Đồng hành cùng nhà giáo: Thảm đỏ mời gọi nhân tài

Thứ tư - 22/12/2021 09:06 265 0
GD&TĐ - Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài yếu tố thu nhập, còn là môi trường sống, môi trường làm việc đủ hấp dẫn và giữ chân người tài.
Đồng hành cùng nhà giáo: Thảm đỏ mời gọi nhân tài

Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài yếu tố thu nhập, còn là môi trường sống, môi trường làm việc đủ hấp dẫn và giữ chân người tài.

Nước chảy về chỗ trũng

Năm 2003, TS Nguyễn Duy Thái Sơn trở về nước sau 5 năm được mời làm Giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm quốc tế về vật lý lý thuyết (Ý), Trường ĐH Ohio (Mỹ), ĐH Kyoto Sangyo (Nhật Bản), ĐH Vienna (Áo). Dù quê ở Bình Định nhưng TS Nguyễn Duy Thái Sơn vẫn chấp nhận xa nhà, đầu quân về Đà Nẵng và chọn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn làm nơi công tác. Chọn một trường phổ thông để giảng dạy, TS Thái Sơn và lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ cân nhắc sau một buổi trò chuyện để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tìm chỗ thích hợp cho anh cống hiến.

“Thu hút phải đi đôi với trọng dụng và sự nghiên cứu cẩn trọng, đề ra những giải pháp, chính sách cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực… mới phát huy hiệu quả nguồn nhân lực”. - GS Trần Văn Nam 

Nói về quyết định chọn công tác ở Đà Nẵng thời điểm đó, TS Nguyễn Duy Thái Sơn cho biết: “Rất nhiều người ngạc nhiên về lựa chọn của tôi. Nhưng sự quan tâm của lãnh đạo TP Đà Nẵng và tinh thần ham học hỏi của học trò đã giữ chân tôi ở lại. Dạy các em, tôi thấy mình làm được những điều có ích”.

Trong 7 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, anh đã mang về cho Đà Nẵng 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Toán quốc tế, truyền lửa đam mê môn Toán cho nhiều thế hệ học trò.

Hợp đồng giữa TS Nguyễn Duy Thái Sơn với Sở Nội vụ Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, TS Sơn có thể ra đi sau 5 năm công tác. Nhưng thành phố với những chính sách đãi ngộ, cùng với tình cảm của người Đà Nẵng đã giữ chân anh lâu hơn thế. Sau đó, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chuyển về giảng dạy tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Ở môi trường giáo dục ĐH, anh có các điều kiện để nghiên cứu phương pháp dạy học mới và tham gia giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh trong chương trình tiên tiến. Anh còn tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia hội đồng khoa học với tư cách phản biện trong các khóa luận tốt nghiệp.

Vừa rời chức Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Kyoto thay vì nhận lời mời giảng dạy tại một số trường ĐH tại Nhật Bản với mức thù lao rất cao, GS Junichi Mori đã nhận lời mời của ĐH Đà Nẵng. Ông sang giảng dạy tình nguyện tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) trong thời gian hai năm và chỉ nhận mức thù lao tượng trưng. Từ hoạt động giảng dạy, đào tạo và trao đổi học thuật của GS Junichi Mori tại trường, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã tiếp thu nhiều kiến thức hiện đại, bổ ích cùng những kinh nghiệm quý báu.

Thông qua các hội thảo quốc tế, ĐH Đà Nẵng đã kết nối và mời được nhiều giáo sư nước ngoài về giảng dạy tình nguyện, như cố GS.TS Yoshiaki Takahashi (Trường ĐH Chuo, Nhật Bản) cũng có một thời gian dài gắn bó với Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sau thời gian nghỉ hưu. Ngoài tặng 7.000 đầu sách chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cho ĐH Đà Nẵng, tại Trường ĐH Kinh tế, còn có một quỹ học bổng của GS.TS Yoshiaki Takahashi với số tiền lên tới 1 tỷ đồng được duy trì trong 5 năm, kể từ năm 2017.

Nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu đã đến công tác, giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối những dự án về chuyển giao chương trình đào tạo nghiên cứu khoa học như GS Lê Thành Nhân (quốc tịch Pháp – Việt Nam), GS.TSKH Trần Quốc Tuấn (quốc tịch Pháp – Việt Nam), TS.BS Lê Trọng Phi (quốc tịch Đức), GS Marc Danie (Pháp), GS Junichi Mori (Nhật), GS Goeff Perkes (Anh), GS Helen Griffiths (Anh), GS Yulan He (Anh)...

Đồng hành cùng nhà giáo: Thảm đỏ mời gọi nhân tài - Ảnh minh hoạ 2
Các nhà khoa học, giảng viên thuộc ĐH Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2021. Ảnh: TG

Đặc cách gắn với trọng dụng

Với tấm bằng Thạc sĩ Ngữ văn, Thái Thị Anh Thư được đặc cách tuyển dụng và bổ nhiệm làm giáo viên Trường THCS Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Hay Trịnh Thị Hồng Linh (giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là một trong số 28 sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm xuất sắc được Sở GD&ĐT Quảng Nam đặc cách tuyển dụng trong 2 năm 2019 và 2020. Những giáo viên diện đặc cách tuyển dụng chủ yếu được điều động về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh Quảng Nam.

Với Nghị quyết 31/2016 của HĐND tỉnh, Quảng Nam là một trong những địa phương sớm ban hành chính sách thu hút nhân tài đối với ngành sư phạm. Theo đó: “Sinh viên nguyên là học sinh các trường THPT chuyên tham gia thi học sinh giỏi đoạt giải Ba cấp tỉnh trở lên, đăng ký theo học ngành sư phạm và tốt nghiệp loại giỏi được ưu tiên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế vào các trường THPT chuyên và trường THPT công lập; khi đủ điều kiện được xét tuyển đặc cách theo quy định hiện hành…”.

Thời điểm đó, chính sách này là một trong những động lực để nhiều học sinh giỏi của các trường THPT trong tỉnh Quảng Nam chọn theo ngành sư phạm. Như trường hợp của thầy giáo trẻ Mai Phước Đạt là ví dụ sinh động. Vừa hết học kỳ I năm thứ nhất Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), Mai Phước Đạt quyết định bỏ ngang và ôn để thi lại ĐH, chọn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) để theo học. Đạt kể, việc chuyển hướng này một phần là do bản thân cảm thấy không hợp. Phần khác là sự thuyết phục của thầy cô khuyên Đạt nên chọn theo nghề dạy học khi Quảng Nam có chính sách thu hút nhân tài cho ngành GD-ĐT.

Tốt nghiệp sư phạm, Mai Phước Đạt dạy hợp đồng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm để đợi chỉ tiêu xét đặc cách tuyển dụng. Thế nhưng, Nghị quyết 31/2016 của HĐND tỉnh Quảng Nam không còn hiệu lực sau khi Nghị định 140 của Chính phủ ra đời. Đạt phải tham gia dự kỳ thi tuyển công chức như các thí sinh khác mà không có sự ưu tiên nào vì không đủ các tiêu chí để xét đặc cách tuyển dụng. Tuy nhiên, điều đó không làm thầy giáo trẻ phiền lòng mà quyết tâm ôn luyện để có thể gắn bó lâu dài với nghề giáo.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - nhận xét: “Các tiêu chí của Nghị định 140 là quá cao khi áp dụng đối với ngành sư phạm. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc mỗi trường chỉ có vài người. Đó là chưa kể có thêm tiêu chí giải Ba học sinh giỏi tỉnh hay giải Khuyến khích quốc gia trở lên”.

Thầy Phan Văn Chương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) - cho biết: “Những giáo viên được tuyển dụng theo Nghị định 140 được đào tạo bài bản, quá trình học tập và rèn luyện có kết quả xuất sắc từ phổ thông đến ĐH. Ngoài trình độ chuyên môn thì tin học và ngoại ngữ đều vững, có tình yêu nghề và khát vọng cống hiến.

Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của trường chuyên. Như thầy giáo trẻ Mai Phước Đạt, dù tuổi nghề còn non trẻ nhưng vẫn được tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi của trường và gặt hái nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia”.

Đồng hành cùng nhà giáo: Thảm đỏ mời gọi nhân tài - Ảnh minh hoạ 3
Sở GD&ĐT Quảng Nam trao quyết định bổ nhiệm cho các giáo viên là sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại xuất sắc. Ảnh: TG

“Giữ chân” nhân tài

GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng - nhận xét: Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài yếu tố thu nhập, còn là môi trường sống, làm việc đủ hấp dẫn để giữ chân người tài.

Như với môi trường giáo dục ĐH, trong nghiên cứu khoa học, để có những đề tài hay, được đánh giá cao, ngoài năng lực của giáo viên, rất cần sự hỗ trợ về môi trường làm việc như cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đặc biệt là, họ cần được tiếp xúc với thông tin khoa học mới. Mà để làm được điều này, sự nỗ lực của bản thân giảng viên thôi là chưa đủ.

Chia sẻ kinh nghiệm của ĐH Đà Nẵng trong thu hút giảng viên, các nhà khoa học có trình độ cao về công tác, GS.TS Trần Văn Nam nói: “Muốn giảng viên tiến hành nghiên cứu khoa học nghiêm túc, thực sự có chất lượng, cần phải phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại.

Các phòng thí nghiệm này có thể do cán bộ đủ năng lực xây dựng đề án thành lập và chịu trách nhiệm quản lý để thực hiện đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện dự án hoặc làm công trình cho các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm này được cấp kinh phí nghiên cứu hàng năm và phải cam kết mỗi năm có số bài báo tối thiểu trên tạp chí hoặc hội nghị uy tín trên thế giới”.

Năm 2004, vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ ở Pháp, anh Nguyễn Thanh Bình quyết định trở về Việt Nam và trở thành giảng viên của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Lý do quan trọng nhất để TS Nguyễn Thanh Bình từ chối lời mời của nhiều doanh nghiệp để chọn công tác trong môi trường giáo dục ĐH bởi: “Nếu đi làm doanh nghiệp hay tổ chức hành chính sẽ rất khó làm nghiên cứu khoa học”.

Ba năm đầu khi trở về Việt Nam là khoảng thời gian tương đối khó khăn với TS Nguyễn Thanh Bình. “Hồi đấy, thời gian làm giảng viên tập sự kéo dài. Ngoài hưởng lương bậc 3 theo chế độ đãi ngộ tiến sĩ, giảng viên tập sự không có lương tăng thêm. Mất khoảng 3 năm đầu khó khăn như thế rồi các điều kiện làm việc, nghiên cứu cũng được cải thiện”, TS Bình kể.

Trong môi trường công tác, những cán bộ, giảng viên trẻ đều được tạo điều kiện tối đa để phát huy năng lực của họ cũng như tham gia vào hoạt động hợp tác quốc tế, chương trình nghiên cứu khoa học, đề án và tham gia quản lý nếu đáp ứng đủ yêu cầu. Chỉ trong hai năm về trường, TS Nguyễn Thanh Bình đã là trưởng bộ môn, rồi lần lượt là phó và trưởng khoa Công nghệ thông tin. Hiện, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình là Chủ tịch Hội đồng trường của Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (ĐH Đà Nẵng).

Cần cơ chế trọng dụng cạnh tranh

Hà Tĩnh cũng là địa phương sớm triển khai chính sách thu hút nhân tài. Nghị quyết 72/2017/NQ-HĐND đã tích hợp các chính sách, khắc phục một số tồn tại, hạn chế của các chính sách trước đó về phát triển nguồn nhân lực. Các chế độ chính sách đãi ngộ đều được Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh dựa trên mức mặt bằng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đó, ngoài giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, Hà Tĩnh còn ưu tiên tuyển dụng những người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, là học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia… Đối tượng tuyển dụng phải có trình độ đại học hệ chính quy công lập, sau đại học hệ chính quy tập trung và thuộc danh mục các ngành nghề cần thu hút do UBND tỉnh ban hành hằng năm hoặc theo giai đoạn.

Đối với học hàm giáo sư - tiến sĩ, Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ kinh phí một lần 300 triệu đồng và hỗ trợ thêm 500 triệu đồng nếu chưa có nhà ở tại tỉnh. Người có học hàm phó giáo sư - tiến sĩ sẽ được hỗ trợ kinh phí một lần 200 triệu đồng và hỗ trợ thêm 300 triệu đồng nếu chưa có nhà ở tại tỉnh. Tiến sĩ được hỗ trợ kinh phí một lần 300 triệu đồng. Đối với tuyển dụng giáo viên ngành Giáo dục, các đối tượng thuộc diện tuyển dụng, nếu có cam kết phục vụ tối thiểu 10 năm liên tục trở lên trong ngành, phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển sẽ được bố trí việc làm và hỗ trợ 50 triệu đồng…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa, một số đối tượng được thu hút về làm việc ở các tỉnh, thành phố sau một thời gian làm việc đã xin thôi việc. “Trở ngại lớn nhất chủ yếu do môi trường làm việc chưa thực sự phù hợp và chế độ chưa đủ khả năng cạnh tranh với các thành phố lớn. Vì vậy để chính sách thu hút trọng dụng nhân tài được triển khai hiệu quả, cần phải có cơ chế trọng dụng, đãi ngộ với sức cạnh tranh đủ lớn cả về vật chất, tinh thần để giữ chân họ”, bà Tố Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, đơn vị đang làm văn bản để tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, sẽ quy định về độ tuổi đối tượng phù hợp với Nghị định số 135 năm 2020 của Chính phủ; Quy định lại các yêu cầu, điều kiện được hưởng chính sách, thời gian cống hiến sau khi cử đi đào tạo và hỗ trợ sau khi tuyển dụng phù hợp với thực tiễn; tăng mức hỗ trợ cho hầu hết các nhóm đối tượng được hưởng…

“Hiện, Hà Tĩnh không thu hút được nguồn chất lượng cao là các giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ. Một số đơn vị do điều kiện đặc thù địa lý, địa bàn khó khăn, công việc độc hại nguy hiểm vẫn chưa thu hút được công chức, viên chức có trình độ về làm việc lâu dài. Việc này đã gây khó khăn cho các ngành có nhu cầu tuyển dụng. Đơn cử như Trường ĐH Hà Tĩnh rất khó mở rộng quy mô học sinh, sinh viên do các ngành đào tạo chưa có sức hút với người học. Kéo theo đó việc thu hút số lượng giảng viên có trình độ cao về làm việc rất hạn chế”. - Bà Phan Thị Tố Hoa 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,050
  • Hôm nay27,316
  • Tháng hiện tại305,446
  • Tổng lượt truy cập51,661,405
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944