Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học pháp lý, các chuyên gia trao đổi, thảo luận, phân tích và đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về Nhà giáo; từ đó đóng góp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Nhà giáo ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo là nhân tố rất quan trọng đối với chất lượng giáo dục, đào tạo, điều này đã được thể hiện rõ trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Chính vì thế, chúng ta cần có một đạo luật quy định rõ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn đề ra”.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, xây dựng Luật Nhà giáo là vấn đề lớn, cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, tổ chức nhiều hội nghị với nhiều đối tượng tác động khác nhau, lấy ý kiến của các sở GD&ĐT, chuyên gia chuyên sâu về luật. Tới đây, sẽ lấy ý kiến các giảng viên đại học, giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non…
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh NC. |
Tại Hội thảo này, TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật Hà Nội nêu ý kiến: “Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng về khoa học, làm cơ sở đề xuất hoàn thiện pháp luật về Nhà giáo; hướng tới các mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục, các chuyên gia luật trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo; tạo diễn đàn khoa học mở cho các nhà khoa học pháp lý, các chuyên gia đối với chính sách, pháp luật về nhà giáo”.
TS Chu Mạnh Hùng bày tỏ cảm ơn lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Trường ĐH Luật Hà Nội trở thành địa chỉ để hội tụ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục trao đổi, góp ý trong quá trình xây dựng luật.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp thành văn bản góp ý gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan khác có liên quan.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên
Ý kiến bạn đọc