Các xu hướng trên đã làm nảy sinh hàng loạt các phạm trù đối ngẫu, đặt ra những thách thức mới cho các nhà giáo dục, sư phạm… Quá trình này dẫn đến sự cần thiết cần nhìn nhận lại giá trị và ý nghĩa của việc dạy học (đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục nói chung) dưới góc độ mối quan hệ giữa sự phát triển của công nghệ và những thay đổi về bản chất của quá trình dạy học.
Đào tạo và bồi dưỡng số
Theo TS Tôn Quang Cường (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, web 2.0 sẽ tạo ra những tiền đề thuận lợi để tổ chức quá trình đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên.
Có thể nói đến việc tạo khả năng tương tác cao trong tổ chức hoạt động với giáo viên, xây dựng được các nhóm/lớp/cộng đồng học tập của giáo viên; tạo sự gắn kết cao giữa cộng đồng người học với đơn vị đào tạo (kể cả trường hợp sau khi tốt nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mới vào nghề), gắn kết giữa yêu cầu của nhà trường phổ thông với đơn vị đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Cùng với đó là thiết kế các “gói” nội dung dạy học theo nhu cầu, mềm dẻo, mang tính mở, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thực của giáo viên, đồng thời thu hút sự tham gia làm giàu tri thức, nội dung đào tạo từ chính họ. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu theo định hướng số hóa, lưu trữ “đám mây”. Tổ chức các cơ hội trao đổi, hội thảo, thời gian học tập mở (giáo viên tham gia khóa học không bị giới hạn trong khuôn khổ thời gian tiếp xúc với người dạy trên lớp); đa dạng hóa các hình thức học tập dựa trên việc khai thác tối đa cơ hội học tập trực tuyến và kết hợp.
Việc kiểm tra, đánh giá cũng bằng nhiều hình thức, công cụ khác nhau; đánh giá sát với khả năng thực hiện sản phẩm của người học, trong đó, kết quả học tập hướng đến việc xây dựng các sản phẩm cụ thể, có ứng dụng các công cụ phần mềm trong dạy học…
Với những ứng dụng mang tính thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ điện toán đám mây đối với quá trình dạy học, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, TS Tôn Quang Cường cho rằng, các nhà giáo dục, sư phạm, chuyên gia đào tạo có thể thiết kế các mô hình và khóa đào tạo phù hợp với đối tượng và nhu cầu của giáo viên tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh của từng đơn vị. Và cũng đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về những tiền đề lí luận đặt nền móng cho hệ thống nguyên tắc của sư phạm dạy học thế kỉ 21: Sư phạm điện tử (Sư phạm số).
Giáo viên sẽ trở thành trung tâm mạng lưới học tập mang tính xã hội
Theo TS Tôn Quang Cường, cùng với các cơ hội tiếp cận nội dung mới, nhu cầu về chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn, nhu cầu phát triển của giáo viên hiện nay ngày càng trở thành “trung tâm” của việc học và tự đào tạo của chính họ. Giáo viên trở nên mạnh dạn, tự chủ hơn trong định hướng và lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình tự đào tạo hay bồi dưỡng, mang dấu ấn “cá thể hóa” một cách đậm nét.
Theo xu hướng này, quá trình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngày càng hướng đến nhu cầu thực, mang tính phân hóa mạnh mẽ: Đào tạo, bồi dưỡng chính thức theo chương trình được xác lập (bao gồm cả dạy học, đào tạo trực tiếp và trực tuyến); đào tạo, bồi dưỡng theo định hướng cá nhân; đào tạo, bồi dưỡng theo định hướng nhóm bên trong một thiết chế tổ chức cụ thể; đào tạo, bồi dưỡng ngẫu nhiên (học cái gì, học ở ai, vào thời điểm nào theo nhu cầu “ngẫu nhiên, tình cờ”).
TS Tôn Quang Cường
"Tóm lại, các hạ tầng của Dạy học số trong bối cảnh ứng dụng điện toán đám mây hiện nay đã mang lại nhiều cơ hội và khả năng to lớn giúp cho việc tái tạo, sản sinh tri thức, chia sẻ thông tin, san bằng các rào cản trong việc tiếp cận thông tin. Đặc biệt, làm thay đổi mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vốn tồn tại khá lâu từ trước đến nay theo hệ hình từ trên xuống hoặc dưới lên, sang hệ hình ngang, mang tính chia sẻ xã hội; trong đó, người giáo viên sẽ trở thành trung tâm của mạng lưới học tập mang tính xã hội" - TS Tôn Quang Cường cho biết.
Để có thể xây dựng được hệ thống đào tạo, bồi dưỡng số cho giáo viên theo tiếp cận chia sẻ và kết nối trong phát triển nghề nghiệp chuyên môn, theo TS Tôn Quang Cường, đã đến lúc cần phải đặt ra để xem xét một số giải pháp sau:
Bộ GD&ĐT đứng ra thành lập Trung tâm Giáo dục số và Tài nguyên giáo dục mở thực hiện 3 chức năng: Nghiên cứu các mô hình dạy học số; sản xuất, lưu trữ, chia sẻ các tài nguyên (kể cả bồi dưỡng và đánh giá giáo viên) và tham gia đào tạo, bồi dưỡng cùng với các cơ sở đào tạo giáo viên;
Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các mô hình về đào tạo, bồi dưỡng qua mạng cho giáo viên theo tiếp cận của MOOCs - các khóa học mở đại chúng (KhanAcademy, Cousera, TEDx) hoặc các khóa học trên LMS (Hệ quản lí học tập)… đáp ứng đa dạng đối tượng và nhu cầu của giáo viên;
Xây dựng mạng lưới kết nối, dùng chung tài nguyên giữa các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm thực hiện đồng bộ 2 chức năng: Đào tạo mới giáo viên và bồi dưỡng nghề nghiệp chuyên môn cho giáo viên tại nhiệm. Đề xuất chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện cho mọi giáo viên tiếp cận với công cụ số, nội dung và chương trình số.