẵng. Học phí bán trú 2 triệu/tháng/học sinh. Lớp bán trú từ 8 - 10 em/nhóm. Đây là năm đầu tiên, trung tâm mở lớp bán trú hè có dạy văn hóa cho học sinh, trước đó chỉ dạy năng khiếu.
Một số trung tâm chỉ tuyển sinh các bé sinh năm 2018, sắp bước vào lớp 1 để mở lớp tiền tiểu học. Ví như trung tâm luyện chữ trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu) đang chiêu sinh 2 lớp bán trú hè với mức học phí 2,4 triệu/tháng.
Theo nhân viên trung tâm, học sinh lớp tiền tiểu học được dạy viết, đọc, làm toán. Mỗi tuần 1 buổi tham gia hoạt động kỹ năng khác như: Tiếng Anh, mỹ thuật hoặc kỹ năng sống… Một trung tâm trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng chỉ chiêu sinh lớp tiền tiểu học.
Các lớp bán trú do cá nhân tự mở cũng rầm rộ tuyển sinh trên các hội nhóm của trang mạng xã hội. Nhiều thông báo của cá nhân nhận là giáo viên dạy chương trình dự thính lớp 1, luyện chữ đẹp... với cam kết hấp dẫn về chất lượng dạy và chăm sóc. Mức học phí tại các lớp học bán trú do cá nhân tự mở dao động từ 2 – 2,5 triệu đồng/trẻ…
Mùa Hè đến, trái ngược với mong chờ, niềm vui sướng của học sinh vì được nghỉ ngơi, vui chơi, đi du lịch hay đơn giản là về quê thì nhiều bậc phụ huynh ở đô thị lại băn khoăn, thậm chí căng thẳng với bài toán thu xếp sao cho 3 tháng hè, mọi sinh hoạt của con được tổ chức phù hợp với lịch đi làm của bố mẹ.
Chị Lê Thị B.L (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể: “Hè năm ngoái, tôi chọn giải pháp cho con ở nhà tự học, vì nghĩ con đã có thời gian làm quen với hình thức học trực tuyến. Nhưng thời gian con “lang thang” trên mạng nhiều nên gần như giảm hẳn tương tác với bố mẹ, bạn bè, lười vận động, ở lì trong phòng. Thế nên, năm nay, dù chưa nghỉ hè, vợ chồng đã thống nhất tìm chỗ học cho con. Thôi không bổ ngang cũng bổ dọc”.
Học sinh lớp Lớn, Trường Mầm non Bình Minh tham gia chương trình “Lớp học cầu nối” tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC |
Chủ trương của ngành Giáo dục, nghỉ hè phải là khoảng thời gian để học sinh thư giãn, tham gia chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu… Qua đó, các em được kết hợp ôn tập kiến thức cũ để khi bước vào năm học mới tiếp tục học tập hiệu quả.
Tại TPHCM, dịp hè hằng năm, Sở GD&ĐT TP đều có chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; không được dạy trước chương trình. Các trường được tổ chức hoạt động hè trên cơ sở cha mẹ có nhu cầu gửi con, có đơn xin học hè.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế và các quy định hiện hành, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh nội dung, quy mô tổ chức và phương thức tổ chức phù hợp. Tất cả hoạt động diễn ra trong hè cần lưu ý, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi.
“Các cơ sở giáo dục cần tổ chức các hoạt động hè tập trung rèn luyện kỹ năng cần thiết cho học sinh; xây dựng kế hoạch hoạt động của các câu lạc bộ đa dạng hình thức. Việc ôn tập văn hóa trong hè chỉ dành cho học sinh có học lực yếu, kém”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống tuyệt đối không tổ chức chương trình tiếng Anh, kỹ năng sống, hoạt động bán trú hè cho học sinh; không giữ trẻ mầm non tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Việc tổ chức các hoạt động này không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm”.
Đồng thời, tổ chức giảng dạy các chương trình đã được sở GD&ĐT cho phép, không tự tiện sử dụng giáo trình, tài liệu dạy học trái với chương trình đã đăng ký với sở GD&ĐT và các quy định hiện hành.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện tiếp tục tăng cường rà soát, phối hợp kiểm tra các đơn vị trên địa bàn; chủ động đề xuất, tham mưu UBND quận, huyện, sở GD&ĐT nếu phát hiện đơn vị hoạt động không phép hoặc không đúng chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết theo quy định.
Thực hiện thủ tục xác nhận đăng ký giáo dục kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa đối với cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa và báo cáo về sở GD&ĐT kết quả hoạt động của các đơn vị sau khi kết thúc năm học theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan và phòng GD&ĐT các quận, huyện tăng cường thanh, kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Nếu phát hiện vi phạm, sở GD&ĐT sẽ tiến hành các thủ tục đình chỉ, giải thể theo quy định.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho hay: “Theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với giáo dục tiểu học, trong năm học, các trường tiểu học tổ chức bán trú để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học 2 buổi/ngày; không có quy định, hướng dẫn việc tổ chức bán trú trong hè.
Theo Nghị quyết số 98/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, không có nội dung tổ chức bán trú trong hè đối với cấp tiểu học, vì vậy, các cơ sở giáo dục không có cơ sở để tổ chức dịch vụ bán trú trong hè”.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc