Nhân viên nuôi dưỡng tâm tư khi công việc vất vả nhưng các cô không có bất cứ phụ cấp nào.
Là lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000 của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2000 (Nghị định 68) tại một trường mầm non ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) từ năm 2008, hằng tháng chị Nguyễn Thị Hồng Châm chỉ nhận được 4,3 triệu đồng tiền lương.
Đến nay khi áp dụng mức lương cơ sở mới và chuyển sang dạng lao động hợp đồng theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2022, mức thu nhập của chị tăng thêm 300.000 đồng. Nếu ai mới vào nghề, dù áp dụng lương mới cũng chỉ tăng hơn 100.000 đồng, không đủ để trang trải nhu cầu cơ bản.
Chị Châm cho biết, hằng ngày nhân viên nuôi dưỡng làm việc ở bếp ăn với mức nhiệt cao, nhất là vào mùa Hè khi thời tiết nắng nóng, hệ thống bếp thổi hơi nóng quanh người. Môi trường làm việc nhiều tiếng ồn có nguy cơ gây ù tai, công việc làm không ngơi tay, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như nước rửa bát gây viêm da. Mùa Đông phải tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh khiến tay cóng buốt nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
“Thường xuyên khiêng, nhấc nồi canh, thức ăn nặng có nguy cơ gây đau lưng, tay… Không chỉ vậy, chúng tôi phải làm các công việc khác như dọn dẹp vệ sinh trường lớp, trồng rau, cắt cỏ, xây đắp tại sân trường và nhiều việc không tên khác. Do đó, tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm để nhân viên nuôi dưỡng có thêm phụ cấp độc hại, thâm niên”, chị Châm bày tỏ.
Tương tự, chị Bùi Thị Hải - nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non tại huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng tâm sự, tới trường làm việc từ 6 giờ 45 phút sáng để giao nhận thực phẩm từ điểm chính về điểm lẻ cách nhau 2km. Sau đó, chị tiến hành sơ chế, chế biến thức ăn cho trẻ, chia đồ ăn lên từng lớp và hỗ trợ trẻ ăn trưa. Khi trẻ ăn xong lại dọn dẹp, rửa bát đĩa, xoong nồi và tiếp tục vào ca làm việc chuẩn bị bữa chiều.
Vào nghề từ năm 2010 theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 68, thu nhập của chị Hải là 3,6 triệu đồng/tháng. Theo mức lương cơ sở mới, thu nhập tăng lên mức 4,3 triệu đồng. Với mức lương này, cộng với thu nhập của chồng đang công tác trong quân đội, chị Hải phải tằn tiện chi tiêu mới tạm đủ nuôi 2 con tuổi ăn, tuổi lớn.
Dù trường có hai điểm với hơn 500 học sinh, nhưng hiện chỉ có 9 nhân viên nuôi dưỡng (trong đó 2 người nghỉ thai sản) khiến khối lượng công việc của các chị càng thêm vất vả. Công việc thường kết thúc lúc 16 giờ 30 phút. Do thời gian eo hẹp nên chị Hải không thể làm thêm công việc khác.
Ngoài nhiệm vụ nấu nướng, nhân viên nuôi dưỡng còn phải làm nhiều việc khác tại trường. Ảnh minh họa: TG |
Thường xuyên đi lại hơn 2km giữa 2 điểm trường để giao nhận thực phẩm, chị Bích Hồng – nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tâm sự, nếu không phải vì yêu nghề, yêu trẻ đã xin nghỉ để tìm việc khác có thu nhập cao hơn.
Vào nghề 13 năm, chị Hồng hưởng lương lao động bậc 7, hệ số 2,73 theo Nghị định 68, sau khi trừ bảo hiểm, số tiền thực lĩnh hàng tháng là 4.398.000 đồng. Ngoài lương, các chị không được nhận thêm bất cứ phụ cấp nào khác, đời sống vì thế rất vất vả.
“Hàng năm từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, tôi tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ nhật đi chèo đò đưa khách du lịch vào chùa Hương. Ba tháng nghỉ hè, tôi đi làm công ty về điện tử để kiếm thêm thu nhập. Chồng làm bảo vệ ở trường cộng với tiền làm thêm của hai vợ chồng tạm đủ chi tiêu cơ bản trong gia đình. Về lâu dài, đội ngũ nhân viên bếp mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhiều hơn để yên tâm gắn bó với nghề”, chị Hồng bày tỏ.
Điều 7, Thông tư 19/2023 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 30/10/2023 nêu định mức số lượng người làm việc vị trí hỗ trợ, phục vụ gồm y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn. Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ. Căn cứ số lượng trẻ, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các trường sẽ xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.
Dù có quy định mới của Bộ GD&ĐT, đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non vẫn chưa thấy an tâm khi cùng công tác trong một ngôi trường, khối lượng công việc lớn nhưng chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp lại thua xa các vị trí khác. Hiện, một số quận, huyện của Hà Nội đã triển khai Nghị định 111/2022 của Chính phủ cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng nhưng tăng không đáng kể, chưa đảm bảo đời sống người lao động.
“Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm để đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng được hưởng phụ cấp độc hại do trực tiếp tiếp xúc khí gas, chất tẩy rửa hóa chất hằng ngày; được hưởng phụ cấp thâm niên, hưởng lương theo bằng cấp, chuyển sang ngạch viên chức… Điều này mới xứng đáng với công sức, cống hiến của chúng tôi dành cho giáo dục mầm non nói riêng, nền giáo dục nước nhà nói chung”, chị Nguyễn Thị Hồng Châm kiến nghị.
Theo chia sẻ của hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Hà Đông (Hà Nội), mức lương hiện nay của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng khá thấp, chưa tương xứng tính chất công việc. Có những tháng, nhà trường phải tự cân đối các khoản để hỗ trợ từ 200.000 – 300.000 đồng/nhân viên nuôi dưỡng để phần nào chia sẻ với sự vất vả của các cô. Về lâu về dài, để giữ chân đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền và bộ/ngành.
Tác giả bài viết: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc