Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới?

Thứ sáu - 29/11/2019 03:40 421 0

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới?

GD&TĐ - “Thi và kiểm tra đánh giá sẽ thay đổi như thế nào khi thực hiện chương trình – sách giáo khoa mới” là chủ đề giao lưu trực tuyến trên báo điện tử Giáo dục và Thời đại, bắt đầu từ 14 - 16 giờ ngày 29/11/2019. Chương trình do Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) phối hợp với Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức. Nhấn F5 để cập nhật...

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được triển khai từ lớp 1 trong năm học 2020 – 2021 với sự thay đổi khá toàn diện, từ số môn học, số tiết học, phương pháp giáo dục, đến nội dung chương trình.

Mỗi nhà trường được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của trường mình nên sẽ có trường hợp ở một thời điểm học sinh các trường sẽ được học khối lượng và nội dung kiến thức/kỹ năng khác nhau.

Vậy, nếu học sinh chuyển trường (ở 2 tỉnh khác nhau) làm thế nào có thể hòa nhập được cùng các bạn trường mới? Việc thi học kỳ/kỳ thi chung cho học sinh toàn tỉnh/quốc gia sẽ tổ chức như thế nào để phù hợp với việc dạy-học của học sinh các nhà trường?...

Chia sẻ của các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến dưới đây sẽ phần nào giải đáp những băn khoăn, thắc mắc nói trên:

- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, kiêm Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP).

- GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 2
TBT Báo GD&TĐ Triệu Ngọc Lâm (giữa), Phó TBT Dương Thanh Hương (phải) tặng hoa cho 3 vị khách mời tại buổi giao lưu.  

Ngay từ bây giờ, quý độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi đến các khách mời về chủ đề trên đến địa chỉ: gdtddientu@gmail.com.

>>> Nhấn F5 để cập nhật...

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Những vấn đề gì nảy sinh cần giải quyết đối với giáo viên các cấp khi bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới? 

Trần Linh Anh (Giáo viên ở Sóc Sơn)

GS. Đinh Quang Báo :

Các cấp học xuất hiện một số môn học mới, trong đó có những môn học tự chọn, lựa chọn, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tương đương với một môn học; môn Lịch sử, Địa lý (tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý trước đây), môn Khoa học Tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trước đây), môn lựa chọn định hướng nghề nghiệp THPT.

Những môn học mới đó nảy sinh đòi hỏi giáo viên, cán bộ quản lý phải được bồi dưỡng để thực hiện. Đặc biệt, phải được bồi dưỡng ngay sau khi chương trình ban hành.

Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh hiện nay được THPT Yên Hòa thực hiện như thế nào và trường có định hướng gì để sắp tới khi triển khai hiệu quả công tác hướng nghiệp theo yêu cầu của chương trình GDPT mới? 

Trần Ngọc Trâm Anh (GV ở Phú Thọ)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Những năm qua, nhà trường đã quan tâm đến định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Thực tế con người bộc lộ phẩm chất và năng lực qua hành động, qua việc làm. Giáo viên càng tổ chức cho học sinh được làm việc, được tham gia nhiều vào các hoạt động giáo dục thì các em càng có khả năng tự phát hiện năng lực của bản thân để định hướng nghề nghiệp cho mình.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 3
Bà Nguyễn Thị Nhiếp (trong cùng): Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiệm vụ của nhà trường là ngày càng đẩy mạnh đổi mới giáo dục, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành.

Vì thế, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiệm vụ của nhà trường là ngày càng đẩy mạnh đổi mới giáo dục, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành… giúp học sinh phát hiện năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đội giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải được tập huấn, đào tạo bồi dưỡng về công tác tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông và hướng dẫn cha mẹ học sinh định hướng nghề nghiệp cho con em mình.

Dạy học hai buổi/ngày cũng hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập, đáp ứng yêu cầu quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học. Việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày không phải là mới. Vậy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng ra sao để học sinh không bị nhàm chán, thưa ông? 

Cô giáo Nguyễn Mai Hoa (Ba Vì)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo yêu cầu của chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động học một cách chủ động, tích cực, cả trong và ngoài lớp học.

Đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì cần phải tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm của học sinh, có thể ở trong phòng thí nghiệm, có thể ở vườn trường và ở những không gian khác nhau phù hợp với nội dung của bài học. Khi đó, học sinh luôn luôn được giao những nhiệm vụ học tập phải hoàn thành. Giáo viên và nhà trường cần phải thực hiện được như trên để tạo cơ hội cho học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, tránh nhàm chán.

Theo GS, cán bộ quản lý cần được trang bị những kỹ năng gì để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới? 

Lê Quốc Bảo (TP.HCM)

GS. Đinh Quang Báo :

Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia là một chương trình quy định tối thiểu và là một chương trình mở, đồng thời nó cũng là một kịch bản “tĩnh”. Nó chỉ được hiện thực hóa thông qua vận hành trong thực tiễn từng cơ sở giáo dục phổ thông.

Chính vì vậy, người ta khuyến cáo chất lượng giáo dục dựa vào nhà trường. Như vậy, mỗi nhà trường là một đơn vị thi công trực tiếp tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 4
GS Đinh Quang Báo: "Mỗi nhà trường là một đơn vị thi công trực tiếp tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia". 

Khi đó, hiệu trưởng là người trực tiếp để quản trị quá trình giáo dục, nên hiệu trưởng không chỉ quản lý hành chính mà phải quản lý bằng quy luật giáo dục phù hợp.

Cho nên chất lượng giáo dục phổ thông phụ thuộc vào năng lực quản trị của người hiệu trưởng. Trong đó, họ phải tổ chức nhân sự, phát triển chương trình bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên, tổ chức hệ thống các học liệu và điều kiện cơ sở vật chất bồi dưỡng phù hợp với bối cảnh nhà trường và địa phương. Nghĩa là, họ phải có năng lực tổ chức phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường theo tiếp cận năng lực học sinh.

Chương trình GDPT mới có thêm môn học Hoạt động trải nghiệm. Thực tế nhiều năm gần đây, nhiều nhà trường đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm này. Với THPT Yên Hòa, hoạt động đã được tổ chức như thế nào và nhà trường có phương án gì để tạo hứng thú cho học sinh, cũng như tới đây đạt được mục tiêu môn học mà chương trình GDPT mới đề ra? 

Phụ huynh Lê Giang Nam (Cầu Giấy, Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Hoạt động trải nghiệm cũng nằm trong tổng thể kế hoạch giáo dục của nhà trường; có kế hoạch, có mục tiêu, có cách thức tổ chức hoạt động, có báo cáo sản phẩm,…

Các hoạt động trải nghiệm đó có thể là trải nghiệm các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm hoạt động giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm kiến thức của các môn học, các chuyên đề (đơn môn hoặc liên môn).

Thực tế học sinh rất thích được học trải nghiệm vì các em được học, được làm, được thể hiện năng lực của bản thân dưới sự hướng dẫn, điều khiển của giáo viên. Mỗi hoạt động trải nghiệm càng được xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, chu đáo thì hiệu quả càng cao. VD: Bước chuẩn bị, bước thực hiện, bước báo cáo… Mỗi bước phải rõ nhiệm vụ của giáo viên và học sinh.

Giáo viên càng sáng tạo, nắm bắt tâm lý học sinh tốt thì cách tổ chức hoạt động trải nghiệm càng thu hút, tạo hứng thú đối với học sinh.

Việc triển khai chương trình GDPT mới trong đó có 2 môn bắt buộc là ngoại ngữ và tin học sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với các địa phương trong việc tuyển dụng nhân sự. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này? 

Lê Ngọc Lan Hoa

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Hiện nay, môn Ngoại ngữ và Tin học ở tiểu học là môn tự chọn và cũng được đông đảo học sinh lựa chọn. Nhiều địa phương, nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu này. Khi thiết kế chương trình mới, với các môn nói trên là bắt buộc, thì đã có sự tính toán để đảm bảo khả thi.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 5
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

Mặt khác, chương trình mới được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu. Ở tiểu học, bắt đầu từ lớp 3 mới có môn Ngoại ngữ, Tin học là bắt buộc, nghĩa là sẽ thực hiện từ năm học 2022-2023; do đó, chúng ta có thời gian để chuẩn bị để các trường sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy Ngoại ngữ, Tin học đáp ứng yêu cầu.

GS có thể nói rõ hơn tầm quan trọng của đội ngũ cốt cán đảm nhiệm việc “dẫn đường” nằm trong lộ trình đào tạo của các trường sư phạm? 

Trần Lương

GS. Đinh Quang Báo :

Giải pháp hình thành đội ngũ giáo viên cốt cán là một đột phá trong phát triển chất lượng nghề nghiệp đội ngũ giáo viên, vì đội ngũ này vừa có vai trò tham gia đào tạo ban đầu với các trường sư phạm, thực hiện cơ chế liên kết sư phạm phổ thông cả trong đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên.

Đội ngũ này sẽ là lực lượng hạt nhân để xây dựng mỗi nhà trường thành một đơn vị phát triển nghề nghiệp thường xuyên theo phương thức học tập tại nơi làm việc; thực hiện nguyên tắc chất lượng giáo dục dựa vào nhà trường. Đội ngũ giáo viên này khi thực hiện các nhiệm vụ trên sẽ khắc phục được sự bồi dưỡng áp đặt từ trên xuống vốn không đưa lại hiệu quả nhiều trong thời gian qua.

So với việc cả nước dùng chung một bộ SGK như chương trình hiện hành, thì việc có nhiều SGK trong cùng một chương trình GDPT mới, theo cô, có ý nghĩa và tác động như thế nào đến công tác dạy và học của giáo viên, học sinh? 

Trần Thị Vy (Lâm Đồng)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Theo tôi, việc mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn và phù hợp xu hướng trên thế giới. Với quy định này, giáo viên sẽ được chủ động hơn trong việc lựa chọn các ngữ liệu, phương pháp sư phạm, để tổ chức dạy học cho học sinh.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 6

 Bà Nguyễn Thị Nhiếp: "Việc mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn và phù hợp xu hướng trên thế giới".

Chẳng hạn, như hiện nay việc dạy học, giáo viên vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sách giáo khoa, coi sách giáo khoa là pháp lệnh và tài liệu tham khảo chủ yếu là sách hướng dẫn giáo viên. Nhưng với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, thì với một nội dung giáo viên có cơ hội để tham khảo nhiều sách giáo khoa và các tài liệu khác nhau, để thiết kế bài dạy và tổ chức hoạt động học.

Theo đó, giáo viên buộc phải tự học nhiều hơn, phải năng động hơn và sáng tạo hơn.

Sự thay đổi của giáo viên tác động đến sự thay đổi ý thức tự học và phương pháp học của học sinh. Các em cũng phải tự học, tự tìm hiểu kiến thức ở nhiều nguồn tài liệu khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Qua đó, các em cũng học được nhiều hơn kiến thức thực tế trong cuộc sống, giúp các em phát triển toàn diện.

Thưa ông, kết quả giáo dục được đánh giá bằng định tính và định lượng cụ thể trong môn Ngữ Văn, Toán và Vật lý như thế nào? Việc áp dụng phương pháp đánh giá mới này có thể bị ảnh hưởng bởi những nhận định chủ quan của giáo viên? Làm thế nào để hạn chế những đánh giá mang tính chủ quan? 

Lê Quỳnh (33 tuổi, Hà Nội - Nhân viên văn phòng)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Việc đánh giá định tính sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh được thực hiện trong quá trình tổ chức hoạt động học, thông qua những sản phẩm học tập mà học sinh đã hoàn thành. Qua đó, giáo viên sẽ có những nhận xét, đánh giá để giúp học sinh tiến bộ.

Ví dụ: Khi học sinh được giao nhiệm vụ giải 1 bài tập, hay viết 1 đoạn văn, thì giáo viên có thể quan sát, đánh giá lời giải, hay bài viết để qua đó có những nhận xét mang tính định tính, để giúp học sinh hoàn thiện.

Điều trên, tuy rằng có tình chủ quan của giáo viên, nhưng nó lại có một căn cứ quan trọng, đó chính là nội dung của hoạt động đó mà câu trả lời hay bài viết phải đáp ứng. 

Còn đánh giá để cho điểm là đánh giá định lượng, thông qua các bài kiểm tra, hay các sản phẩm học tập như bài trình bày hay bài viết, thì sẽ có tiêu chí, bảng kiểm, thang điểm, để quyết định điểm số này (như chấm 1 bài văn). Điều đó sẽ đảm bảo sự khách quan trong đánh giá.

Giải pháp trong việc bồi dưỡng cấp tốc đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở phía trong tình hình hiện nay, thưa GS?

Mai Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

GS. Đinh Quang Báo :

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều đổi mới, nên thời điểm ban đầu, cần tập trung bồi dưỡng đổi mới cơ bản nhất của chương trình cho giáo viên. Trong đó, cơ bản nhất và cấp tốc bồi dưỡng đó là bồi dưỡng giáo viên năng lực phân tích chương trình (đọc bản thiết kế).

Sau khi quán triệt bản chất của chương trình phải bồi dưỡng giáo viên thực hành phân tích cấu trúc từng phẩm chất năng lực và mối quan hệ giữa cấu trúc này với yêu cầu cần đạt của từng chủ đề nội dung môn học để họ biết, khi tổ chức dạy học phải tích hợp được rèn luyện phẩm chất năng lực đó (nghĩa là, giáo viên phải có kỹ năng thiết lập một ma trận quan hệ giữa nội dung và năng lực phẩm chất cần hướng tới).

Thực hiện việc đó, Bộ GD&ĐT đã bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán và tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, tập huấn về phương pháp dạy học giáo dục, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.

Con tôi năm tới vào lớp 1, cháu rất nhút nhát vậy khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy thì những môn học nào có thể giúp con tôi hòa đồng và phát huy được năng lực của mình?

Quỳnh Thy (Hải Phòng)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Môn học nào cũng vậy, để học sinh được phát triển phẩm chất năng lực thì giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động. Học sinh sẽ phải tự làm những nhiệm vụ mà giáo viên giao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; rồi phải nói với bạn về những việc mình đã làm được; phải nghe bạn nói về việc mà bạn đã làm... Vì vậy, sự nhút nhát của học sinh (nếu có) sẽ dần được khắc phục trong môi trường ấy. Đó cũng là mục tiêu của chương trình phát triển năng lực.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 7
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, mục tiêu của chương trình phát triển năng lực là dần khắc phục sự nhút nhát của học sinh (nếu có).
Những hoạt động nào gắn với thực tế để học sinh lớp 1 phát huy được năng lực của mình trong tiếp thu kiến thức? 

Cô giáo Nguyễn Diệu An (Hoàng Mai, Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Mọi hoạt động học đều có thể gắn với thực tế để học sinh phát huy được năng lực của mình. Ví dụ: Để học sinh lớp 1 thực hiện các phép tính trong phạm vi 100, thì những nhiệm vụ giao cho học sinh thực hiện trong quá trình học tập luôn có thể sử dụng những đồ vật ở xung quanh để học sinh thực hành, vận dụng kiến thức. Qua đó, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức 1 cách thông thường mà sẽ có cơ hội để phát triển những năng lực có liên quan.

Những hoạt động học khác như đọc, viết,... thì cũng tương tự, đều có thể gắn với thực tiễn trong môi trường sống xung quanh các em.

Sinh viên sư phạm ra trường cần có những giải pháp nào giúp sinh viên tạo thành thể thống nhất và đảm bảo đào tạo gắn với thực tiễn? 

Bùi Thị Loan

GS. Đinh Quang Báo :

Để sinh viên mới tốt nghiệp sư phạm đáp ứng được thực tiễn giáo dục ở trường phổ thông là một câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ sở đào tạo giáo viên không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là các giải pháp trong công đoạn đào tạo ban đầu ở trường sư phạm thì chương trình đào tạo của các trường phải cân đối giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực tập thực hành sư phạm.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 8
GS. Đinh Quang Báo: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương hình thành đội ngũ giảng viên sư phạm, giáo viên phổ thông cốt cán. Đội ngũ này làm nòng cốt gắn Sư phạm phổ thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Gần đây, các trường Sư phạm đã tăng thời lượng và tần suất tổ chức sinh viên thực hành thực tập ở các trường phổ thông. Để thực hiện việc này, các trường Sư phạm đã xây dựng một hệ thống các trường phổ thông thực hành (các trường đó có thể trực thuộc trường Sư phạm hoặc ở các địa phương). Bộ GD&ĐT đã có quy chế để thực hiện việc này.

Ví dụ: ĐHSP Hà Nội có trường THPT Nguyễn Tất Thành. ĐH Giáo dục, ĐH SP HN2, ĐH Thái Nguyên,….

Hơn nữa, các trường Sư phạm phải thực hiện phương thức đào tạo trong thực tiễn tác nghiệp ở trường phổ thông theo nguyên tắc “Sư phạm – phổ thông” là một hệ thống “bên đào tạo, bên sử dụng”. Trong đó, tạo ra cơ chế nhà trường phổ thông phải tham gia trực tiếp trong quá trình đào tạo sinh viên. Ngược lại, các trường Sư phạm cũng phải trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương hình thành đội ngũ giảng viên sư phạm, giáo viên phổ thông cốt cán. Đội ngũ này làm nòng cốt gắn Sư phạm phổ thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Giải pháp tiếp theo là tổ chức bồi dưỡng tập sự cho giáo viên mới ra trường. Từ trước tới nay đã có tập sự nhưng thực tiễn chưa có hiệu quả. Vì vậy, cần phải phát triển nội dung tập sự và có cơ chế hóa cấp chứng chỉ tập sự. Tiến tới, theo kinh nghiệm của nước ngoài chính là bồi dưỡng, cấp giấy phép hành nghề.

Bồi dưỡng tại các địa phương giúp giảm bớt thời gian đi lại cho giáo viên, dự án có những hỗ trợ gì về trang thiết bị đáp ứng cập nhật với những yêu cầu của chương trình mới? 

Lưu Hương Giang (GV – Thái Bình)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như việc bồi dưỡng thường xuyên về lâu dài sẽ được thực hiện theo hình thức kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng trực tiếp. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn tại các trường, cụm trường ở địa phương với sự hỗ trợ đồng nghiệp của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai theo mô hình này bằng cách: xây dựng một hệ thống bồi dưỡng qua mạng để mọi giáo viên có thể tiếp cận trực tiếp với nguồn tài liệu từ trung ương; đồng thời phát triển hệ thống giáo viên cốt cán ở các địa phương để thực hiện chủ trương trên.

Tại sao trong dạy học phát triển năng lực học sinh, dạy học phân hoá là bắt buộc? 

Ngọc Hà (GV Thanh Hóa)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Về nguyên tắc, việc dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh phải tạo điều kiện cho mọi học sinh có cơ hội phát triển hết tiềm năng của bản thân. Vì vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ phải tổ chức hoạt động học cho học sinh thực hiện, trong đó, phải coi trọng hoạt động của cá nhân để đảm bảo không hạn chế những học sinh có khả năng vượt trội, cũng không để một học sinh nào phải tụt lại phía sau. Đó chính là tư tưởng của dạy học phân hóa. 

Với thực tế đội ngũ giáo viên của THPT Yên Hòa, cô đánh giá như thế nào về tính khả thi, hiệu quả khi giảng dạy SGK mới? 

Nguyễn Lê Mai Thảo (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới được viết theo hướng mở và giáo viên được chủ động lựa chọn các ngữ liệu, phương pháp sư phạm, để giảng dạy cho học sinh. Đây là điều kiện tốt để giáo viên lựa chọn được nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với chính mình và với đối tượng học sinh.

Thực tế, những năm qua, đa số đội ngũ giáo viên Trường THPT Yên Hòa cũng thiết kế và tổ chức giảng dạy theo hướng “mở” như chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy tôi cho rằng đội ngũ giáo viên của nhà trường sẽ sẵn sàng đón nhận những đổi mới của giáo dục.

Không riêng gì đội ngũ giáo viên Trường THPT Yên Hòa, việc gì thay đổi ban đầu cũng đều có khó khăn, bỡ ngỡ một chút nhưng chúng tôi sẽ hướng dẫn, đồng hành cùng đội ngũ giáo viên. Vì thế tôi rất tin vào tính khả thi, hiệu quả khi giảng dạy sách giáo khoa mới.

SGK không chỉ phục vụ đối tượng học sinh mà còn cả cha mẹ học sinh. Để thực hiện đúng tinh thần môi trường giáo dục, sau khi ra mắt bộ SGK mẫu thì Bộ có kế hoạch gì để giáo viên, học sinh tiếp nhận thật tốt những kiến thức trong SGK, thưa ông?

Mai Văn Tuấn (Lào Cai)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Bộ GD&ĐT triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về chương trình, về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chương trình. Theo đó, SGK là phương tiện để giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động học, khai thác những nội dung bài học để chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng kiến thức.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 9
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

Sau khi các SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng thì các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng các SGK theo tinh thần trên.

Các nhà trường sư phạm phải thay đổi chương trình và đào tạo giáo viên cho phù hợp với chương trình mới ra sao?

Nguyễn Tú Quyên (Lâm Đồng)

GS. Đinh Quang Báo :

Về nguyên tắc, Giáo dục phổ thông là đối tượng phục vụ trực tiếp của các trường sư phạm, nên các trường sư phạm phải thực hiện được vai trò định hướng giáo dục phổ thông và phục vụ đáp ứng giáo dục phổ thông.

Để thực hiện được vai trò này, trường sư phạm phải có chương trình đào tạo để giáo viên và cán bộ quản lý có năng lực đáp ứng với bất kỳ sự đổi mới nào của giáo dục phổ thông, vừa nghiên cứu để phát triển các chương trình phục vụ trực tiếp cho đổi mới diễn ra trong từng thời điểm, từng giai đoạn.

Theo đó, lần này, các trường Sư phạm đã xây dựng chương trình đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên mà Bộ đã ban hành. Đồng thời, biên soạn 54 modun để bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó chú trọng đến việc đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc thi học kỳ/kỳ thi chung quốc gia sẽ tổ chức như thế nào để phù hợp với việc dạy-học của học sinh các nhà trường? 

Phan Thu (GV Bình Dương)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi - về cơ bản là giữ ổn định. Điểm khác chỉ là ở nội dung của các bài thi. Trong đó, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Ví dụ: Để đánh giá về phẩm chất, năng lực của học sinh đối với chủ đề "sống cần kiệm", thay vì yêu cầu học sinh phát biểu "thể nào là sống cần kiệm" thì đề thi đánh giá năng lực phải ra một tình huống cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể, đứng trước tình huống đó yêu cầu học sinh phải xử lý. Chính cách xử lý đó của học sinh sẽ thể hiện được sự nắm vững kiến và phát triển phẩm chất năng lực của học sinh với chủ đề này.

Hoặc, với Vật lý, thay vì kiểm tra những kiến thức về chuyển động thẳng, thì có thể yêu cầu học sinh thiết kế một đường trượt tuyết cho người yêu thích tốc độ từ đỉnh một quả đồi xuống, với 3 phương án: đường thẳng, đường vồng lên, đường lõm xuống, để học sinh phải lựa chọn và giải thích.

Trước đây, việc kiểm tra đánh giá thường xuyên chủ yếu đều hỏi về nội dung được nêu trong SGK. Tới đây, theo định hướng của Bộ GDĐT, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ “thoát” ngữ liệu trong sách. Chủ trương này, theo cô có ý nghĩa, hiệu quả như thế nào? 

Hoàng Văn Thanh

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Tôi rất mong chờ chủ trương này thành hiện thực, càng sớm càng tốt. Vì nếu kiểm tra, đánh giá, thi cử “thoát” ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ buộc giáo viên tự phải nâng tầm của bản thân, tự học, tự bồi dưỡng nhiều hơn nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp. Tôi nghĩ đó cũng là cách bồi dưỡng giáo viên rất tuyệt vời.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 10
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp: Tôi rất mong chờ chủ trương kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ “thoát” ngữ liệu trong sách thành hiện thực, càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, với cách kiểm tra, đánh giá như trên, sẽ khắc phục được tình trạng học sinh “học tủ”, “học lệch”. Cùng với đó các em sẽ phải tìm hiểu, cập nhật nhiều kiến thức thực tiễn của cuộc sống. Điều này sẽ giúp các em phát triển toàn diện.

Hiện nay, việc đào tạo giáo viên ở vùng sâu, xa điều kiện khó khăn sẽ ra sao để có thể đáp ứng Chương trình phổ thông mới?

Hoàng Mai Hương (Giáo viên ở Thanh Oai, Hà Nội)

GS. Đinh Quang Báo :

Trước hết, phải theo nguyên tắc là dù giáo viên ở vùng nào cũng đều phải đáp ứng được chuẩn nghề nghiệp giáo viên với yêu cầu tối thiểu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Cho nên, các trường Sư phạm khi phát triển chương trình và tổ chức chương trình đều hướng tới người tốt nghiệp phải đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Như vậy, để giáo viên vùng khó đáp ứng được yêu cầu thì có hai công đoạn:

Một là, khi đào tạo ở trường Sư phạm, với sinh viên được tuyển sinh theo cử tuyển, trường Sư phạm phải có quy trình đào tạo đặc thù cho đối tượng này.

Hai là, công đoạn bồi dưỡng tại chức, tức là bồi dưỡng cho giáo viên công tác ở vùng khó. Các trường Sư phạm và Bộ GD&ĐT phải phát triển chương trình và bồi dưỡng, hướng tới khắc phục khó khăn mà họ thường xuyên gặp phải khi thực hiện chương trình.

Lâu nay, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chương trình, dự án để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý ở vùng khó. Để đổi mới chương trình này, chương trình ETEP, RGEP lần này đã biên soạn một hệ thống tài liệu bồi dưỡng cho các đối tượng này.

Các bộ sách giáo khoa khác nhau về cấu trúc nội dung, chủ đề bài học, ngữ liệu dạy học, vậy ai xây dựng kế hoạch dạy học, có chuẩn nào để kiểm tra đánh giá?

Trịnh Thị Hạnh, 34 tuổi,TH H.A.S, Giáo viên

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Tất cả SGK đều được biên soạn theo chương trình, đảm bảo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Các tiêu chí để biên soạn SGK, trong đó có cấu trúc mỗi bài học trong SGK đã được quy định trong Thông tư 33, gồm 4 phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 11
 Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, tất cả SGK đều được biên soạn theo chương trình, đảm bảo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình.

Cách thể hiện trong các SGK khác nhau có thể khác nhau về kênh chữ, kênh hình, ngữ liệu, nhưng phải bảo đảm yêu cầu của chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá, thi theo chương trình, không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong SGK. Đó chính là ưu điểm của chương trình định hướng phát triển năng lực; cũng là ưu điểm của một chương trình, nhiều SGK.

Việc kiểm tra đánh giá, thi cử thoát ngữ liệu trong SGK, theo đánh giá của cô, liệu có khả thi khi giáo viên hiện nay đều được đào tạo và quen giảng dạy, kiểm tra/đánh giá học sinh theo cách truyền thống?

Lê Tuyết Mai (Nam Định)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Tại sao lại không khả thi khi mà những năm gần đây các trường, các tỉnh/ thành và trong đề thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT đã có những nội dung thoát khỏi ngữ liệu sách giáo khoa, được dư luận đánh giá cao?

Ban đầu sẽ có lúng túng, bỡ ngỡ nhưng nếu có sự hướng dẫn, đồng hành của Ban giám hiệu nhà trường thì tôi tin là giáo viên sẽ làm được, thậm chí là làm tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, bồi dưỡng GV nhưng lại chưa có sách giáo khoa (SGK) về Chương trình GDPT mới thì sẽ khó đạt hiệu quả, GS có thể chia sẻ về vấn đề này? 

Nguyễn Văn Phúc (Ba Vì)

GS. Đinh Quang Báo :

Đúng là nếu có sách giáo khoa sẵn thì thuận lợi hơn cho người biên soạn chương trình và tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới.

Lần đổi mới chương trình này khác trước ở chỗ là thiết kế một chương trình đảm bảo tường minh, để mọi người khi sử dụng chương trình đều cùng một cách hiểu, và đó chính là yêu cầu của một chương trình đảm bảo cho thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 12
GS Đinh Quang Báo trả lời câu hỏi của độc giả. 

Như vậy, mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình là cái bắt buộc, còn sách giáo khoa có thể có nhiều sáng tạo linh hoạt khác nhau để đáp ứng được yêu cầu cần đạt đó.

Theo nguyên tắc đó, lần này, những người được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu tổ chức tập huấn cho giáo viên phải thực hiện hai công việc:

Một là, tổ chức giáo viên, cán bộ quản lý và người biên soạn sách giáo khoa, phân tích một cách tường minh để quán triệt đầy đủ yêu cầu cần đạt của chương trình. (Nghĩa là, giúp cho họ phải đọc được bản thiết kế)

Hai là, người biên soạn chương trình phải làm mẫu, lựa chọn thông tin liên quan đến môn học để nội dung đó vừa là một yếu tố cấu thành phẩm chất và năng lực học sinh, vừa là phương tiện để tổ chức học sinh khám phá, tìm hiểu. Qua đó, vừa lĩnh hội được kiến thức môn học, vừa phát triển được phẩm chất, năng lực chung và đặc thù. Cách lựa chọn nội dung đó có nhiều phương án khác nhau, miễn là đạt được yêu cầu về phẩm chất năng lực mà chương trình quy định.

Tới đây, giáo viên cũng phải được tập huấn để có thể sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung thông tin và tổ chức học sinh gia công xử lý thông tin. Thậm chí, họ có thể không dựa vào cuốn sách giáo khoa nào hoặc có thể dựa vào nhiều sách giáo khoa để lựa chọn thông tin.

Rõ ràng đề thi, bài thi kiểm tra sẽ tùy vào bộ sách giáo khoa mà địa phương đó lựa chọn vậy khi học sinh chuyển trường, đặc biệt khi em đó chuyển sang địa phương khác học tập thì sẽ như thế nào, thưa ông?

Phan Thu Hà (Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

SGK là phương tiện để tổ chức hoạt động dạy học, trong đó, học sinh làm việc với các ngữ liệu cụ thể (kênh chữ, kênh hình) trong SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức theo quy định của chương trình.

Dù ngữ liệu trong SGK khác nhau là khác nhau nhưng kiến thức "chứa" trong đó để học sinh tiếp nhận, vận dụng là giống nhau, vì phải đáp ứng theo yêu cầu của chương trình. Do đó, khi chuyển trường, học sinh học SGK khác, làm việc với ngữ liệu khác, vẫn không bị ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức để phát triển phẩm chất, năng lực.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 13
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, dù ngữ liệu trong SGK khác nhau là khác nhau nhưng kiến thức "chứa" trong đó để học sinh tiếp nhận, vận dụng là giống nhau. Ảnh minh họa. 

Ví dụ, cùng dạy về chủ đề "sống cần kiệm", ngữ liệu trong SGK khác nhau có thể chọn câu chuyện khác nhau để giao cho học sinh khai thác. Nhưng kết quả cuối cùng, học sinh vẫn nắm được và vận dụng được kiến thức về sống cần kiệm. Ngay cả việc vận dụng kiến thức về sống cần kiệm để giải quyết tình huống trong thực tiễn, thì tình huống cần giải quyết cũng có thể là khác nhau với 2 học sinh khác nhau, nhưng đều có thể đánh giá được sự phát triển năng lực, phẩm chất của 2 em đó về vấn đề này.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Thực tế công tác kiểm tra đánh giá học sinh đang được trường THPT Yên Hòa thực hiện như thế nào? Nhà trường có định hướng nào để triển khai cách kiểm tra/đánh giá theo định hướng của chương trình GDPT mới? 

Trần Minh Đăng (GV Cầu Giấy)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Tại trường THPT Yên Hòa công tác kiểm tra đánh giá học sinh đang được thực hiện khá bài bản và theo hướng đổi mới. Cụ thể: Các kỳ thi tập trung được thực hiện theo quy trình của Bộ GD&ĐT từ việc thành lập ban ra đề, ban phản biện đề, ban làm phách cho đến tổ nhập điểm đều được làm việc độc lập; đồng thời các quy định đối với giáo viên và học sinh được áp dụng theo Quy chế thi Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, nhiều câu hỏi trong đề thi được thực hiện theo hướng mở; chấm bằng máy với bài thi trắc nghiệm…

Với các bài kiểm tra thường xuyên, giáo viên rất chú trọng đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua học sinh báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Cách kiểm tra, đánh giá của Trường THPT Yên Hòa đã và đang thực hiện theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Khi mỗi địa phương chọn một sách giáo khoa, tức là đề thi, bài thi kiểm tra sẽ thay đổi, vậy khi tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho học sinh cả nước thì liệu có công bằng không, thưa ông?

Phạm Mạnh Hưng (Giáo viên ở Yên Bái)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Một chương trình, nhiều SGK, nhưng việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi là theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình - điều đó là thống nhất, nên sẽ đảm bảo công bằng cho mọi học sinh học các SGK khác nhau. 

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 14
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành trả lời câu hỏi giao lưu.
Để triển khai Chương trình GDPT mới, trường THPT Yên Hòa đã chuẩn bị cơ sở vật chất như thế nào để đáp ứng được tính thực tiễn, tính mở nhằm phát triển năng lực cho học sinh?

Nguyễn Thảo My (Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :

Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất “cứng” (trong nhà trường) đảm bảo việc thực hiện dạy học các giờ dạy trên lớp, còn phải chuẩn bị cơ sở vật chất “mềm” (ngoài nhà trường) để tổ chức dạy học chuyên đề ngoài lớp, các hoạt động trải nghiệm.

Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 15
Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa trả lời câu hỏi của độc giả.  

Cơ sở vật chất này được các bộ môn có kế hoạch dự tính ngay từ khi xây dựng kế hoạch dạy học bộ môn trước khi bước vào năm học mới để còn tiền trạm và hợp tác với nơi có cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó, giáo viên bộ môn thiết kế bài dạy/ chuyên đề theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Việc tìm hiểu cơ sở vật chất ngoài nhà trường có ý nghĩa quan trọng, giúp nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với mục tiêu từng bộ môn.

Là người trong quản lý trong ngành sư phạm lâu năm, GS có thể đánh giá sơ bộ SGK của chương trình giáo phổ thông mới thế nào? 

Nguyễn Hồng Vân (Cần Thơ)

GS. Đinh Quang Báo :

Về nguyên tắc, sách giáo khoa là cụ thể hóa chương trình giáo dục, đặc biệt là chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.

Vì vậy, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới khác với chương trình giáo dục trước đây thì sách giáo khoa cũng có những đổi mới. Điểm khác nhau là: Chương trình trước đây theo tiếp cận nội dung, mục tiêu và yêu cầu cần đạt chủ yếu là hướng tới tổ chức học sinh “lĩnh hội” được càng nhiều kiến thức càng tốt và đánh giá kết quả dựa vào khối lượng kiến thức mà các em lĩnh hội được.

Với đặc điểm đó, sách giáo khoa từ trước tới nay đang nặng về cung cấp thông tin về kiến thức môn học, mà chưa thực sự chú ý đến tổ chức hoạt động vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong học tập và thực tiễn đời sống.

Chương trình mới được phát triển theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, nghĩa là, mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình hướng vào hình thành ở học sinh năng lực “làm” được gì.

Theo đó, Sách giáo khoa phải chú ý cả hai chức năng:

Một là cung cấp thông tin

Hai là tổ chức cho học sinh gia công trí tuệ thông tin đó để giải quyết các vấn đề xảy ra trong tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Chức năng thứ 2 là điểm nổi bật khác biệt của sách giáo khoa hiện hành.

Kiểm tra và đánh giá về năng lực và phẩm chất nhưng phương tiện, công cụ không đủ thì làm thế nào để đánh giá. Hay là quay lại kiểm tra, đánh giá kiến thức, thưa ông?

Duong Cong Dung (Vũ Quang, Hà Tĩnh - giáo viên)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực là đánh giá việc sử dụng kiến thức, kĩ năng của người học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn.

Trong quá trình dạy học theo phương pháp dạy học tích cực, học sinh được tổ chức để thực hiện các hoạt động học và tạo ra các sản phẩm học tập cụ thể: hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập...

Việc đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh sẽ dựa trên những sản phẩm đó. Vì vậy, không lo việc không có đủ phương tiện, công cụ để đánh giá.

Chương trình GDPT mới sẽ mang tính “mở”, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học, từ đó phát huy được các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình mới và đòi hỏi mới của thực tế cuộc sống. Vậy trường THPT Yên Hòa có những phương án gì để tới đây thực hiện hiệu quả việc dạy và học “mở” trong chương trình GDPT mới, thưa cô? 

Đinh Văn Thắng (Từ Liêm – Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp :
Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 16
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). 

Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn 791, đến năm 2017 có Công văn số 4612. Đây là những văn bản tạo điều kiện cho giáo viên chủ động sáng tạo trong dạy và học; từ đó phát huy năng lực phẩm chất của học sinh.

Nắm bắt những văn bản đó, 4 năm qua, mỗi năm học Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường với hoạt động trọng tâm là rà soát nội dung dạy học để tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng; rà soát những nội dung bị trùng lặp giữa các môn học hay trong cùng một môn học ở các lớp khác nhau; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay thế cho thông tin cũ, lạc hậu trong sách giáo khoa;

Dựa vào chương trình hiện hành để lựa chọn chủ đề, rà soát nội dung trong sách giáo khoa xây dựng nội dung bài học trong sách giáo khoa theo chủ đề, xây dựng các bài học tích hợp của từng môn hoặc liên môn… Các ban xây dựng kế hoạch dạy học ở từng môn đề xuất phương pháp, cách tổ chức dạy học đối với từng bài học, các chủ đề, môn học và hoạt động trải nghiệm nhằm đạt mục tiêu dạy học của bộ môn.

Như vậy, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong 4 năm qua giúp nhà trường chủ động thực hiện hiệu quả việc dạy và học “mở” trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thưa PGS-TS, nếu theo chương trình sách giáo khoa mới thì mỗi nơi một sách giáo khoa, vậy việc thi và kiểm tra sẽ tổ chức như thế nào để công bằng cho học sinh?

Nguyễn Minh Hoa

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:
Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 17
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, kiêm Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP).

Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình nhiều SGK, nên việc dạy học, kiểm tra đánh giá và thi phải theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào các ngữ liệu cụ thể trong SGK, qua đó đảm bảo công bằng cho học sinh học các bộ sách các nhau.

Đây cũng là tinh thần của một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực.

Nhiều phụ huynh phản đối đưa xác suất thống kê vào chương trình toán lớp 2 vì nghĩ trẻ độ tuổi đó chưa học được. GS cho biết ý kiến của mình về vấn đề này. 

Phụ huynh một học sinh hỏi

GS. Đinh Quang Báo :
Đang giao lưu trực tuyến: Thi, kiểm tra đánh giá thay đổi ra sao khi thực hiện chương trình, SGK mới? - Ảnh minh hoạ 18
GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Xin chào chị!

Tôi thấy để đưa một nội dung nào đó vào bất kỳ môn học nào người ta phải có một nguyên tắc chung là gần với cuộc sống của trẻ.

Trẻ lớp 2 phải tập tìm hiểu môi trường xung quanh. Đó là nguyên tắc chung để xác định nội dung môn học. Xác suất thống kê có gần với đời sống của trẻ không? Để phản đối hay không thì phải trả lời câu hỏi này.

Theo quan điểm cá nhân tôi, xác suất thống kê rất gần với cuộc sống của trẻ. Ta hãy điểm lại, trẻ khi tổ chức cuộc chơi sẽ có trò “oẳn tù tì”, tung xúc xắc, dự báo thời tiết lúc đúng lúc sai và nhiều hiện tượng khác để trẻ tiếp cận với quy luật xác suất thống kê. Vậy tại sao lại không nên đưa môn học này vào? Như vậy, qua ví dụ đó, vấn đề ở chỗ đưa vào thế nào cho phù hợp với nhận thức của trẻ. Đó là nhiệm vụ của các nhà sư phạm, người biên soạn sách, giáo viên phải quan tâm.

Thưa PGS.TS, thay đổi sách giáo khoa thì hình thức thi, kiểm tra có thay đổi không. Nếu có thì sự thay đổi đó là gì ạ?

Minh Hòa (Giáo viên ở Từ Liêm, Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành:

Về hình thức thi, kiểm tra đánh giá cơ bản không thay đổi gì so với hiện nay. Chỉ có nội dung đề thi, bài thi kiểm tra sẽ thay đổi theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá sự ghi nhớ kiến thức 1 cách đơn thuần.

Gửi câu hỏi ở đây
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu

 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1046 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay4,380
  • Tháng hiện tại30,034
  • Tổng lượt truy cập49,735,799
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944