Ngân hàng câu hỏi đủ lớn, câu hỏi chính xác, khoa học, bảo đảm tính sư phạm, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT… là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của kỳ thi; bên cạnh việc tổ chức thi khách quan, nghiêm túc.
Trách nhiệm xây dựng đề cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm thuộc về Bộ GD&ĐT. Đây là công việc rất khó. Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, độ khó của công việc này tăng lên bởi tăng số môn có tổ chức thi và yêu cầu cao của việc phát triển phẩm chất, năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ trước đến nay, quy trình làm đề thi luôn “đóng”; từ khâu soạn thảo phiên đầu tiên đến các công đoạn sau đều tuyệt đối bảo mật. Trong đó, việc ra đề thi thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn, bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề đến hết thời gian thi môn cuối cùng với đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng ngừa lộ lọt thông tin, phòng cháy, chữa cháy... Các thành viên tham gia làm đề thi đều phải cách ly triệt để với bên ngoài. Danh sách người tham gia làm đề được giữ bí mật trước, trong và sau kỳ thi. Bởi yêu cầu này mà việc tiếp cận với nguồn trên Internet là vô cùng khó khăn; một lượng lớn đề chất lượng từ cơ sở, địa phương cũng không được khai thác.
Tuy nhiên, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi sẽ đổi mới. Thay vì tính “đóng”, khép kín như hiện nay, ngân hàng đề sẽ có tính “mở”, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành. Không giới hạn ở một số chuyên gia, cách làm này giúp mọi giáo viên, nhà trường có cơ hội tham gia đóng góp vào ngân hàng đề thi. Tất nhiên, để chính thức trở thành câu hỏi thi chuẩn hóa cần qua sự chọn lọc kỹ lưỡng từ bộ phận đánh giá chất lượng bằng lý thuyết khảo thí.
Các địa phương bày tỏ phấn khởi với cách làm mới này vì nó không chỉ giúp yêu cầu bảo đảm độ lớn của ngân hàng câu hỏi trở nên khả thi, mà còn gia tăng chất lượng, tính sát với thực tiễn cơ sở. Nhiều ý kiến kỳ vọng ngân hàng này không chỉ phục vụ cho riêng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà còn đủ độ lớn, độ rộng để các giáo viên, nhà trường có thể sử dụng trong kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Làm được điều này sẽ là bước tiến lớn, giúp gia tăng hiệu quả của kiểm tra, đánh giá học sinh trong nhà trường; khắc phục tình trạng giáo viên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa là người dạy, vừa ra đề; từ đó việc đánh giá sẽ sát thực, chính xác, khách quan hơn. Đây cũng chính là lực đẩy quan trọng giúp gia tăng chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, để làm được cần sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, bài bản, dài hơi và người cần được đầu tư nhất chính là đội ngũ giáo viên. Ra đề kiểm tra vốn đã khó, ra đề bảo đảm yêu cầu mới, với định dạng câu hỏi mới càng khó hơn.
Do đó, bên cạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, tự học hỏi và đầu tư chuyên môn của giáo viên, cần kịp thời có chính sách tạo động lực, đủ để khích lệ đội ngũ giáo viên tham gia xây dựng được câu hỏi, đề thi chất lượng.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc