Điều hành trường ĐH ngoài công lập: Dễ hay khó?

Thứ bảy - 21/09/2019 00:54 366 0

Điều hành trường ĐH ngoài công lập: Dễ hay khó?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, bên cạnh thuận lợi lớn nhất là quyền tự chủ và tự quyết cao, các trường ĐH ngoài công lập cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là bài toán khó của các trường tư trong lãnh đạo, quản lý, điều hành để nhà trường phát triển và hội nhập.

Thuận lợi và khó khăn luôn song hành

Nhớ lại thời “hoàng kim” của những năm đầu mới thành lập, GS.TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng (nay là Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) cho biết: Ngày ấy, nhà trường có nhiều thuận lợi, nhất là trong công tác tuyển sinh.

Thời điểm đó, tỷ lệ chọi dao động từ 10 - 18 thí sinh mới tuyển 1 sinh viên vào trường. Số lượng trường ĐH không nhiều, cơ chế cung - cầu gặp nhau nên nhà trường không ngừng phát triển. Sinh viên của nhà trường đến từ 56 tỉnh, thành trên cả nước. Nhờ vậy, trường đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang và từng bước phát triển thương hiệu của mình. Việc lãnh đạo, quản lý và điều hành của nhà trường ở thời điểm đó không gặp nhiều khó khăn.

Theo GS Trần Hữu Nghị, hiện nay các trường ngoài công lập phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là nguồn tài chính. Đơn cử như Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, mỗi tháng cần có ít nhất từ 1 -1,5 tỷ đồng để trả tiền lương cho cán bộ, giảng viên và nhân viên. Hiện nay, nguồn thu chủ yếu của nhà trường từ học phí của sinh viên, nhưng với mức tuyển sinh ngày càng sụt giảm như hiện nay, vấn đề tài chính là áp lực lớn và cũng là bài toán khó trong công tác lãnh đạo, điều hành đối với ban lãnh đạo nhà trường.

“Chúng tôi luôn phải tính toán về các khoản thu, chi. Cân nhắc về định hướng phát triển của nhà trường, những ngành nghề nào có thể đào tạo và đào tạo như thế nào. Đấy là chưa kể việc tuyển dụng và đào tạo cán bộ, giảng viên để họ không bị “tụt hậu”... Hàng loạt vấn đề khó và quan trọng đang đặt ra cho chúng tôi” - GS Trần Hữu Nghị phân trần.

Điều hành trường ĐH ngoài công lập: Dễ hay khó? - Ảnh minh hoạ 2
Ảnh minh họa/ Internet 

Tuy nhiên, theo GS Trần Hữu Nghị, bên cạnh những khó khăn, các trường ngoài công lập cũng có nhiều thuận lợi như: Quyền tự chủ và tự quyết rất cao. Tất cả các chủ trương, kế hoạch chỉ cần hội đồng quản trị và hội đồng trường thông qua là có thể triển khai mà không bị ràng buộc về thủ tục hành chính hoặc cơ chế “xin cho”...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã có hiệu lực. Đây cũng là cơ hội để các trường tư bứt phá. Cùng với đó, các trường cần ứng dụng công nghệ 4.0 và đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên, thu hút các nguồn lực đầu tư vào nhà trường 
TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Hội đồng Quản trị Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Với cơ chế tự chủ cao nên các chủ trương, chính sách đúng và trúng của nhà trường sớm thành hiện thực hơn. Cũng từ việc tự chủ hoàn toàn nên việc quản lý, điều hành của ban lãnh đạo đòi hỏi phải linh hoạt, nhạy bén.

Cho rằng, cơ chế “mở” vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các trường ngoài công lập, TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Khó khăn lớn nhất mà các trường phải đối diện là vấn đề tài chính khi mà các trường phải tự chủ 100%. Ngoài ra, xã hội vẫn còn phân biệt trường công và trường tư dẫn đến công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Hiện nhiều địa phương còn tuyên bố không tuyển dụng người tốt nghiệp từ trường ngoài công lập. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với sinh viên nói riêng và các trường ngoài công lập nói chung.

Đi tắt, đón đầu

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, tự chủ và chủ động là ưu điểm lớn nhất của các trường ngoài công lập. Điều này giúp việc lãnh đạo, điều hành của các trường được dễ dàng hơn. Chẳng hạn: Các trường có thể chủ động tuyển dụng, sử dụng nhân sự. Đồng thời có thể quyết định các chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài. Mặt khác, các trường cũng có thể từ chối hoặc sa thải những cán bộ có năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Với cơ chế này, bộ máy cán bộ của các trường ngoài công lập thường gọn nhẹ và làm việc có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo PGS Trần Xuân Nhĩ, trong bối cảnh hiện nay các trường tư cũng phải đối diện với những khó khăn thách thức, đòi hỏi công tác lãnh đạo, điều hành của nhà trường phải tinh nhuệ hơn, nhất là với những trường mới thành lập và chưa có thương hiệu trong xã hội. Cụ thể, các trường sẽ phải tự lo “từ A đến Z”, từ vấn đề nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính cho đến chiến lược phát triển thương hiệu của nhà trường...

Đặc biệt, xã hội vẫn còn nặng tâm lý công - tư khiến công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn. Và nếu có tuyển sinh được, chất lượng đầu vào cũng không cao. Vì vậy, bài toán chất lượng cũng khiến lãnh đạo các trường ngoài công lập đau đầu. Bấy nhiêu vấn đề nêu trên cho thấy, lãnh đạo các trường tư không hề dễ chút nào, họ luôn luôn phải vận động và đổi mới không ngừng, thậm chí là phải “đi tắt, đón đầu” xu thế thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Theo GS.TS Trần Hữu Nghị, cốt lõi của vấn đề là tâm lý xã hội vẫn còn nặng nề trường công, trường tư khiến các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn. Không còn cách nào khác, các trường phải tự khẳng định mình bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo để xóa bỏ định kiến này. Đó là bài toán mà các trường bắt buộc phải giải quyết bằng chính nội lực của mình nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1046 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay4,380
  • Tháng hiện tại30,693
  • Tổng lượt truy cập49,736,458
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944