Yêu cầu trên cùng với thông tin cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW dự kiến được thực hiện từ 1/7/2024 khiến giáo viên khấp khởi niềm tin. Hơn 20 năm trong nghề, hiện tổng thu nhập của cô Lê Thị Thu Hằng - Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình, Hòa Bình) được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vì thế, thông tin về đổi mới chính sách tiền lương cho giáo viên được cô Hằng hân hoan đón nhận.
“Lâu nay, thu nhập của giáo viên còn thấp, nhất là giáo viên mầm non. Nhiều giáo viên trẻ, mới ra trường, thu nhập trên, dưới 3 triệu đồng/tháng. Đây là lý do khiến nhiều người phải xoay xở bằng cách bán hàng online hoặc làm thêm công việc khác để trang trải cuộc sống”, cô Hằng phân trần và hy vọng, tới đây, giáo viên sẽ sống được bằng lương dạy học.
Tạo động lực để thầy, cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ, nhảy việc là mong mỏi của giáo viên cả nước. “Trên hết, chúng tôi thấy được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT. Đó là niềm động viên, khích lệ để đội ngũ yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Mặt khác, cũng là cơ hội nâng cao vị thế nhà giáo nói riêng, ngành sư phạm nói chung”, cô Hằng bộc bạch.
Hơn 16 năm đứng trên bục giảng, cô La Thị Mây - giáo viên Trường Tiểu học Năng Khả (huyện Na Hang, Tuyên Quang) luôn trăn trở, làm sao để giáo viên không phải “chạy đôn chạy đáo” lo chuyện cơm áo, gạo tiền và “chân ngoài dài hơn chân trong”? Làm sao để giáo viên không bỏ nghề chỉ vì lương không đủ trang trải cuộc sống. Bao năm đứng trên bục giảng là bấy nhiêu năm cô Mây mong muốn, tiền lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức.
“Tôi rất vui khi nhận được thông tin Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, đãi ngộ giáo viên; đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó cho thấy, tâm nguyện của chúng tôi đã được ghi nhận và chia sẻ”, cô La Thị Mây bộc bạch.
Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG |
Từ thực tế công việc, thầy Nông Ngọc Trọng - giáo viên Trường THPT An Mỹ (Bình Dương) nhận thấy, lao động của nhà giáo có tính chất đặc biệt: Từ đối tượng, công cụ, quy trình đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người. Vì vậy, điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo; chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng cũng cần có quy định riêng, tương xứng vị thế, đặc thù lao động sư phạm.
Tuy nhiên, các chính sách tiền lương đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp nên không tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Việc nhiều giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề thời gian qua là một trong những minh chứng về vấn đề này. “Nghề giáo cần được nâng niu, xem trọng. Việc Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên yên tâm công tác là chính đáng. Mong rằng, yêu cầu này sớm được cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật”, thầy Trọng đề xuất, đồng thời cho rằng, tăng lương sẽ góp phần giữ chân giáo viên và hạn chế tình trạng chảy máu chất xám khu vực công.
Nêu thực trạng thiếu giáo viên, bà Triệu Thị Huyền – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái ghi nhận, thời gian qua, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ gỡ vướng trong tuyển dụng giáo viên, nhưng chính sách hiện hành chưa thu hút được các thầy, cô giáo đến công tác ở địa bàn khó khăn. Một trong những lý do là chính sách đãi ngộ hạn chế. Vì thế, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút giáo viên, nhân viên trường học; trong đó ưu tiên tuyển con em đồng bào dân tộc. Những môn học đặc thù có thể cho phép tuyển giáo viên trình độ cao đẳng, rồi tiếp tục đào tạo để họ hoàn thiện khung trình độ như quy định.
Nhắc lại, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trương ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đề cập lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên, theo bà Hà Ánh Phượng – đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều giáo viên phải nghỉ, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề.
Từ thực tế trên, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho giáo viên, nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy - học giai đoạn hiện nay.
Thấu cảm nỗi vất vả của giáo viên, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho hay, một số văn bản, thông tư hướng dẫn về phụ cấp đối với nhà giáo đã áp dụng nhiều năm, có văn bản được ban hành từ năm 2005 nhưng vẫn còn hiệu lực. Những văn bản này ít nhiều lạc hậu, chưa cập nhật thực tại. Từ thực tế trên, bà Mai cho rằng, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học là hợp tình, hợp lý.
Cô La Thị Mây mong những yêu cầu trên sớm triển khai vào thực tiễn. Nếu được nên thực hiện từ ngày 1/7/2024. Ngoài ra, các quan điểm chỉ đạo về tiền lương của giáo viên cần được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Nhà giáo để Quốc hội thông qua.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc