Đào tạo theo đơn đặt hàng: Khó triển khai vì sắp xếp việc làm

Thứ bảy - 21/05/2022 19:44 186 0
GD&TĐ - Dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội, nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai…
Đào tạo theo đơn đặt hàng: Khó triển khai vì sắp xếp việc làm

“Bắt mạch” nguyên nhân

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Một trong những điểm nhấn của Nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ chế này vẫn “án binh bất động” ở nhiều địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cho hay: Sở đã xây dựng đề án về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên; trong đó có đề cập đến cơ chế đặt hàng, đấu thầu với các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên cho địa phương. Đề án đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc triển khai chưa được tiến hành.

Theo ông Tân, do đội ngũ giáo viên vẫn còn dôi dư khá nhiều nên địa phương sẽ sắp xếp lại để hạn chế tối đa tình trạng thừa thiếu cục bộ. Mặt khác, số giáo sinh đã tốt nghiệp từ các trường sư phạm vẫn còn, ước tính khoảng 1.000 người; trong khi đó số này vẫn chưa xin được việc làm hoặc nếu có thì làm việc theo diện hợp đồng ngắn hạn. Để tránh lãng phí nguồn nhân lực, tỉnh chủ trương tận dụng đội ngũ này trong một vài năm tới bằng cách tuyển dụng hoặc thực hiện cơ chế hợp đồng.

“Với một số bộ môn như Tin học, Nghệ thuật… để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sở có kế hoạch tuyển dụng, bố trí, sắp xếp không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Ngoài ra, hằng năm ĐH Huế cũng cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho ngành Giáo dục địa phương nên đến thời điểm này, chúng tôi khá yên tâm về đội ngũ để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Tân khẳng định.

Chia sẻ về khó khăn dẫn đến việc địa phương chưa thể “đặt hàng” đào tạo giáo viên, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định - nêu thực trạng: Hiện, địa phương chưa tự cân đối ngân sách để có thể thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. “Một điểm đáng lưu ý khác, nếu “đặt hàng” thành công thì sản phẩm theo “đơn hàng” của chúng tôi sẽ ra như thế nào?”, ông Hùng đặt vấn đề.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định phân tích, với những sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường. Tức là, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục.

Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển; trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” không có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng. ““Đầu vào” và “đầu ra” vẫn chưa tương thích nên chưa có tiếng nói chung. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn”, ông Hùng chia sẻ.

Đào tạo theo đơn đặt hàng: Khó triển khai vì sắp xếp việc làm - Ảnh minh hoạ 2
Nhiều địa phương chưa tính toán cân đối, đồng bộ giữa nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên và tuyển dụng. Ảnh minh họa: NTCC- TG

Chưa rõ cơ chế

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Dương – Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng - trao đổi: Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương là vấn đề kinh phí. Bởi nếu đấu thầu hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên hằng năm sẽ chiếm một phần ngân sách không nhỏ của tỉnh; trong khi địa phương vẫn cần dành nhiều nguồn lực để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Thứ nữa, số giáo sinh đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm còn nhiều nên địa phương sẽ có chính sách tuyển dụng đội ngũ này. Mặt khác, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để bảo đảm đủ đội ngũ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực tế cho thấy, năm 2021 một số địa phương đã đăng ký nhu cầu để Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu nhưng không triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ trong việc đào tạo giáo viên. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong kinh phí. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa tính toán cân đối, đồng bộ giữa nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên và tuyển dụng.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ngoài yếu tố kinh phí thì mấu chốt của vấn đề là cơ chế việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tức là, với những giáo sinh thuộc diện đặt hàng của địa phương, địa phương cần có trách nhiệm phân công, sắp xếp công việc cho người tốt nghiệp theo cam kết.

“Việc tuyển người đi học theo diện này phải được công khai, minh bạch và có giám sát của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp nhằm loại bỏ những trường hợp thân quen, gửi gắm hoặc “chạy chọt” từ lúc vào học đến khi ra trường đi làm. Bởi nếu không cẩn trọng và để xảy ra những sai sót trong quá trình này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Nhấn mạnh, việc đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên phải căn cứ vào nhu cầu, tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV - cho rằng: Cần có những quy định riêng mang tính đặc thù, không nên thực hiện theo kiểu dập khuôn, máy móc hoặc “đồng phục” giữa các địa phương. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ để có giải pháp căn cơ và quy hoạch mang tính chất tổng thể, nhằm đảm bảo chính sách tuyển dụng, biên chế đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GD&ĐT trước ngày 31/1 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.

Tác giả bài viết: MInh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập901
  • Hôm nay53,369
  • Tháng hiện tại331,499
  • Tổng lượt truy cập51,687,458
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944