Mỗi lớp là một bong bóng
6 giờ 30 phút sáng, các em học sinh của Trường Mầm non Thực hành Sư phạm Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) được bố mẹ đưa đến trường. Ngay từ ngoài cổng phụ huynh được hướng dẫn dừng xe để đưa đón con theo từng khu vực đã quy định. Trước khi vào cổng trường, học sinh đều đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt và sát khuẩn kĩ lưỡng.
Từ cổng vào lớp học, các em được phân luồng, đi theo lối riêng cho từng nhóm lớp. Quy trình từ cổng trường vào lớp học khép kín, giáo viên và học sinh các lớp không tiếp xúc với nhau.
Cô Châu Thị Bông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc dạy học theo mô hình “bong bóng” là hết sức phù hợp. Bên cạnh đó đáp ứng việc thực hiện tốt chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo cô Bông, trước khi triển khai mô hình này nhà trường đã tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường linh hoạt thay đổi để phù hợp với tình hình của địa phương. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình. Qua đó kiểm tra, theo dõi và hỗ trợ giáo viên, phụ huynh để quá trình thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.
Cô Bông cho hay, đối với mô hình "bong bóng" nhà trường tổ chức đón và trả trẻ tại 2 cổng của trường. Theo đó, mỗi nhóm/lớp được bố trí ở từng khu vực có khoảng cách an toàn (có bảng tên của lớp) và chia theo các khung giờ khác nhau. Bên cạnh đó, nhà trường bố trí giãn cách giữa các giường của trẻ nằm. Đồng thời, hàng ngày giáo viên từng lớp sẽ vệ sinh, khử khuẩn làm thông thoáng lớp học. Ngoài ra, điểm danh và theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu có bất thường sẽ đưa ngay trẻ đến phòng y tế hoặc phòng cách ly để kiểm tra, theo dõi.
“Trong mô hình "bong bóng” thì mỗi lớp được ví như một bong bóng và tách biệt so với những lớp khác. Mọi hoạt động của lớp đều khép kín, các em ăn, ngủ, đi vệ sinh riêng. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên trong trường cũng không tiếp xúc với nhau. Mọi hoạt động, triển khai kế hoạch đều được trao đổi bằng hình thức trực tuyến. Do đó, nếu trong trường hợp phát hiện F0 trong trường học thì có thể khoanh vùng theo lớp, hạn chế lây lan trong diện rộng”, cô Bông nói.
Cũng theo cô Bông, khi triển khai thực hiện mô hình "bong bóng", nhà trường và giáo viên sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, vì sức khoẻ của học sinh nên nhà trường và giáo viên luôn cố gắng hết sức.
Yên tâm khi con học trực tiếp
Chị Lê Thị Ánh Tuyết (TP Kon Tum) cho hay, thời gian vừa qua, dịch Covid-19 mặc dù đã được kiểm soát, nhưng có thời điểm vẫn còn trường hợp F0 xuất hiện trong khu cách ly và ngoài cộng đồng. Đây là nỗi lo của mọi người, đặc biệt là phụ huynh học sinh có con theo học trực tiếp tại trường học.
Chị Tuyết cho hay, chị có con đang học trực tiếp tại Trường Mầm non Thực hành Sư phạm Kon Tum nên ban đầu gia đình cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi nhà trường triển khai mô hình "bong bóng” gia đình chị cũng yên tâm phần nào.
“Với mô hình bong bóng mỗi lớp là một thực thể khép kín, riêng biệt trong tất cả các khâu từ việc đưa đón trẻ đến hoạt trong hàng ngày. Chính vì vậy, hạn chế việc các con tiếp xúc với lớp khác nên chúng tôi rất yên tâm. Nếu trong trường hợp xuất hiện F0, F1 thì nhà trường sẽ dễ dàng kiểm tra, sàng lọc… để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Do đó, gia đình rất yên tâm khi cho con đi học trực tiếp mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp”, chị Ánh Tuyết chia sẻ.