Vấn đề còn lại, theo kinh nghiệm của nhiều cán bộ quản lý là học sinh phải nắm chắc kỹ thuật, phương pháp làm bài phù hợp từng môn thi.
Cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Các tổ chuyên môn của nhà trường đã họp để phân tích cấu trúc đề minh họa; tham khảo để xây dựng ma trận đề nhằm sớm xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ việc kiểm tra định kỳ các lớp đang theo học Chương trình GDPT 2018. Trong đó, với phần trắc nghiệm, có thêm một số định dạng mới như điền khuyết, đúng sai. Từ trước đến nay, trong các đề kiểm tra, chỉ phổ biến dạng câu hỏi lựa chọn 1 trong 4 phương án A, B, C, D”.
Có cùng nhận xét này, thầy Phạm Đình Kha - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho rằng, dạng câu hỏi trắc nghiệm điền khuyết tuy không mới nhưng không phổ biến.
“Với dạng câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn đúng sai, điền khuyết, lâu nay, chủ yếu giáo viên sử dụng làm phong phú thêm đề kiểm tra và ở dạng kiến thức đổi mới. Đặc biệt, câu hỏi điền khuyết gần với câu hỏi tự luận trả lời ngắn, học sinh phải nắm vững kiến thức cốt lõi. Vì vậy, đây là dạng câu hỏi trắc nghiệm có tính phân hóa học sinh”.
Trên cơ sở phân tích định dạng đề minh họa các môn, cô Hồ Thị Thảo Nguyên cho rằng, trong dạy và ôn tập, giáo viên cần mở rộng kiến thức, vừa phải đảm bảo trọng tâm nhưng cũng cần có chiều sâu để học sinh không bị mất điểm.
“Cũng là trắc nghiệm nhưng kỹ thuật làm bài của các em có sự điều chỉnh. Học sinh muốn đạt điểm cao, đòi hỏi có tư duy, vững kiến thức, khả năng lập luận, diễn đạt. Như với dạng câu hỏi trắc nghiệm điền khuyết, các em phải trình bày ngắn gọn trong 2 - 3 câu mới đạt yêu cầu”, cô Nguyên ví dụ.
Còn theo thầy Phạm Đình Kha, định dạng đề minh họa cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tuy chỉ tập trung chủ yếu ở khối lượng kiến thức ở lớp 10 nhưng giúp giáo viên các bộ môn phân tích được ma trận, cấu trúc đề. Điều này tác động trở lại công tác dạy - học, kiểm tra, đánh giá ở Chương trình GDPT 2018.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Ảnh: PV |
Với khối lớp 11, khóa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Trần Phú đã tổ chức dạy học chuyên đề Toán – Ngữ văn cho các lớp. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên cho biết, đây là thuận lợi lớn khi 2 môn đồng thời là môn thi bắt buộc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Mỗi tuần, các em có thêm 1 tiết/môn để luyện tập, củng cố kiến thức, kỹ năng ngay từ lớp 10 để bắt nhịp đổi mới.
Tại Trường THPT số 2 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), các tổ chuyên môn sẽ chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi trên cơ sở tham khảo định dạng đề minh họa để áp dụng trong kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với khối lớp 10 và 11 bắt đầu từ học kỳ II năm học này.
Thầy Thạch Cảnh Bê - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ thông tin: “Qua ghi nhận một số giáo viên khi phân tích định dạng đề minh họa cho rằng, khó khăn nhất không phải là xây dựng ngân hàng trắc nghiệm với dạng câu hỏi điền khuyết, mà là câu hỏi chọn đúng, sai.
Những câu điền khuyết gần với câu hỏi tự luận và tập trung chủ yếu ở mức vận dụng, vận dụng cao. Nhưng với câu hỏi đúng sai và lựa chọn 4 phương án thì giáo viên dễ rơi vào tình trạng cùng một đơn vị kiến thức nhưng có nhiều dạng câu hỏi”.
Theo phân tích của thầy Bê, trong định dạng đề minh họa, các câu hỏi đúng sai và lựa chọn 4 phương án chủ yếu ở mức độ thông hiểu và vận dụng nên tập trung nhiều lượng kiến thức.
Tương tự, thầy Bùi Minh Quảng - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay, nhà trường sớm chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch Chương trình GDPT 2018 và định hướng các môn lựa chọn để học sinh ôn tập, nắm vững kiến thức. Trong quá trình học, nhà trường sẽ theo dõi học sinh và có hướng chuyển đổi môn học đối với các em lựa chọn không phù hợp.
Thầy Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Đề minh họa môn Ngữ văn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2018.
Điều dễ nhận thấy nhất là các yêu cầu của đề bám sát mục tiêu cần đạt theo đặc trưng thể loại của chương trình mới. Với cách ra đề này, học sinh chỉ cần nắm được tri thức Ngữ văn ở sách giáo khoa, yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại trong chương trình thì có thể đảm bảo 70% nội dung kiểm tra của lĩnh vực văn học…”.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc